Sau 23 ngày bị giam oan, đại diện VKSND TP Sơn La, CA TP Sơn La đã chính thức công khai xin lỗi chị Đ trước chính quyền địa phương và cơ quan vì đã khởi tố và bắt tạm giam oan chị về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tai họa giáng xuống đầu mẹ con chị Đ là câu chuyện hết sức đau lòng. Chị Đ - mẹ của cháu gái 13 tuổi vừa bị hãm hiếp được ba ngày, khi đồng tình nhận số tiền bồi thường từ gia đình kẻ hãm hại con mình bỗng chốc trở thành bị can bởi những việc làm không thể lý giải của cơ quan tiến hành tố tụng TP Sơn La, tỉnh Sơn La.
Cô giáo Bùi Thị Đ.
Theo lời của cháu V, SN 1997, khoảng 18g ngày 27-8-2010, do quen biết từ trước, Nguyễn Văn Hưởng, SN 1990, người làm thuê cho gia đình Bách - bạn học cùng lớp với V gọi điện rủ V sang cửa hàng Tùng Bách Plaza chơi. Khi V đến nơi, Hưởng ra đón rồi rủ V lên phòng của nhân viên cửa hàng chơi. Khi vào phòng, Hưởng mời V ngồi chơi rồi bất ngờ ôm hôn V khiến cháu V sợ hãi đẩy Hưởng ra nhưng Hưởng vẫn đè V xuống giường để thực hiện hành vi đồi bại. Vì mới mổ ruột thừa, sức khỏe còn yếu, V không thể chống cự nổi...
Sau đó, V về nhà nằm ôm mặt khóc. Chị Đ gặng hỏi mãi đến ngày hôm sau V mới thuật lại cho mẹ sự thật đau xót. Chị Đ liền gọi điện thoại cho chủ cửa hàng Tùng Bách Plaza (nơi Hưởng đang làm thuê) thông báo chuyện con gái mình bị Hưởng làm nhục. Vợ chồng chủ cửa hàng đã đưa Hưởng đến nhà chị Đ và trước sự chứng kiến của nhiều người, Hưởng đã cúi đầu nhận tội và viết bản tường trình đã xâm hại tình dục cháu V. Người nhà chị Đ cũng báo ngay sự việc với CA phường Quyết Thắng, TP Sơn La nhưng do gia đình chủ cửa hàng và Hưởng xin đợi gia đình Hưởng từ Lào Cai đến nói chuyện, nên chị Đ chưa đề nghị CA phường giải quyết.
Liền sau đó, mẹ và hai anh trai của Hưởng đến nhà chị Đ van xin khóc lóc. Không muốn nhiều người biết chuyện đau lòng, ảnh hưởng đến tương lai sau này của con gái, chị Đ đành chấp nhận lời xin lỗi. Gia đình Hưởng tự nguyện sẽ bồi thường cho cháu V 130 triệu đồng, ngược lại gia đình chị Đ sẽ không kiện cáo. Hai bên viết giấy tờ cam kết bồi thường một cách tự nguyện. Ngày 30-8, gia đình Hưởng đưa trước 50 triệu đồng, số còn lại hứa sẽ lo liệu rồi chuyển vào tài khoản cho chị Đ. Toàn bộ việc thỏa thuận có sự chứng kiến của một CA phường Quyết Thắng.
Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, mà lại bắt đầu một nỗi đau mới đến gia đình chị Đ. Khoảng 2giờ sáng ngày 31-8-2010, với lý do có người lạ đến ở qua đêm (trong quá trình giải quyết vụ việc, mẹ con Hưởng ngủ ở nhà chị Đ) mà không khai báo, lực lượng CA đã đưa mẹ con Hưởng và chị Đ về CA TP Sơn La để “khai báo tạm trú, tạm vắng”. Tại đây, chị Đ ngỡ ngàng nghe thông báo mình đã phạm tội Cưỡng đoạt tài sản với chứng cứ là lá đơn tố cáo của anh trai Hưởng, tố cáo chị Đ đã cưỡng đoạt tài sản của gia đình họ.
Ngay hôm sau, ngày 1-9-2010, Công an TP Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam luôn cô giáo Đ, mặc cho cháu bé vừa bị hãm hiếp đang hoảng loạn bơ vơ một mình (chồng chị Đ đã mất, con gái lớn đang theo học ở Hà Nội), mặc cho dư luận phẫn nộ vì không thể lý giải nổi nguyên do. Tai họa giáng xuống gia đình quá bất ngờ khiến cô sinh viên trường luật Bùi Mai H (chị bé V) lập tức xin nghỉ học về quê, làm đơn và hướng dẫn em gái làm đơn kêu cứu. Những lá đơn đẫm nước mắt với sự việc đầy uẩn khúc, khó hiểu của chị em H đã được hồi âm nhanh chóng. Ngày 22-9-2010, Viện trưởng VKSND TP. Sơn La đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can Bùi Thị Đ. Cùng ngày, CA TP. Sơn La cũng ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho chị Đ, do xét thấy chị Đ chưa phạm tội, chấm dứt 23 ngày bị giam oan uổng.
Điều 135 Bộ luật Hình sự quy định rõ ràng: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác”. Trong khi đó, gia đình Nguyễn Văn Hưởng đưa 50 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần cho cháu V là tự nguyện (có người chứng kiến) và việc thỏa thuận này cũng không trái luật... Tài liệu điều tra cũng cho thấy, không có chuyện chị Đ, hoặc gia đình chị dùng vũ lực đe dọa Hưởng hoặc gia đình Hưởng để chiếm đoạt số tiền bồi thường? Tất cả chỉ bắt nguồn từ một lá đơn tố cáo thiếu cơ sở.
Theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự, biện pháp tạm giam được áp dụng trong các trường hợp “bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng”, hoặc “phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS qui định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội”. Trong vụ việc này, chị Đ là một giáo viên có trình độ, đạo đức, có nơi cư trú rõ ràng, không có “biểu hiện” tiếp tục phạm tội, cũng không bỏ trốn, “gây khó” CQĐT... nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “nặng” nhất này. (Còn nữa).
> Đọc thêm loạt bài: Nhìn lại các vụ án oan ở Việt Nam
Phương Thảo (PLXH)