Mới đây, TAND TP.HCM cho biết cả bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều đã nộp đơn kháng cáo lên TAND TP.HCM. Cụ thể, ngày 5/4, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn kháng cáo, nội dung về quan hệ hôn nhân là xin được đoàn tụ với ông Vũ; không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ.
Về phần ông Đặng Lê Nguyên Vũ, trong đơn kháng cáo, “vua cà phê” Trung Nguyên yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% như quan điểm trình bày ở tòa.
Theo luật, do cả hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều có kháng cáo trong thời hạn 15 ngày sau khi tòa tuyên án sơ thẩm, nên bản án sơ thẩm cũng như mức án phí hơn 8 tỷ đồng đã tuyên là không còn hiệu lực.
Thêm vào đó, trong một động thái gần đây, VKSND TP cũng vừa kháng nghị bản án của TAND TP.HCM vì cho rằng phán quyết không nhận định đầy đủ và thể hiện chính xác ý kiến của VKS, có nhiều sai sót trong việc tính toán, áp dụng pháp luật.
Vậy, nếu tính toán lại, vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên sẽ phải nộp bao nhiêu tiền án phí?
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết ở cấp phúc thẩm, nếu cả hai bên đồng ý đoàn tụ và rút yêu cầu không chia tài sản trước khi xét xử phúc thẩm thì tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Lúc này bà Thảo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng và cả hai nộp 50% án phí dân sự cấp phúc thẩm. Nếu đoàn tụ sẽ không còn tranh chấp tài sản nên không phải chịu án phí của phần tài sản tranh chấp.
Còn trong trường hợp tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án cấp sơ thẩm và yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại thì ông Vũ và bà Thảo không phải đóng án phí phúc thẩm. Nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại theo giá ngạch khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, án phí theo tuyên bà Thảo phải nộp phải nộp 3,4 tỷ đồng, được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà đã nộp trước đó là hơn 1 tỷ đồng. Do vậy, số tiền án phí mà nguyên đơn phải nộp thêm là 2,3 tỷ.
Án phí ông Vũ phải nộp là 4,97 tỷ, được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp trước đó là 1,31 tỷ. Do đó, số tiền án phí mà ông Vũ phải nộp thêm là 3,66 tỷ.
Clip: Toàn cảnh ngày phán quyết vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên
Cũng về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.HCM) thông tin với báo Lao Động như sau: “Trong trường hợp tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên phải chịu án phí phúc thẩm là 300.000 đồng, cùng với án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà cấp sơ thẩm đã tuyên”.
Luật sư Bình đặt khả năng thứ 2, khi tòa cấp phúc thẩm sửa bản ántheo hướng chấp inhận tỉ lệ 70/30 theo ông Vũ thì “ông Vũ không phải chịu án phí phúc thẩm và tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định”.
Trường hợp thứ 3 là bà Thảo rút đơn khởi kiện (được sự đồng ý của ông Vũ) và hai vợ chồng về sống chung lại với nhau. Ở tình huống này, luật sư Bình cho rằng vợ chồng “vua cà phê Trung Nguyên” “vẫn phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 và 50% án phí dân sự cấp phúc thẩm. Do họ đoàn tụ lại, không còn tranh chấp tài sản nữa nên không phải chịu án phí của phần tài sản tranh chấp có giá ngạch”.
“Còn trong trường hợp tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án cấp sơ thẩm đã tuyên và yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại, họ không phải đóng án phí phúc thẩm, nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm”, luật sư Bình nhấn mạnh.
Chiều 27/3, tòa cấp sơ thẩm đã chính thức công nhận việc ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, giao 4 người con cho bà Thảo chăm sóc. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 người con cho đến khi trưởng thành.
Về chia tài sản, TAND quyết định giao 60% cho ông Vũ, bà Thảo chỉ được chia 40%. Riêng toàn bộ số cổ phần tại Trung Nguyên sẽ đưa hết cho ông Vũ, ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán bằng tiền mặt cho bà Thảo theo định giá của pháp luật. Tổng mức án phí sơ thẩm mà hai người phải nộp là hơn 8 tỷ đồng.
Đình Văn (tổng hợp