Hay “tâm linh” một chút do “lưới trời” lồng lộng, do anh linh người cha, liệt sĩ Nguyễn Hữu Phần đã che chở cho con trai Nguyễn Thanh Chấn thoát khỏi án “tử” (con Liệt sĩ thuộc yếu tố/tình tiết có thể giảm nhẹ mức án), để chờ “oan hồn” người đàn bà xấu số kia thôi thúc lương tri trong kẻ sát nhân hoặc ban điều kỳ diệu nào đó.
Trước lời sám hối, dẫu là muộn mằn đó, đã khiến bao giọt nước mắt rơi. Giọt nước mắt oan khuất, tủi nhục của người tù oan. Giọt nước mắt của lương tri xã hội trước những phán quan nhân danh pháp luật (từng giết chết lẽ công bằng, công lý bằng các lý do được nêu ra). Giọt nước mắt cảm phục của người đời (người dưng) khi biết rằng, hóa ra lương tâm vẫn là thứ có thật ở trên đời, khi ngay một kẻ từng giết người cũng còn biết sám hối.
Và tôi còn tin một điều khác nữa, nhiều người trong số “đội ngũ” đã từng tham gia điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án liên quan vụ việc ông Chấn, giờ đây đang trăn trở, giọt nước mắt của họ không chỉ đơn thuần là thương cảm, mà thêm cả sự nhức nhối lương tâm nghề nghiệp.
Dân làng vui mừng vì Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do.
Tôi tin thế bởi khi bé ai ai cũng đều được nghe những lời giảng giải “thương người như thể thương thân/Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng…”, dẫu có thể không thấm đẫm vào tiềm thức hay hành động của tất cả mọi người, nhưng chắc chắn hầu hết chẳng ai lạ lẫm, mà còn thuộc những câu này, cũng như truyền thống dân tộc ta là “yêu nước thương nòi” có tự ngàn đời nay và những người làm luật, những người công tác trong lĩnh vực tư pháp đã nằm lòng khẩu ngữ “cái đầu lạnh – bàn tay sạch và trái tim nóng”.
Dù sao vẫn thật may mắn vì ông Chấn đã không phải nhận án tử hình, phải chăng cuộc đời vẫn tồn tại sự “cứu rỗi”, không đến nỗi oan khuất, bất hạnh đường cùng. Vậy, nên vui hay vẫn còn buồn?
Vui khi kẻ phạm tội ra đầu thú, để một đời người, một gia đình, dòng họ được minh oan. Lỗi lầm đâu thì chịu phạt đó, hành vi đúng đắn thì danh dự, nhân phẩm được trả lại. Danh dự, nhân phẩm có thể phục hồi; và “văn hóa” xin lỗi, thừa nhận lỗi lầm, khắc phục hậu quả lại sẽ được dịp thể hiện.
Nhưng thời gian, ai “trả lại thời gian” cho một kiếp người ngắn ngủi (đời người được mấy lần 10 năm?), ai có thể hồi hoàn, bù đắp lại những tổn thất những năm đau khổ - tột cùng của khổ đau đó?
Vẫn nói rằng, vật chất có thể giải quyết “sòng phẳng”, chỉ có tinh thần và món “nợ đời” mới không thể, không bao giờ “sòng phẳng”. Nhưng thực tế thấy là không phải cái gì cũng sòng phẳng được, kể cả vật chất, ví như một người đàn ông ngồi tù, người đang gánh vác một gia đình, lo cơm áo gạo tiền nuôi cái gia đình đó, thì chỉ cần thiếu một ngày vào cái thời điểm cần nhất thôi cũng dễ khiến gia đình “dang dở”, con trẻ “dở dang” một đời.
Rồi lao động và cơ hội trong cuộc sống của họ? Bên cạnh đó người vợ và những đứa con, rồi cả cháu không bao giờ “bình đẳng” được như mọi người, bị người đời dèm pha, dè bỉu, cay nghiệt, lại còn phải chấp nhận một số hạn chế khác.
Không chỉ riêng người trực tiếp chịu án Toà tuyên, mà kéo theo những con người - những công dân “liên đới nhưng không phạm pháp” khác phải chịu đựng thiệt thòi, oan uổng.
Cái án “bệnh viện” đã kinh khủng, nhưng án “quan tòa” còn kinh khủng hơn: Ngoài việc tất lẽ phải chịu những hình phạt của xã hội, của lương tâm, nó có thể còn khiến phát bệnh tật và tâm bệnh. Khi mà mất mát một người thân đi theo “tổ tiên” đã rất hẫng hụt, đau đớn, nhưng vẫn còn nhận được sự thương cảm, sẻ chia từ mọi người, rồi thời gian sẽ giúp vơi bớt nỗi niềm.
Nhưng khi mất mát là người thân đi theo “quản giáo”, rơi vào vòng lao lý, tù đày thì người “ở lại” luôn bị “ghẻ lạnh”, dẫu thời gian trôi đi cũng chẳng thể xoa dịu, thậm chí còn lê lết nặng nề - người thân, gia đình, dòng họ mang “nhuốc” muôn đời: Cái tội đồ khiến vợ con không dám ngẩng mặt nhìn đời và 3 đời chưa rửa hết nhục.
Hoàng Thu Trang