Án oan 3.682 ngày: Yêu cầu bồi thường 18 tỷ, tòa đồng ý 264 triệu đồng!

Án oan 3.682 ngày: Yêu cầu bồi thường 18 tỷ, tòa đồng ý 264 triệu đồng!

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 6, 23/11/2018 19:00

Nguyên đơn Dương Văn Hòa khởi kiện và yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị bồi thường gần 18 tỷ đồng vì những thiệt hại về vật chất, tinh thần... sau khi bị kết án oan về tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật. Tòa áp dụng luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và chỉ đồng ý bồi thường 264 triệu đồng. Tuy nhiên, luật sư cho rằng cần phải áp dụng luật mới năm 2017.

Bị kết án oan vì dịch lở mồm long móng

Ngày 19 và 20/11, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa dân sự sơ thẩm xử vụ kiện đòi bồi thường do oan sai giữa nguyên đơn là ông Dương Văn Hòa (61 tuổi, trú thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) và bị đơn là VKSND tỉnh Quảng Trị. Phiên tòa có 21 người làm chứng, là các cựu chiến binh, công nhân và đối tác của ông Hoà.

Nguyên đơn Dương Văn Hòa khai tại tòa, ông từng là Giám đốc công ty TNHH giống cây trồng vật nuôi Thuận Thành (trụ sở tại Gio Linh), cung cấp 300 con bò giống cho dự án giảm nghèo miền Trung, thực hiện tại 2 huyện Hướng Hoá và Đắkrông. Tháng 6/2007, dịch lở mồm long móng xảy ra trên diện rộng ở 6 huyện thị tại Quảng Trị. Tháng 7/2007, VKSND tỉnh Quảng Trị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông về tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.

Năm 2008, ông Hoà bị TAND tỉnh Quảng Trị xử sơ thẩm, phạt 18 tháng tù. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau 3 lần tống đạt cáo trạng, TAND tỉnh Quảng Trị đã trả hồ sơ cho VKS tỉnh Quảng Trị, cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội. Cuối năm 2009, VKS tỉnh Quảng Trị đình chỉ điều tra với ông Hoà vì hành vi không cấu thành tội phạm. Tháng 8/2017, VKSND Quảng Trị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Hoà.

Góc nhìn luật gia - Án oan 3.682 ngày:  Yêu cầu bồi thường 18 tỷ, tòa đồng ý 264 triệu đồng!

Ông Dương Văn Hòa tại phiên tòa.

Kể từ khi ông Hòa bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú, các hợp đồng kinh tế đã ký kết đều bị hủy bỏ. Các mối quan hệ làm ăn bị cắt đứt. Các đối tác không dám tiếp tục hợp tác làm ăn với ông. Vì ông Hòa không thể chăm nom các vườn cây khiến chúng bị bỏ hoang, cây giống hư hỏng. Các trại giống cũng đóng cửa. Công ty phải ngưng hoạt động, giấy phép kinh doanh cũng bị thu hồi, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Theo ông Hòa, việc bị khởi tố oan đã đẩy ông từ một người làm kinh tế giỏi trở thành người nghèo khổ, mất danh dự, tinh thần sa sút, cuộc sống của ông cùng gia đình đảo lộn hoàn toàn... Do đó ông giữ nguyên quan điểm yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị phải bồi thường thiệt hại số tiền gần 18 tỷ đồng, chỉ riêng việc công ty cung cấp con giống và cây giống với 6 vườn ươm bị phá sản đã là 16 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức cải chính, xin lỗi ông một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật.

Sau 4 lần thương lượng đền bù, VKSND Quảng Trị chỉ đồng ý bồi thường 264 triệu đồng, gồm tiền tổn thất tinh thần trong 3.682 ngày oan sai và một số khoản nhỏ khác. VKS cho rằng họ không kê biên tịch thu tài sản là các vườn ươm nên từ chối bồi thường thiệt hại.

Kết thúc phiên xử, TAND tỉnh Quảng Trị áp dụng luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 (luật TNBTCNN), cho rằng ông Hòa không đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại, lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú không ảnh hưởng đến kinh doanh của ông. Vì vậy, HĐXX tỉnh Quảng Trị buộc VKSND cùng cấp bồi thường cho ông 264 triệu đồng.

Việc tòa áp dụng luật TNBTCNN 2009 của TAND tỉnh Quảng Trị nổ ra một cuộc chiến pháp lý mới. Một số luật sư cho rằng tòa cần áp dụng luật TNBTCNN 2017 để giải quyết bồi thường cho ông Hòa.

Phải áp dụng luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

Luật sư Võ Công Hạnh (công ty Luật Công Khánh, đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dương Văn Hòa phân tích: Theo quy định tại khoản 7, Điều 3, luật TNBTCNN năm 2017 thì cơ quan giải quyết bồi thường gồm 1 trong 2 cơ quan sau: Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ hoặc tòa án có thẩm quyền.

