Sức mạnh phi thường
Từ nhỏ tới lớn, Ashlyn Blocker có vẻ ngoài hết sức “bình thường”, em cũng thích các cuộc thi sắc đẹp và âm nhạc giống như tất cả bạn bè đồng trang lứa khác. Thế nhưng, chỉ những người thực sự thân thiết mới biết rõ vấn đề khủng khiếp mà cô bé đang phải đối mặt. Trong khi hầu hết những đứa trẻ khác đều quấy khóc “ăn vạ” khi đói hay bị hăm tã thì Ashlyn lại tỏ ra mạnh mẽ hơn hẳn. Ông John Blocker, bố của Ashlyn cho biết ban đầu mọi người trong gia đình đều mừng vì điều này, nhưng càng ngày họ càng nhận ra có điều gì đó không bình thường.
Họ thực sự cảm thấy bất an khi đưa cô bé đi chữa đau mắt lúc 8 tháng tuổi. Quan sát bác sĩ nhỏ thuốc vào mắt Ashlyn, cả hai như nín thở vì sợ đứa con bé bỏng bị đau.
Tuy nhiên, cô bé không hề có bất cứ biểu hiện đau rát nào. Sau đó là những năm tháng khó khăn nhất đối với gia đình Ashlyn khi việc cô bé tự làm mình bị thương xảy ra đều đặn như cơm bữa. Cô bé cắn môi đến chảy máu trong khi ngủ, cắn lưỡi khi ăn, dùng răng làm rách cả da ngón tay và nhiều việc nguy hiểm khác mà vẫn không thấy đau đớn chút nào. Ashlyn cũng không hề có cảm giác gì khi cầm nắm những món đồ nóng, bị côn trùng cắn hay bị cứa rách da thịt. Ở trường, các cô giáo luôn phải để mắt tới Ashlyn ở khoảng cách 4 - 5m, thậm chí họ phải đổ thêm nước đá vào đồ ăn của Ashlyn – đứa trẻ luôn nuốt chửng mọi thứ trên đĩa mà không cần quan tâm đến nhiệt độ của chúng.
Tương tự, Gabby Gingras cũng không hề có biểu hiện bất thường hoặc hành động kỳ lạ nào cho đến khi em bắt đầu mọc răng. Lần đó, bố Gabby đang massage nướu cho con thì đột nhiên bị cô bé cắn một nhát mạnh vào tay. Theo phản xạ, ông vội vàng rụt tay lại và chiếc răng của Gabby cũng theo đó rơi ra. Đáng nói, Gabby không hề mếu máo, tỏ ra đau đớn mà vẫn tiếp tục vui vẻ chơi đùa như chưa từng xảy ra chuyện gì. Cha mẹ Gabby vô cùng lo lắng khi cô bé có thể nhai ngấu nghiến tất cả mọi thứ, kể cả đồ chơi bằng nhựa, bìa sách cứng. Kinh khủng hơn, cô bé còn ngấu nghiến ngón tay của mình cho đến khi nó bị chảy máu. Sau đó, Gabby bị hỏng một mắt và mắt còn lại bị thương rất nhiều lần vì những hành động cọ xát của cô bé.
Còn Olivia Farnsworth ở Anh quốc lại khiến nhiều người kinh ngạc trước khả năng phi thường của mình khi mới 7 tuổi. Cô bé có thể hoạt động liên tục cả ngày mà không cảm thấy đói hay buồn ngủ. Một ngày nọ, Olivia băng qua đường và bị xe ô tô kéo lê trên mặt đất. Chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp ấy, mẹ Olivia cùng anh chị em của cô bé chỉ biết thét lên trong khi “nhân vật chính” chỉ bình thản hỏi: “Sao thế hả mẹ?” rồi đứng dậy, cười tươi và bắt đầu đi bộ về phía mẹ dù cô bé bị chảy nhiều máu. Vụ tai nạn ấy lấy đi của Olivia một mảng da ở chân, vùng eo và để lại cho cô bé một vết sẹo mang hình bánh xe trên ngực.
Không “đơn độc” như ba cô bé kể trên, cả nhà cô Letizia Marsili (53 tuổi, Italia) tuy chưa từng “luyện công” nhưng đều mang mình đồng da sắt. Cụ thể gia đình 6 người trong đó có cô, mẹ ruột, hai người con trai, một người chị và một cháu gái đều sở hữu“năng lực đặc biệt” này. Thực ra thi thoảng họ cũng cảm thấy đau nhưng chỉ được vài giây là cơn đau mất hút, thế nên chẳng ai biết được mình bị thương nặng hay nhẹ cả.
