Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Ly kỳ vụ luật sư bịa chuyện bị bắt cóc và cướp thẻ tín dụng để phóng tay mua sắm.

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Ly kỳ vụ luật sư bịa chuyện bị bắt cóc và cướp thẻ tín dụng để phóng tay mua sắm.

Dương Kim Ngân

Dương Kim Ngân

Chủ nhật, 22/10/2023 07:00

Một luật sư ở Rio de Janeiro đang bị điều tra vì cáo buộc giả vờ bị bắt cóc và cướp thẻ tín dụng để che giấu việc chi 13.000 real (2.700 USD) mua sắm tại trung tâm thương mại.

Án Nước ngoài:

Luật sư báo án…giả

Theo trang Oddity Central, người đang bị điều tra là Rodrigo Barcelos de Oliveira, một luật sư ở Tp.Rio de Janeiro, miền nam Brazil.

Truyền thông địa phương đưa tin, vào ngày 19/5/2023, Rodrigo bất ngờ vào trụ sở cảnh sát khu vực số 16 của Rio de Janeiro để xin tố giác tội phạm. Vị luật sư này trình báo với các sĩ quan cảnh sát rằng, sáng sớm hôm đó, khi đang lái xe trên đường Avenida das Américas, anh ta bị 2 người đàn ông có vũ trang đi xe máy áp sát và buộc phải tấp vào bãi đậu xe của Trung tâm thương mại Barra, phía tây Thành phố.

Theo Rodrigo, 1 trong 2 kẻ có vũ trang sau đó đã cướp thẻ tín dụng của anh ta và dành 5 giờ để mua sắm xung quanh, trong khi gã còn lại chĩa súng vào anh ta. Rodrigo kể đã phải cung cấp mã thẻ tín dụng cho bọn cướp để chúng sử dụng theo giới hạn thẻ do ngân hàng đặt ra. Những kẻ bắt cóc tiếp đó rời đi với các sản phẩm đã mua, gồm đồ trang sức, điện thoại, ví và nhẫn cưới của nạn nhân.

Sau khi trình báo vụ việc với cảnh sát, luật sư cũng cố gắng hủy bỏ tất cả các giao dịch mua sắm với lí do thẻ tín dụng của anh ta đã bị cướp. Tuy nhiên, ngân hàng từ chối yêu cầu vì mã thẻ tín dụng đã được nhập chính xác mỗi lần sử dụng.

Trước những lời tố cáo nghiêm trọng, cảnh sát Rio de Janeiro đã ngay lập tức mở cuộc điều tra. Khi trích xuất camera an ninh tại Trung tâm thương mại Barra để kiểm tra và nhận diện thủ phạm rút hết tiền trong thẻ tín dụng của Rodrigo, các điều tra viên vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện chính anh ta “tình cờ” đi lại khắp trung tâm với điện thoại di động trên tay và mua sắm bằng thẻ tín dụng tại 11 cửa hàng khác nhau, bao gồm cả siêu thị, cửa hàng phụ tùng xe máy, phòng khám của bác sĩ nhãn khoa, tiệm bán giày dép và một cửa hàng quần áo thiết kế.

Sau khi xem các đoạn video từ camera giám sát, cảnh sát xác định Rodrigo chính là nghi phạm. Cuối tuần trước, họ đã tiến hành khám xét căn hộ của nam luật sư và tìm thấy tất cả tang vật, gồm cả 1 đôi giày thể thao, 2 quần bơi, 1 quần lót hàng hiệu và 1 mũ bảo hiểm xe máy.

Góc nhìn luật gia - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam:  Ly kỳ vụ luật sư bịa chuyện bị bắt cóc và cướp thẻ tín dụng để phóng tay mua sắm.

Hình ảnh luật sư Rodrigo tại trung tâm mua sắm lọt vào ống kính máy quay an ninh. Ảnh: CCTV.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Rodrigo thú nhận bịa chuyện bị bắt cóc vì khó khăn tài chính. Anh ta hiện đối mặt với việc bị truy tố vì các tội danh tham ô và trình báo tin giả về tội phạm.

Góc nhìn luật gia - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam:  Ly kỳ vụ luật sư bịa chuyện bị bắt cóc và cướp thẻ tín dụng để phóng tay mua sắm. (Hình 2).

