Án oan: Thủ trưởng cơ quan điều tra có thể bị khởi tố

Án oan: Thủ trưởng cơ quan điều tra có thể bị khởi tố

Thứ 5, 14/11/2013 09:11

Mức độ sai phạm thế nào thì xử lý đến đó. Oan sai không chỉ dừng lại ở việc bồi thường bằng tiền mà phải “bóc tách” rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân đó dẫn đến việc oan sai.

Trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, ông Phạm Văn Minh, giám đốc CA tỉnh Bắc Giang hiện nay cũng không thể không có trách nhiệm. Bởi lẽ, vào thời điểm vụ án xảy ra, ông Minh là phó giám đốc chỉ huy cảnh sát, thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang.

Một vụ trọng án xảy ra, thủ trưởng cơ quan điều tra là người chỉ đạo việc điều tra, và quyết định các biện pháp nghiệp vụ điều tra thủ phạm. Việc ký kết quả điều tra có thể do phó thủ trưởng cơ quan Điều tra được ủy quyền của thủ trưởng Cơ quan Điều tra thực hiện…

Nhưng bất luận thế nào, thủ trưởng cơ quan điều tra, mà trong trường hợp vụ án Nguyễn Thanh Chấn này, ông Phạm Văn Minh có phần trách nhiệm.

Luật sư - Án oan: Thủ trưởng cơ quan điều tra có thể bị khởi tố

Nếu cố tình làm oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn nhiều người có thể sẽ phải trả giá.

Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan điều tra đến đâu, hình thức xử lý như thế nào. Ngay cả pháp lệnh điều tra hình sự cũng chỉ nêu rõ các biện pháp xử lý đối với điều tra viên vi phạm kỷ luật.

Do đó, việc thủ trưởng cơ quan điều tra nếu làm sai, thiếu trách nhiệm dẫn đến án oan thì tùy mức độ vi phạm, lỗi có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, nặng thì cách chức buộc thôi việc.

Trường hợp có căn cứ cho rằng thủ trưởng cơ quan điều tra, phó thủ trưởng cơ quan điều tra biết rõ việc khởi tố, điều tra, kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn phạm tội Giết người là thiếu cơ sở, biết rõ ông Chấn không phạm tội nhưng vẫn ký quyết định chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để truy tố thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra về tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” theo điều 293 Bộ luật hình sự. Hình phạt đối với tội danh này có thể lên đến 15 năm tù.

Đối với các điều tra viên, nghi vấn ép cung, dùng nhục hình đang được Bộ công an vào cuộc làm rõ. Nếu có đủ cơ sở và bằng chứng cho rằng các điều tra viên có hành vi như tố cáo của ông Nguyễn Thanh Chấn thì có thể khởi tố về tội danh “Dùng nhục hình” theo điều 298 Bộ luật hình sự. Việc dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

Khi có đủ chứng cứ xác định các điều tra viên sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì căn cứ 299 Bộ luật hình sự có thể khởi tố về tội danh “Bức cung” và xử phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

Như vậy, kể cả thủ trưởng cơ quan điều tra cũng như các điều tra viên vụ án Nguyễn Thanh Chấn đều cần phải được xem xét trách nhiệm. Mức độ sai phạm thế nào thì xử lý đến đó. Oan sai không chỉ dừng lại ở việc bồi thường bằng tiền mà phải “bóc tách” rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân đó dẫn đến việc oan sai. 

Luật gia Giang Văn Quyết, chi hội luật gia Đông Đô, thành hội Hà Nội.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.