Chiều 5/12, đã diễn ra phiên thảo luận về Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế thuộc diễn đàn kinh tế Quốc hội.
Trong khuôn khổ chương trình, ông Lưu Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội đã có bài trình bày về an sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bênh COVID-19 ở Việt Nam
Đại dịch qua đi để lại ảnh hưởng nặng nề
Thông tin từ bài phát biểu, đại dịch làm cho người dân phải “rời bỏ” BHXH gia tăng, giảm 2 triệu người tham gia BHXH.
Trong đại dịch, một bộ phân dân cư không còn khả năng chi trả chi phí lương thực, nhà ở nên đã tự phát di chuyển về quê. Gây ra nguy cơ mất cân đối cung cầu lao động.
Ông Tuấn cho biết: “Đại dịch làm cho tốc độ giảm nghèo chậm lại, đến năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo chỉ giảm 0,5%, trong khi trước đây tỉ lệ này là 1,5-2%
Bên cạnh đó làm tăng tính dễ bị tổn thương đối với những nhóm xã hội đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo ở đô thị.
Nguy cơ gia tăng tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bao lực, mua bán, cưỡng ép, lạm dụng”.
Nhanh chóng ban hành chính sách khắc phục
Trong bối cảnh đó, hệ thống an sinh xã hội hiện hành của nước ta đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, thông qua 4 nhóm chính sách Hỗ trợ tạo việc làm và giảm nghèo; Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Trợ giúp xã hội người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; và Đảm bảo giáo dục, chăm sóc y tế, hỗ trợ nhà ở, cung cấp nước sạch và hỗ trợ tiếp cận thông tin truyền thông đối với người dân.
Tuy nhiên, đại dịch làm gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa với tới được.
Ông Lưu Quang Tuấn cho biết: “Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành chính sách để hỗ trợ người dân trong bối cảnh đại dịch thông qua Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Chính phủ xuất cấp hơn 136.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 9 triệu nhân khẩu ở 30 tỉnh.
Bộ Tài chính đã có quyết định xuất cấp gần 59.000 tấn gạo cho 3,9 triệu nhân khẩu ở các địa phương”.
Đối với trường hợp trẻ em bị mồ côi do đại dịch, quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ cho mỗi trẻ mồ côi 5 triệu đồng; riêng số trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp với các các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo tất cả trẻ mồ côi đều có mái ấm gia đình.
“Có thể nói, hệ thống an sinh xã hội hiện hành và các chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ đã góp phần quan trọng vào hỗ trợ cuộc sống của người dân.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một vài vấn đề của hệ thống an sinh xã hội hiện hành”, ông Tuấn bày tỏ.
Theo đó, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội đánh giá rằng: “Phạm vi bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện hành còn hạn chế.
Một số chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chưa thu hút được nhiều người lao động tham gia vì vậy khi bị mất việc làm nhiều người lao động và gia đình bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có nguồn thu nhập thay thế”.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước hạn hẹp nên mức hỗ trợ còn thấp, quy mô các gói hỗ trợ còn nhỏ so với nhiều các quốc gia khác trên thế giới.
Công tác quản lý đối tượng an sinh xã hội và cơ sở dữ liệu còn chưa đầy đủ gây khó khăn trong việc triển khai các gói hỗ trợ trong đại dịch.
Chất lượng một số dịch vụ chưa đảm bảo như về vấn đề nhà ở cho người di cư, người nghèo, người thu nhập thấp; năng lực hệ thống y tế cơ sở.
Mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội gặp nhiều thách thức trong vấn đề xu hướng già hóa dân số, tăng nhnah nhu cầu an sinh xã hội cho người cao tuổi gồm cả việc đảm bảo thu nhập, chăm sóc xã hội, chăm sóc y tế cho người cao tuổi.
Vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gia tăng yêu cầu an sinh xã hội về chăm sóc sức khỏe và sinh kế của nhiều người dân.
Cạnh tranh về kinh tế, việc làm trong bối cảnh công nghệ 4.0 cũng ảnh hưởng đến khả năng có việc làm của những người có trình độ lao động thấp làm gia tăng nhu cầu hỗ trợ người lao động trong đào tạo và đào tạo lại; hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động.
Khẩn trương khắc phục hạn chế
Để khắc phục những hạn chế trên theo ông Tuấn, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có tính tích hợp các chế độ xã hội bằng ngân sách Nhà nước để mở rộng phạm vi bao phủ.
Ngoài ra, cần tăng cường và hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khẩn cấp người dân rủi ro trên diện rộng, đảm bảo quy trình xác định đối tượng, xác định thiệt hại để xác định đúng đối tượng.
Rà soát các chính sách liên quan đến lao động phi chính thức và di cư để thu hút nhóm lao động tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Chú ý đến điều kiện sống cho người di cư (nhà ở,giáo dục, y tế,...). Tăng cường việc đảm bảo công bằng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người dân.
Mở rộng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp đáp ứng các nhu cầu trợ giúp đa dạng và ngày càng tăng của người dân (về trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, chăm sóc xã hội…).
Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu hiện đại về an sinh xã hội đảm bảo sự chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa địa phương với Trung ương, giữa các ban, ngành để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” được diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học uy tín.
Diễn đàn được chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng là tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.