Mức chịu đau vượt xa ngưỡng bình thường nên cô Letizia Marsili vẫn “tỉnh bơ” khi bị bỏng hay gãy xương. Cô kể, một thành viên trong gia đình từng bị thương khá nghiêm trọng khi ngã xe đạp. Thế nhưng người này không ý thức được điều đó mà cứ thế đạp xe thêm 15km nữa. Những thành viên khác trong gia đình thì chẳng nhớ nổi vì sao mình bị nứt hay gãy xương. Họ rất ít khi hoặc chẳng bao giờ đổ mồ hôi và có thể thoải mái ăn cay mà không hề khó chịu. Điều may mắn là, cuộc sống thường nhật của gia đình cô Letizia không hề bị xáo trộn. Hơn thế, họ còn thấy nhẹ nhõm hơn nhiều người vì ít khi thấy mệt mỏi và đau đớn.
Ẩn số sau mỗi “siêu nhân”
Sau khoảng thời gian hoang mang, mẹ của Ashlyn Blocker chia sẻ trên tờ New York Times rằng nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện lạ của cô bé chỉ được xác định sau khi trải qua một loạt xét nghiệm gene. Cụ thế, Ashlyn mắc phải “hội chứng vô cảm bẩm sinh với đau đớn kết hợp bệnh lý kênh ion” hay còn gọi tắt là CIP - một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp. “Căn bệnh thật đáng sợ, khiến người mắc phải có thể chết vì những căn bệnh không mấy nguy hiểm nhưng lại chẳng có biểu hiện gì ra bên ngoài, ví dụ như viêm ruột thừa hay viêm xương”, mẹ Ashlyn chia sẻ với báo giới.
Theo các chuyên gia, cảm giác trước sự đau đớn là cơ chế trọng yếu giúp con người sinh tồn, nếu hiểu được các cơ chế đằng sau cảm giác này, chúng ta có thể kiểm soát và làm giảm sự đau đớn không cần thiết. Song sẽ rất nguy hiểm đối với những em bé mắc phải CIP. Vì các em thường tự gây tổn thương cho bản thân trong vô thức như cắn lưỡi, bàn tay. Dù thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể phân biệt nóng – lạnh bằng mắt thường nhưng lại hoàn toàn “vô cảm” khi tiếp xúc với nhiệt. Hiện nay, chưa thể thống kê được cụ thể số người mắc phải chứng bệnh kỳ lạ này tuy nhiên, có một hiệp hội dành cho các bệnh nhân CIP duy nhất trên thế giới được thành lập ở Nhật Bản, với gần 70 thành viên.
Tiếp theo, hiện tượng lạ xảy đến với Olivia được xác định do trong gene của cô bé đã bị thiếu nhiễm sắc thể số 6. Đã có nhiều trường hợp liên quan đến nhiễm sắc thể này được ghi nhận trên thế giới nhưng chúng thường dẫn đến bệnh Down. Chỉ mình Olivia sở hữu khả năng phi thường.
Trong khi đó, trường hợp của gia đình cô Letizia Marsili vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm, đồng thời đặt tên một hội chứng mới theo tên họ của gia đình đặc biệt này: Hội chứng Marsili. Tiến sĩ James Cox, trưởng nhóm nghiên cứu tại đại học London, Anh quốc nói với giới truyền thông rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều không thiếu dây thần kinh nào cả, tuy nhiên chúng lại không làm đúng chức năng, phản ứng nhanh nhạy như bình thường.
Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu ADN của từng thành viên trong gia đình, sau đó lập ra bản đồ các gene mã hóa protein trong bộ gene của mỗi người. Đáp án cuối cùng cũng lộ diện: Thứ giúp họ miễn nhiễm với đau đớn là một gene bị đột biến có tên ZFHX2. Sau đó, họ tiến hành thí nghiệm trên chuột và thấy ngưỡng đau của chúng có thay đổi khi mang gene đột biến.
Từ kết quả nghiên cứu về gia đình không bao giờ biết đau ở Italy, các nhà khoa học hy vọng có thể dùng gene của họ để phát triển các phương thức, loại thuốc đặc biệt giúp những người mắc chứng đau kinh niên.
Ngân Hà (tổng hợp)