"Hàng hiệu" nhập giá... vài nghìn đồng!
Nắm bắt được tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng trong nước, nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hóa xách tay mọc lên như nấm. Tại các con phố chuyên về các mặt hàng thời trang như Nguyễn Sơn, Hàng Da (Hà Nội), khi được hỏi về nguồn gốc hàng xách tay, hầu hết các chủ cửa hàng đều quả quyết hàng hóa chuẩn, nguồn từ các tiếp viên hàng không cung cấp hoặc do người nhà ở nước ngoài gửi về. Cũng chính vì tin vào những việc quảng cáo của chủ hàng, không ít thượng đế đã xài phải hàng rởm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Câu chuyện hàng rởm "đội lốt" hàng hiệu diễn ra phổ biến đến mức mà ngay ở Hà Nội có hẳn một con phố chuyên sản xuất những nhãn mác hàng hiệu với giá chỉ 500 đồng. Theo tìm hiểu của PV, tại phố hàng Bồ chuyên nhận làm tất cả các loại nhãn mác theo yêu cầu của khách, kể cả nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng như Mango, Zaza, Lacoste…
Cách đây không lâu, tổ công tác Y4/141 đã phối hợp với đội Quản lý kinh tế và chức vụ (Công an quận Long Biên, Hà Nội) bắt quả tang một lượng rất lớn "hàng hiệu" mang các nhãn mác nổi tiếng thế giới được vận chuyển tại ngã tư Nguyễn Văn Linh- Sài Đồng (Hà Nội). Hàng nghìn chiếc quần bò Lacoste, gần 3.000 kính Gucci thời trang, 350 ví da, túi xách có gắn mác những thương hiệu lớn… được nhập từ Trung Quốc với giá chỉ vài nghìn đồng. Tất cả những mặt hàng này đều không có tem phụ tiếng Việt. Lái xe khai nhận, số hàng đó được một chủ hàng thuê chở từ Lạng Sơn về.
Cục Điều tra chống buôn lậu hải quan tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm giả hàng hiệu- ảnh tư liệu
Khi thông tin về các vụ vận chuyển, buôn lậu, hàng hiệu hay hàng rởm "đội lốt" hàng hiệu được khui ra, người ta mới "ngã ngửa" khi biết rằng, hàng hiệu rởm cũng nằm chềnh ềnh tại các trung tâm thương mại, cửa hàng phân phối chính hãng.
Gần đây nhất, tại cửa hàng trong Trung tâm thương mại Diamond (quận 1, TP.HCM), anh Vũ Ngọc Th., (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) khi mua một túi xách nữ hiệu Salvatore Ferragamo - thương hiệu thời trang của Ý với giá 32 triệu đồng nhưng chỉ sau một tuần, túi đã bị hư móc dây kéo, màu của đầu dây kéo có hiện tượng phai, đồng thời ở trong túi phụ có dấu hiệu bị sờn. Anh Th., đã gọi điện lên cửa hàng rất nhiều lần, rồi đến tận nơi nhưng không ai giải quyết. Kết cục, anh Th. phải "cầu cứu" hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM giải quyết.
Sau một thời gian hàng hiệu khuynh đảo thị trường Việt, nhiều người mới "chết đứng" khi biết mình đã bỏ ra cả trăm triệu để mua về hàng hiệu nhái. Thậm chí, trao đổi với PV, một ca sỹ cũng "tự thú" là mình đã mua phải chiếc váy hàng hiệu rởm. Cô ca sỹ này bộc bạch: "Hàng loạt những vụ vận chuyển, buôn bán hàng hiệu rởm được các cơ quan chức năng phanh phui. Thậm chí, những "ông lớn" chuyên kinh doanh hàng hiệu cũng bị "sờ gáy" vì có hành vi gian lận thuế, buôn lậu hàng hiệu khiến người dân mất lòng tin vào… hàng hiệu chính hãng".
