Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Cưỡng hiếp người phụ nữ khiếm thính đến có thai, cưới có hết tội?

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Cưỡng hiếp người phụ nữ khiếm thính đến có thai, cưới có hết tội?

Dương Kim Ngân

Dương Kim Ngân

Thứ 6, 24/03/2023 10:12

Tòa án ở Pakistan tuyên bố trả tự do cho Daulat Khan, người bị kết án vì tội Hiếp dâm, sau khi anh này đồng ý cưới nạn nhân.

Án Nước ngoài:

Đồng ý cưới nạn nhân, kẻ hiếp dâm được trả tự do

Tòa án tối cao thành phố Peshawar, Pakistan, đã quyết định phóng thích tội phạm hiếp dâm Daulat Khan, 23 tuổi, sau khi người này kết hôn hợp pháp với nạn nhân hồi đầu tháng 12/2022.

Daulat Khan hồi tháng 5/2022 bị tuyên án chung thân và phạt tiền 100.000 rupee (khoảng 440 USD) vì cưỡng hiếp 1 phụ nữ khiếm thính 36 tuổi vào năm 2020 tại quận Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.

Theo luật sư Amjad Ali Khan của Daulat, nạn nhân sau đó mang bầu và sinh con. Một hội đồng bô lão địa phương đã tiến hành dàn xếp để Daulat "kết hôn hợp pháp" với người phụ nữ này theo luật Hồi giáo Sharia.

Ủy ban Nhân quyền Pakistan (HRCP) đã gọi phán quyết của tòa án Peshawar là "vi phạm trắng trợn luật pháp" và "không làm đúng công lý". HRCP kêu gọi kháng cáo phán quyết và khẳng định duy trì cam kết với quyền của phụ nữ.

Swat là vùng nông thôn nổi tiếng bảo thủ của Pakistan, nơi quan niệm gia trưởng và coi thường phụ nữ vẫn còn phổ biến. Năm 2012, nhà hoạt động từng nhận giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai bị bắn vào đầu ở Swat vì không tuân theo lệnh cấm trẻ em gái tới trường do Taliban ở Pakistan gây ra.

Theo báo cáo của HRCP, năm 2021, hơn 5.200 phụ nữ bị cưỡng hiếp ở Pakistan, song các nhà hoạt động cho biết con số thực tế có thể cao hơn do nạn nhân thường mang tâm lý sợ hãi nên không trình báo.

Hồi tháng 12/2020, Pakistan bổ sung luật hiếp dâm để thành lập những tòa án đặc biệt xét xử các vụ án trong vòng 4 tháng và khám sức khỏe cho nạn nhân trong vòng 6 giờ sau khi trình báo.

Pháp luật - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Cưỡng hiếp người phụ nữ khiếm thính đến có thai, cưới có hết tội?

Nhóm người biểu tình phản đối các vụ cưỡng hiếp và bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, tại Karachi, Pakistan, hồi tháng 9/2020. Ảnh: Reuters.

Luật Việt Nam:

Làm nạn nhân có thai có thể bị phạt tới 15 năm tù

Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân đều có thể bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Trong các hành vi xâm phạm đó có thể kể đến hành vi xâm hại tình dục. Người thực hiện hành vi này bị xem là tội phạm và bị xử lý nghiêm theo quy định của Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam.

Trong vụ án trên, Daulat Khan, 23 tuổi, đã có hành vi cưỡng hiếp 1 phụ nữ khiếm thính 36 tuổi vào năm 2020 tại quận Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Nạn nhân sau đó mang bầu và sinh con.

Tháng 5/2022, Daulat Khan bị tuyên án chung thân và phạt tiền 100.000 rupee (khoảng 440 USD). Tuy nhiên, sau đó, tòa án tối cao thành phố Peshawar, Pakistan, đã quyết định phóng thích Daulat Khan sau khi anh ta kết hôn hợp pháp với nạn nhân hồi đầu tháng 12/2022.

Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân.

Tùy thuộc vào dấu hiệu của tội phạm về hành vi, tuổi của người thực hiện hành vi, tuổi của người bị hại…, tội phạm hiếp dâm được chia thành các tội danh và mức xử phạt khác nhau.

Nếu chiếu theo pháp luật hình sự của Việt Nam, Daulat Khan đã cưỡng hiếp người phụ nữ khiếm thính 36 tuổi khiến người này mang thai và sinh con. Chỉ cần có hành vi dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân là người thực hiện hành vi đã có thể bị phạt tù từ 02 – 07 năm.

Khoản 1, Điều 155, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp người phạm tội bị khởi tố theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự về tội Hiếp dâm thuộc một trong các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Thực tế, nhiều trường hợp sau khi nạn nhân bị hiếp dâm yêu cầu khởi tố vụ án, người thực hiện hành vi vi phạm đã đề nghị hòa giải và bồi thường một khoản tiền nhất định. Việc làm này nhằm thuyết phục gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại để không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó, nếu người thực hiện hành vi hiếp dâm đã tiến hành hòa giải, bồi thường cho người bị hại và người bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án thì người vi phạm sẽ không bị khởi tố. Trường hợp người bị hại đã yêu cầu khởi tố vụ án nhưng sau khi hòa giải xong lại rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Khi đó, người có hành vi hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong vụ án trên, Daulat Khan đã làm nạn nhân có thai, đây là tình tiết tăng nặng định khung tại khoản 2 Điều 141, do đó, anh ta sẽ vẫn bị xử lý về tội Hiếp dâm mà không cần phải có đơn yêu cầu khởi tố của nạn nhân. Mức phạt mà anh ta phải đối diện có thể lên tới 15 năm tù.

Việc Daulat Khan “cưới” nạn nhân chẳng qua chỉ là biện pháp trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Ánh Dương (Thực hiện)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.