Số đồ luật sư đã mua sắm (Ảnh: Cảnh sát Rio de Janeiro)

Luật Việt Nam:

Bị xử lý hình sự nếu bỏ trốn hoặc lừa dối để không trả nợ

Ở Việt Nam, tình trạng báo tin giả tới cơ quan chức năng không phải chuyện hiếm gặp. Những ngày vừa qua, người dân tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vô cùng hoang mang về thông tin 2 vụ cướp tài sản và mất trộm tài sản trên địa bàn với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, khi lực lượng công an vào cuộc điều tra, xác minh thì đây đều là những trường hợp báo tin giả, sai sự thật, với mục đích che giấu nợ nần cá nhân và lấy lòng tin trong việc làm ăn từ mọi người xung quanh.

Báo tin giả là hành động làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của cơ quan chức năng cũng như người thi hành công vụ. Do đó, người dân tuyệt đối không được tùy tiện báo tin giả hoặc cung cấp thông tin sai sự thật đến cơ quan công an, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc hoang báo thông tin, song vì nguyên nhân gì, đây đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, hành vi hoang báo thông tin thuộc nhóm hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Cụ thể, theo điểm c, khoản 3, Điều 7 Nghị định này, người có hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng.

Đối chiếu với quy định trên, với hành vi bịa chuyện bị bắt cóc vì khó khăn tài chính, nam luật sư Rodrigo có thể bị xử phạt tối đa 3 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ làm rõ việc hoang báo đó có hay không nhằm che giấu một hành vi phạm tội hình sự.

Riêng hành vi rút hết tiền trong thẻ tín dụng để mua sắm của Rodrigo sẽ bị xử lý ra sao?

Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Khi mở thẻ tín dụng, ngân hàng phát hành thẻ sẽ cấp cho khách hàng một hạn mức nhất định gọi là hạn mức tín dụng. Khách hàng sẽ được cho vay tiền trong hạn mức tín dụng này để chi tiêu trước, sau đó thanh toán lại cho ngân hàng toàn bộ khoản vay hoặc trả góp hàng tháng.

Theo khoản 2 Điều 17 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, khi sử dụng thẻ tín dụng, chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành thẻ.

Hiện nay, các ngân hàng sẽ để thời gian miễn lãi suất sẽ kéo dài khoảng 45 ngày (tùy chính sách từng ngân hàng), bao gồm thời gian miễn lãi giữa 2 chu kỳ thanh toán và thời gian được ân hạn (là khoảng thời gian ngân hàng gia hạn thêm nhằm tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán hết số tiền đã ứng của ngân hàng để chi tiêu).

Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay (trả góp) trong khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền lãi cho ngân hàng.

Nếu quên không thanh toán nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như nhắn tin, gọi điện, gửi mail để để nhắc nhở khách hàng trả nợ.

Trường hợp xấu nhất, khách hàng có thể bị ngân hàng khởi kiện để đòi lại tiền. Lúc này nếu khách hàng trả được nợ thì ngân hàng có thể rút đơn kiện hoặc khách hàng có thể yêu cầu Tòa án xử lý theo thỏa thuận của hai bên. Còn khi hai bên không tự giải quyết, Tòa án sẽ xét xử và đưa ra bản án đối với chủ thẻ đồng thời, có những biện pháp cưỡng chế để họ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp chủ thẻ bị phát hiện có hành vi bỏ trốn, có tiền nhưng lừa gạt cố tình không trả thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tùy vào mức độ vi phạm và số tiền vay, người phạm tội có thể bị áp dụng các khung hình phạt như sau: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu chiếm đoạt số tiền từ 04 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về các tội xâm phạm quyền sở hữu mà chưa được xóa án tích…; Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu chiếm đoạt số tiền từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; Phạt tù từ 05 - 12 năm nếu chiếm đoạt số tiền từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; Phạt tù từ 12 - 20 năm nếu chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên.

Như vậy, trả nợ thẻ tín dụng là trách nhiệm dân sự. Người nợ thẻ tín dụng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu bỏ trốn hay lừa dối để không trả nợ.

Ánh Dương (Thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.