Án Nước ngoài:
Phát hiện vợ vừa cưới là đàn ông, chồng vác đơn đi kiện
Thường thì người ta phải tìm hiểu nhau rất kỹ trước khi đi đến hôn nhân, những điều cơ bản về đối phương như tên tuổi, giới tính, gia đình… thì ít ra cũng phải biết.
Nhưng một chàng trai ở Indonesia lại rơi vào tình huống rất oái oăm: Điều mà lẽ ra anh nên biết từ ngày đầu tiên quen nhau lại chỉ được phát hiện ra sau khi anh cưới vợ những 12 ngày.
Theo trang tin Detik của Indonesia, chàng trai này 26 tuổi, tên viết tắt là A., đã yêu “cô” Adinda Kanza được một năm. Nhưng phải đến tuần trăng mật của họ - tức là sau khi kết hôn, anh ấy mới rất sốc khi biết Adinda là nam giới hoàn toàn. A. kể rằng anh bắt đầu nghi ngờ vì sau khi cưới mà Adinda vẫn từ chối những hành động thân mật bằng nhiều lý do như mệt, đau đầu…
“Adinda còn không chịu trò chuyện với ai, bao gồm cả gia đình tôi”, anh A. nói. Tra hỏi bằng được thì anh mới biết Adinda là đàn ông. Rất tức giận vì bị lừa dối theo kiểu này, anh A. đã báo cảnh sát.
Theo cảnh sát địa phương, Adinda quả thật có ngoại hình và tác phong như một cô gái thực sự. Adinda trang điểm khéo léo, có giọng nói nhẹ nhàng, người khác không thể biết được anh ta là nam.
Adinda hiện đang bị cảnh sát tạm giữ. Cha của anh ta cũng đã thừa nhận con mình là nam và không hiểu tại sao anh ta lại giả vờ là nữ để kết hôn với A. Chuyện càng khó hiểu hơn vì anh A. cho biết rằng xưa nay Adinda vẫn bảo cha mình mất tích nhiều năm rồi, nhưng hóa ra người cha đâu có mất tích.
Trước đây, cũng có một người đàn ông khác ở Indonesia kết hôn xong mới phát hiện ra vợ mình là nam giới, nhưng ngay sau hôm cưới thì anh ấy đã phát hiện ra rồi chứ không phải kiên nhẫn chờ đến 12 ngày như anh A..
Luật Việt Nam:
Lừa dối kết hôn có thể bị phạt tới 20 triệu đồng
Hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm rất cao không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới, ngay cả với những nước phát triển.
Theo định nghĩa, hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học, những người đồng tính là một bộ phận nằm trong cộng đồng LGBT.
Dù nhu cầu thay đổi quan niệm về gia đình và kết hôn ở Việt Nam là chính đáng, tuy nhiên nhiều người vẫn quan niệm rằng, hôn nhân cùng giới có thể làm xói mòn giá trị của hôn nhân truyền thống.
Trước đây, tại khoản 5, Điều 10, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Ngoài ra, theo điểm e, khoản 1, Điều 8, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21.11.2001, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng.
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020, những người đồng giới kết hôn với nhau không còn bị phạt.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định điều kiện kết hôn, theo đó nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của luật này.
Tuy nhiên tại khoản 2, Điều luật này cũng nêu rõ: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Chiếu theo quy định trên thì Nhà nước không còn cấm những người có cùng giới tính kết hôn nhưng cũng “không thừa nhận” mối quan hệ hôn nhân này. Điều đó đồng nghĩa với việc những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới, sống chung với nhau như vợ chồng nhưng về mặt pháp lý, họ sẽ không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nói cách khác, quan hệ nhân thân, giữa những người kết hôn đồng giới sẽ không có một ràng buộc nào về mặt pháp lý, hơn nữa quan hệ tài sản giữa họ “trong thời kỳ hôn nhân” không được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp nếu có phát sinh tranh chấp, tài sản giữa họ thì sẽ được giải quyết theo Bộ luật Dân sự.
Tham chiếu pháp luật Việt Nam, cuộc hôn nhân của anh A. và “cô” Adinda không được pháp luật thừa nhận. Nếu có bằng chứng chứng minh “cô” Adida đã lừa dối kết hôn, căn cứ Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, anh A. có quyền yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Ngoài ra, người có hành vi lừa dối kết hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử lý hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, cụ thể như sau: 1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn; d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình; đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Như vậy, khi có hành vi lừa dối kết hôn thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Ánh Dương (Thực hiện)