Án Nước ngoài:
1.600 suất ăn trộn kháng sinh
Cuối tháng 7, tòa án Tp.Nam Thông (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) tuyên án bếp trưởng họ Sha và đồng nghiệp tên Fu lần lượt là 2 năm và 18 tháng tù giam về tội Sản xuất, bán thực phẩm có hại.
2 đầu bếp cũng bị phạt tổng cộng 160.000 Nhân dân tệ (khoảng 563 triệu đồng) và phải xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông.
Tháng 9/2023, 2 đầu bếp bị bắt sau khi một nhân viên nhà hàng báo với chính quyền rằng một số đầu bếp đã cho gentamicin sulfat vào các món ăn trước khi phục vụ khách.
Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng có mặt tại nhà hàng (tên của nhà hàng không được tiết lộ) để kiểm tra. Họ tìm thấy 4 hộp thuốc gentamicin sulfate rỗng trong thùng rác nhà bếp và 101 hộp chưa sử dụng trong văn phòng của Sha. Họ kiểm tra một số món ăn tại nhà hàng này cho thấy đều có chứa dấu vết của thuốc.
Gentamicin sulphate là một loại kháng sinh được sử dụng ở Trung Quốc để điều trị tiêu chảy. Hiện nay loại thuốc này được bán theo đơn tại các hiệu thuốc hoặc phòng khám của bác sỹ.
Các chuyên gia cho biết người già hoặc trẻ em không nên dùng thuốc này vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ như làm tổn thương thính giác và thận.
2 bị cáo cho biết họ cho thuốc kháng sinh trộn với thức ăn để khách không bị tiêu chảy sau khi ăn đồ ăn "khá mất vệ sinh". Họ thêm một lượng khoảng 2ml thuốc vào món khai vị lạnh cho mỗi bàn.
Các đầu bếp thú nhận rằng từ đầu năm 2023, hơn 1.600 món ăn trị giá khoảng 80.000 nhân dân tệ (281 triệu đồng) đều có chứa loại thuốc này. Nhà hàng nơi 2 đầu bếp này làm việc đã bị phạt 1,18 triệu Nhân dân tệ (4,1 tỷ đồng) và bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Cơ quan quản lý thị trường đã cấm Sha và Fu làm việc trong ngành thực phẩm vĩnh viễn, trong khi 2 quản lý nhà hàng mỗi người bị cấm làm việc trong ngành này 5 năm.
Luật Việt Nam:
2 đầu bếp có thể bị phạt tới 7 năm tù
Thực phẩm là một trong những nhu cầu thiết yếu cho sự tồn tại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì những mục đích khác nhau, các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn sử dụng những biện pháp bảo quản, kích thích tăng trưởng không đúng quy định của pháp luật dẫn đến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Một trong những hành vi vi phạm quy định về VSATTP là sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Tùy theo tính chất, mức độ, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, phải bồi thường và khắc phục hậu quả nếu gây ra thiệt hại.
Trong vụ án trên, mặc dù biết rõ thức ăn "khá mất vệ sinh" nhưng thay vì báo cho người quản lý để thay đổi thực phẩm sạch thì 2 đầu bếp lại tự ý cho thêm thuốc kháng sinh vào thức ăn để bán cho thực khách, đề phòng họ bị…tiêu chảy.
Ở đây, 2 người này nhận thức được hành vi sử dụng thực phẩm mất vệ sinh là vi phạm quy định về VSATTP, sẽ gây ra hoặc có thể gây ra tổn hại cho sức khỏe con người nhưng vẫn cố tình sử dụng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 371 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm quy định về VSATTP sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc 1 trong 2 trường hợp: Thực phẩm được làm ra có trị giá từ 10 triệu đồng trở lên; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 317 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo khai nhận của 2 đầu bếp, họ đã bắt đầu cho thuốc kháng sinh vào thức ăn từ đầu năm 2023, cụ thể là hơn 1.600 món ăn trị giá khoảng 80.000 Nhân dân tệ (281 triệu đồng) đều có chứa loại thuốc này.
Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật, hành vi của 2 đầu bếp đã có đủ dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về ATTP. Với 1600 suất ăn trị giá 281 triệu đồng, 2 đầu bếp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 371 (Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng) và phải đối diện với khung hình phạt là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ánh Dương (Thực hiện)