Rất khó giải quyết Ông Vương Ngọc Tuấn, tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, những vụ mua hàng qua mạng bị lừa rất khó giải quyết vì bên bán không có địa chỉ cụ thể (gửi thư mời giải quyết khiếu nại theo địa chỉ ghi trên mạng phần lớn bị trả về vì không tìm được địa chỉ). Hoặc có người nhận nhưng họ cũng không liên lạc với văn phòng để giải quyết. Do đó, khi đặt mua hàng qua mạng, khách hàng cần tìm hiểu kỹ, không nên thanh toán tiền trước, tránh ăn quả lừa. |
Chi chục nghìn đô mua "hàng hiệu"... Móng Cái!?
Đại diện Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng phía Nam (hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho biết, gần đây có hàng chục vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc mua hàng qua mạng bị lừa mất hết tiền hoặc chỉ nhận được hàng "đểu".
Gần đây nhất, ông Phùng Hải A. (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội), có gửi đơn đến Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng phía Nam về việc mua điện thoại iPhone 5 trên mạng, trị giá 6,5 triệu đồng (giảm giá 60%) từ trungtamdienmaysaigon.com (địa chỉ ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú - TP.HCM).
Theo ông A. trình bày, bên bán xác nhận là hàng mới, xách tay từ Mỹ, hàng chính hãng; bảo hành 24 tháng, được đổi trả trong vòng 2 tháng. Sau khi nộp hết số tiền nhưng ông A. chỉ được nhận chiếc máy cũ, các chi tiết trên vỏ máy, cũng như các thông số trong máy, đều không giống như máy chính hãng.
Không chỉ riêng ông A. "ăn quả đắng" với những chiêu lừa rao bán hàng hiệu trên mạng. Công an phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã nhận được 3 đơn tố cáo một người phụ nữ tên Phương Bảo Ngọc bán hàng hiệu nhái để chiếm đoạt tiền. Công an phường đã chuyển vụ việc và nghi phạm lên công an quận Hoàn Kiếm tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trao đổi với PV, ông Vương Ngọc Tuấn, tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay: "Tôi cũng nghe rất nhiều về các vụ cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh hàng ngoại trốn thuế, hàng rởm trà trộn với hàng hiệu… Điển hình như vụ lô hàng Gucci, Milano ở TP.HCM, rất nhiều cửa hàng đã nhập hàng nhái từ Trung Quốc sau đó về bán trong các cửa hàng ủy quyền như hàng thật với giá cao.
Đây là chuyện không hiếm ở thị trường Việt Nam thời gian qua. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh của người dân vì mua phải hàng nhái. Có người đã bỏ ra cả chục ngàn đô để rước về một sản phẩm chưa đến 1 triệu đồng ở chợ biên giới Móng Cái".
Hàng "chuẩn" không có giá dưới 2.000 USD
Thời gian gần đây, cơ quan quản lý ngày càng phát hiện nhiều vụ gian lận thương mại khi doanh nghiệp cố tình khai báo giá trị nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với thực tế để giảm thuế phải nộp. Không ít những chiếc túi hàng hiệu vài nghìn đô la nhưng lại được doanh nghiệp khai giảm giá trị đi 30%, thậm chí đến 50%.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan vừa công bố công văn 3286/TCHQ-TXNK ban hành Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kiểm tra kèm theo danh mục. Nếu giá của doanh nghiệp khai báo khi nhập khẩu thấp hơn giá mặt hàng tương tự trong danh mục này thì cán bộ hải quan có thể xác định có nghi vấn gian lận.
Theo giá đối chiếu các mặt hàng nhập khẩu thuộc danh mục, giá một chiếc túi xách hiệu Hermes (xuất xứ từ Pháp) nhập khẩu có giá từ hơn 2.000 đến hơn 29.000 USD. Túi Hermes da bê Birkin, khóa mạ vàng, kích thước 35x28x19cm có giá trị nhập khẩu không dưới 29.494 USD... Tương tự, túi của các thương hiệu khác như Chanel, Louis Vuitton cũng được Tổng cục Hải quan nêu giá đối chiếu khi nhập khẩu. Trong số 4 loại túi xách hiệu Chanel nằm trong danh mục, không có chiếc nào đơn giá dưới 3.000 USD. Túi Dior thì có giá dao động từ 2.000 - 7.000 USD. Túi xách bằng da bê của Louis Vuitton giá nhập khẩu không dưới 2.300 USD, có chiếc không dưới 5.700 USD.
Mai Giang