Đối chiếu trường hợp của ông Dương Văn Hòa, ông đã chọn và yêu cầu TAND tỉnh Quảng Trị giải quyết bồi thường vào ngày 28/6/2018. TAND tỉnh Quảng Trị ra thông báo thụ lý vụ án ngày 6/8/2018.

Căn cứ khoản 2, Điều 78, luật TNBTCNN năm 2017 quy định luật chuyển tiếp, được hiểu: Kể từ ngày 1/7/2018 các trường hợp đã yêu cầu bồi thường nhưng chưa được thụ lý giải quyết thì áp dụng quy định của luật TNBTCNN năm 2017 để giải quyết.

Như vậy, ông Hòa đã yêu cầu TAND tỉnh Quảng Trị vào ngày 28/6/2018, trước thời điểm luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày 6/8/2018 (sau ngày luật năm 2017 có hiệu lực thi hành) thì TAND tỉnh Quảng Trị mới thụ lý giải quyết.

Góc nhìn luật gia - Án oan 3.682 ngày:  Yêu cầu bồi thường 18 tỷ, tòa đồng ý 264 triệu đồng! (Hình 2).

Luật sư Võ Công Hạnh.

Việc VKSND tỉnh Quảng Trị căn cứ vào khoản 1, Điều 78, luật TNBTCNN năm 2017 là không có cơ sở. Khoản 1, Điều 78, luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm luật năm 2017 có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của luật TNBTCNN 2009 để giải quyết”.

Điều luật trên được hiểu là nếu người bị thiệt hại có yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường trước ngày 1/7/2018 nhưng cơ quan giải quyết bồi thường chưa hoặc đang giải quyết mới áp dụng luật cũ để tiếp tục giải quyết.

Tuy nhiên, VKSND tỉnh Quảng Trị với vai trò là 1 trong 2 cơ quan giải quyết bồi thường đã giải quyết xong yêu cầu bồi thường của ông Hòa – Điều này được chứng minh qua Quyết định số 781/QĐ-VKS-P7 ngày 14/6/2018 do VKSND tỉnh Quảng Trị ban hành.

Việc ông Hòa yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường số 2 là TAND tỉnh Quảng Trị giải quyết bồi thường là một yêu cầu bồi thường hoàn toàn độc lập, không liên quan đến việc thụ lý và giải quyết của VKSND tỉnh Quảng Trị.

Vì lẽ trên, theo luật sư Võ Công Hạnh, TAND tỉnh Quảng Trị phải căn cứ khoản 2, Điều 78, luật TNBTCNN năm 2017 để giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Dương Văn Hòa mới đúng với tinh thần của luật TNBTCNN hiện hành.

Theo luật sư Võ Công Hạnh, ông Hòa bị khởi tố oan 3.682 ngày, tính theo mức lương cơ sở thì VKSND tỉnh phải bồi thường tổn thất về tinh thần là hơn 465 triệu đồng. Những thiệt hại đối với các vườn cây cao su, vườn cành ghép của ông Hòa có mối quan hệ nhân quả giữa các quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú của cơ quan có thẩm quyền với thiệt hại thực tế xảy ra.

Điều đó khiến ông Hòa không thể chăm sóc, khai thác vườn cây giống của mình dẫn đến hư hỏng, không thể khắc phục nên VKSND tỉnh phải bồi thường số tiền hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Hòa còn bị thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại do không thể thực hiện được hợp đồng...

“10 năm với những thiệt hại mà một doanh nhân tài năng đã gánh chịu vỏn vẹn trong số tiền 264 triệu đồng. Thiệt hại của ông nếu theo giá hiện nay ước chừng con số trên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên ông chỉ yêu cầu hơn 17 tỷ đồng vì đã nghĩ đến những người xung quanh và nguồn lực của ngân sách. Bản án đã một lần nữa làm oan cho người đã phải gánh án oan hơn 10 năm trước”, luật sư Hạnh nói.

Nguyên đơn có quyền kháng cáo

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hùng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng TAND tỉnh Quảng Trị phải áp dụng luật TNBTCNN năm 2017. Vị luật sư viện dẫn khoản 1, Điều 78 về quy định chuyển tiếp, áp dụng luật mới thay vì luật năm 2009.

“Việc tòa áp dụng luật năm 2009 khi yêu cầu bồi thường được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý sau thời điểm luật năm 2017 có hiệu lực thể hiện sự máy móc, giải quyết vụ việc theo hướng có lợi cho bị đơn”, luật sư Hùng nêu quan điểm.

Luật sư Hùng nhấn mạnh thêm, nếu ông Dương Văn Hòa thấy tòa sơ thẩm xét xử chưa công tâm thì có quyền kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét bản án lại.

Theo đó, khoản 2, Điều 282, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định, bản án dân sự chỉ có hiệu lực pháp luật khi bản án sơ thẩm của tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm của tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Phương Quế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.