Án Nước ngoài:
Cú lừa ngoạn mục của “người tình qua mạng”
Hôm 10/10/2022, báo Mainichi (Nhật Bản) cho hay cảnh sát đang điều tra một vụ nghi lừa tiền qua mạng.
Theo đó, một phụ nữ 65 tuổi sống ở Shiga, đã chuyển 4,4 triệu Yen (tương đương 30.000 USD) cho một người quen qua mạng xã hội.
Đối tượng nghi lừa đảo xưng là một "phi hành gia người Nga", làm việc ở Trạm vũ trụ quốc tế (International Space Station, ISS).
Họ bắt đầu gặp nhau trên mạng xã hội Instagram từ tháng 6 năm nay, trước khi nhắn tin thường xuyên qua ứng dụng trò chuyện Line, theo TV Asahi.
"Phi hành gia Nga" nói trên tán tỉnh, nói lời yêu thương và hứa sẽ cưới người phụ nữ Nhật sau khi quay về Trái đất.
Một trong những tin nhắn có đoạn: "Tôi muốn khởi đầu cuộc sống ở Nhật Bản. Nói điều này ngàn lần cũng không đủ, nhưng tôi vẫn sẽ nói. Tôi yêu em".
Tuy nhiên, người này than rằng hiện không có tiền để về, và hỏi xin "người tình" số tiền 30.000 USD để mua tên lửa và trả "phí đáp" xuống Trái đất.
Người phụ nữ đồng ý và đã chuyển khoản vào một tài khoản người nhận trong giai đoạn từ tháng Tám tới tháng Chín năm nay.
Tuy nhiên, khi tài khoản tự xưng "phi hành gia Nga" nói trên tiếp tục xin tiền, người phụ nữ sinh nghi và đã kể lại với cảnh sát.
Theo Indy100, lừa đảo đang ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật, với số trường hợp lừa đảo tăng lên 14.498 vụ năm nay. Trong 10 năm qua, số vụ lừa đảo tăng 67%.
Luật Việt Nam:
Chiếm đoạt trên 500 triệu đồng có thể bị phạt tù chung thân
Trong vụ việc trên, đối tượng tự giới thiệu là "phi hành gia người Nga", làm việc ở Trạm vũ trụ quốc tế. Qua mạng xã hội Instagram, đối tượng đã tán tỉnh, nói lời yêu thương và hứa sẽ cưới người phụ nữ Nhật sau khi quay về Trái đất.
Để có tiền để về, đối tượng hỏi xin "người tình" số tiền 30.000 USD để mua tên lửa và trả "phí đáp" xuống Trái đất. Do tin tưởng “người tình qua mạng”, người phụ nữ 65 tuổi sống ở Shiga, đã chuyển 4,4 triệu Yen (tương đương 30.000 USD) cho hắn ta. Sự việc chỉ được phát hiện khi khi tài khoản tự xưng "phi hành gia Nga" nói trên tiếp tục xin tiền khiến người phụ nữ sinh nghi và báo cho cảnh sát.
Những năm gần đây, việc lừa đảo qua mạng xã hội đã trở nên quá phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thế nhưng vì nhẹ dạ, cả tin, không ít người vẫn “sập bẫy” của bọn chúng.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Ở đây, đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối khi đưa ra thông tin giả mình là “phi hành gia”, sau đó tán tỉnh, nói lời yêu đương khiến nạn nhân tin tưởng, gửi 30.000 USD vào tài khoản của đối tượng này. Tội phạm đã hoàn thành ngay khi nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng.
Theo pháp luật Việt Nam, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Chủ thể của tội Lừa đảo là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Đây là tội danh được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự, nếu số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi lừa đảo mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Về hình phạt, mức thấp nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Trong vụ việc trên, số tiền đối tượng chiếm đoạt là 30.000. nếu quy đổi tỷ giá vào thời điểm hiện tại, số tiền đối tượng chiếm đoạt của nạn nhân tương đương khoảng 720.000.000 đồng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 174, nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở nên, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, nếu bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “phi hành gia” dởm nói trên có thể bị phạt mức án tù chung thân và bị buộc phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho nạn nhân.
Ánh Dương (thực hiện)