Không phủ nhận việc đặt may một chiếc áo cưới online quả thật là một cách tiết kiệm thời gian khá hợp lý đối với những cô dâu tương lai bận rộn nhưng...
Khốn khổ vì chạy theo "chuẩn ngoại"
Hiện nay, hầu như các trang web may áo cưới qua mạng đều của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Australia, Mỹ... nên ngôn ngữ sử dụng để giao dịch phần lớn là tiếng Anh. Nhiều khách hàng có vốn tiếng Anh lõm bõm nhưng thừa tự tin giao dịch nên xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc.
Một mẫu áo cưới online
Được một người bạn đi trước mách cho trang web chuyên may áo cưới của Trung Quốc có tên lightinthebox.com có giá thành khá ổn với kiểu dáng thiên về ren và kết cườm..., Mi Vân (24 tuổi), nhân viên một ngân hàng lớn tại Hà Nội đặc biệt "kết" mẫu váy có tùng rộng tạo độ xòe tự nhiên rất đẹp mắt. Đọc qua phần mô tả chi tiết về mẫu váy mình đã "tăm" từ trước, Mi Vân vô cùng hài lòng bởi ưu điểm của hãng về kỹ thuật may các lớp lót váy vô cùng kĩ càng với 9 lớp.
Mi Vân nói: "Lót nhiều như vậy thì khi mình mặc tùng có gọng thì không bị hằn lên áo, nhìn sẽ đẹp hơn". Mi Vân hào hứng đặt hàng nhưng đáng tiếc là trong quá trình giao dịch cô nàng đã nhầm lẫn giữa các lớp lót (lining) với các kết gọng áo (boning), thường 1 bone là 1 gọng. Kết quả là số lớp áo bị giảm đi một nửa so với hàng mẫu, còn số gọng để tạo độ phồng thì tăng lên khiến chiếc váy đến tay Mi Vân chả khác nào một đống bùi nhùi. Những tưởng được an ủi bởi một số mẫu găng tay và hoa cài được khuyến mại thêm thì "nhìn đúng là đồ Trung Quốc, kiểu ko đẹp không xấu nhưng hơi sến" - Mi Vân cho biết.
Thu Hà (26 tuổi), nhân viên văn phòng ở Hà Nội kể, trang web dressilyme.com là một trang khá nổi tiếng chuyên phục vụ cho khách hàng ở các nước châu Âu. Hoa mắt bởi những mẫu thiết kế đơn giản mà quý phái của các mẫu váy trên trang web này nên Hà đã quyết định đặt mua sẵn một mẫu theo kích cỡ các số đo tương đương với mình trên trang web này với giá 250 USD. Thu Hà cho biết, mình hoàn toàn hài lòng với kiểu dáng và chất lượng của váy, ngoại trừ vòng ngực hơi rộng. Hóa ra họ may theo chuẩn vòng ngực của người phương Tây nên phải sửa lại một chút. Tuy nhiên, với kỹ thuật may giấu hết đường may bên trong chứ không chừa ra như áo may ở Việt Nam nên công đoạn này khá tốn thời gian, chưa kể đến việc người sửa không khéo léo lúc ráp lại đường may sẽ bị lệch so với ban đầu nhìn rất xấu.
Hầu hết các dịch vụ này đều quy định thời gian từ lúc đặt may cho đến lúc nhận hàng từ 20 ngày đến 1 tháng. "Thời gian đặt may đẹp nhất là trước ngày cưới hai tháng phòng khi cân nặng tăng giảm bất thường còn có sự điều chỉnh hoặc nếu lỡ gặp sự cố thì việc yêu cầu sửa kèm theo thời gian ship đi ship lại nhiều lần cũng không ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức tiệc cưới của bạn" - Hà cho biết thêm.
Một góc giao diện trang web chuyên may váy cưới dresspayless.com
Tá hỏa bởi các phí dịch vụ phụ trội
Một đặc điểm của các trang web may váy cưới của nước ngoài là chi phí thanh toán không có khoản đặt cọc mà yêu cầu trả gọn trong một lần, bên phía dịch vụ nhận được tiền rồi mới may áo cho khách. Phần lớn hình thức thanh toán của các dịch vụ này đều thông qua tài khoản paypal (hệ thống thanh toán quốc tế trực tuyến) nên khách hàng sẽ không thể giao dịch được khi chưa có tài khoản này. Mặt khác, hàng đến tay khách sẽ bao gồm cả phí shipping áp dụng cho mỗi nước một giá khác nhau và ở Việt Nam sẽ tính thuế hải quan cho gói hàng. Cô dâu tên Thu Thủy than phiền vì sau khi nhận áo cưới chuyển từ Hàn Quốc về bởi thuế hải quan lên tới 500.000 đồng!. Trong khi đó, Mi Vân rút ra kinh nghiệm của chính bản thân mình khi trót đặt may một chiếc váy ở trang web dresspayless.com bởi cô nghe đồn về kỹ thuật may váy dòng luxury của trang này khá ổn. Kiểu mẫu được Vân chọn từ một trang web khác với yêu cầu về chi tiết kiểu dáng có nhiều nếp gấp tạo sự mềm mại cũng như các hạt cườm kết tạo độ lung linh cho váy. Khi sản phẩm đến tay Vân, dáng váy không được chuẩn như trong hình, có lẽ bởi do họ không tìm ra được chất vải giống nguyên mẫu hoặc do kỹ thuật ráp may mỗi nơi một khác. Sự cố này khiến Vân phải gửi đi gửi lại vài lần để phía bên dịch vụ sửa lại, khiến phí vận chuyển bị đội lên rất nhiều.
"Mặc dù bên công ty đó cũng thông cảm chia sẻ với mình 50% chi phí phát sinh này nhưng quả thực sự cố đó khiến mình tốn thêm một khoản tiền lại rất mất thời gian" - Vân cho biết. Cũng theo Vân, xác định đặt may kiểu này nếu ăn may sẽ được một chiếc váy hoàn hảo mang thương hiệu nước ngoài còn nếu rủi ro thì chi phí phát sinh cũng tốn một khoản kha khá cho việc chỉnh sửa. Vì thế, các cô dâu nên chọn kiểu mẫu đơn giản, ít chi tiết phức tạp sẽ an toàn hơn.
Dễ thành “dở cười, dở khóc” Nhưng... Ở Việt Nam chưa thực sự có một trang web may áo cưới online nào thực sự chuyên nghiệp cộng thêm tâm lý sính ngoại của một bộ phận giới trẻ mà các trang web may áo cưới online được dịp "làm mưa làm gió". Tuy nhiên hành trình để đưa một chiếc váy cưới đến tay chủ nhân diện vào dịp trọng đại trong đời cũng gặp khá nhiều tình huống phát sinh khiến không ít chủ nhân "dở khóc dở cười". |
Tuệ Linh