Án Tây-Luật Ta: AlecBaldwin nổ súng đạo cụ vô tình bắn chết người trên phim trường

Án Tây-Luật Ta: AlecBaldwin nổ súng đạo cụ vô tình bắn chết người trên phim trường

Dương Kim Ngân

Dương Kim Ngân

Thứ 2, 01/11/2021 08:00

Hàng loạt trang báo nước ngoài trong sáng 22/10 (giờ Việt Nam) đưa tin tài tử Alec Baldwin đã nổ súng trên phim trường làm chết người. Vụ việc đang được cảnh sát điều tra.

Án Tây: Súng nổ trên phim trường khiến 2 người thương vong

Theo Reuters, loại súng mà Alec Baldwin sử dụng trên phim trường là súng lục thông dụng hay được dùng trong các phim Hollywood. Vụ nổ súng của tài tử khiến cho nữ đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins (42 tuổi) chết sau đó, còn đạo diễn Joel Souza (48 tuổi) trọng thương. Tài tử cùng ê-kíp đang ghi hình cho phim mới là Rust thì xảy ra vụ việc trên. Thông tin Alec Baldwin bắn chết người trên phim trường trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của người dùng mạng xã hội Twitter.

Góc nhìn luật gia - Án Tây-Luật Ta:  AlecBaldwin nổ súng đạo cụ vô tình bắn chết người trên phim trường

Phim trường Rust ở bang New Mexico (Mỹ)

Nguồn tin của The Hollywood Reporter và Variety cho biết chưa có ai bị bắt trong vụ nổ súng. Phía cảnh sát cho biết họ nhận tin báo về vụ việc trong chiều muộn và cũng bất ngờ về thông tin nhận được. Mặc dù phía cảnh sát xác nhận rằng vụ việc xảy ra trong lúc bộ phim ghi hình nhưng họ không gọi chính thức đây là một "vụ tai nạn". Vụ việc đang được điều tra khẩn, song cảnh sát cho rằng có thể gọi đây là “vụ tai nạn" hay không còn phải đợi kết luận từ phía các nhà điều tra, Variety viết.

"Các nhà điều tra đang xem xét làm thế nào và loại đạn gì đã được sử dụng trong tai nạn", phía cảnh sát cho biết thêm. Thông thường đạn được sử dụng trong phim ảnh là loại chỉ phát ra tiếng nổ khi bóp cò, không có đầu đạn (một số người gọi là đạn mã tử) nên không gây sát thương.

Thông tin ban đầu, diễn viên kiêm nhà sản xuất Alec Baldwin là người đã sử dụng khẩu súng đạo cụ tai hại này.

Theo Đài NPR, quá trình quay phim Rust đã bị đình chỉ và sẽ tiếp tục vào đầu tháng 11 tới. Bộ phim có chủ đề về miền Viễn Tây Mỹ, lấy bối cảnh những năm thập niên 1880 ở Kansas với sự tham gia của Baldwin, Travis Fimmel và Jensen Acrum.

Liên quan đến vụ việc, ngày 25/10, TMZ đưa tin khẩu súng khiến Alec Baldwin vô tình gây ra cái chết của đạo diễn Halyna Hutchins, trước đó đã được nhân viên đoàn phim Rust dùng cho mục đích mua vui. Theo nguồn tin, thành viên trong ê-kíp có thể đã nạp đạn vào súng và tập bắn trong nhiều giờ. Sau khi xảy ra tai nạn, cảnh sát tìm thấy nhiều đạn sống và đạn được bắn ra trong cùng một khu vực.

Tờ Fox News tiết lộ, trợ lý đạo diễn Dave Halls là người đưa súng cho Alec Baldwin. Trước giờ bấm máy, Halls đã chọn một trong ba khẩu súng được tổ đạo cụ chuẩn bị sẵn và hô to "khẩu súng lạnh" (biệt ngữ chỉ súng không có đạn).

Theo thông tin mới, Dave Halls đang bị điều tra lịch sử làm việc hời hợt, vô trách nhiệm. Maggie Goll, nhân viên đoàn phim làm việc với Halls ở Into the Dark, từng khiếu nại với nhà sản xuất về vị trợ lý đạo diễn này. Goll tố Halls bỏ qua các quy trình an toàn khi kiểm tra vũ khí và pháo hoa.

Góc nhìn luật gia - Án Tây-Luật Ta:  AlecBaldwin nổ súng đạo cụ vô tình bắn chết người trên phim trường (Hình 2).

Nam diễn viên Alec Baldwin.

Luật Ta:

Phim có cảnh sử dụng vũ khí, súng, đạn, phải xin phép cơ quan có thẩm quyền

Năm 1993, phim trường Mỹ từng rúng động khi xảy ra sự kiện nam diễn viên Lý Quốc Hào, con trai huyền thoại võ Thuật Lý Tiểu Long bị bắn chết vào ngày 31/3/1993 khi đang quay bộ phim The Crow. Cả Lý Quốc Hào và diễn viên cầm súng đều không biết rằng một viên đạn vẫn còn bị kẹt lại trong cây súng định mệnh đó; và một pha bóp cò đã trúng vào cơ thể đã lấy đi mạng sống của Lý Quốc Hào.

Sau vụ này, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đã ban hành luật không cho phép bất cứ đoàn phim nào khi quay hình sử dụng đạn thật trong tất cả loại súng - vũ khí. Tất cả súng khi đem đến trường quay ở Mỹ thì đầu súng phải được chặn bằng một miếng sắt nhỏ, khi bắn không thể có một viên đạn nào bay ra được, chỉ đủ phát ra tia lửa, để kỹ xảo hoàn thành tiếp về mặt hình ảnh sau đó. Đặc biệt, khi làm phim có vũ khí hay súng, bắt buộc phải có người có bằng cấp, chịu trách nhiệm quản lý số vũ khí tại trường quay cho đến khi trao vũ khí cho diễn viên trong cảnh quay.

Chỉ có người được giao chịu trách nhiệm về khâu vũ khí an toàn trong khi quay mới có thẩm quyền mang vũ khí lên set quay và giao vũ khí tận tay cho diễn viên khi bắt đầu cảnh quay. Ngược lại, diễn viên khi quay xong cảnh sử dụng vũ khí cũng phải trao tận tay lại cho người chịu trách nhiệm này, không ai khác trên phim trường được đụng tới tất cả các loại vũ khí mang đến trường quay.

Sự việc còn đang được điều tra, tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là nếu chiếu theo pháp luật Việt Nam, những người liên quan đến “sự cố điện ảnh” này sẽ bị xử lý ra sao?

Theo thông tin báo chí Mỹ đưa ra thì đạo cụ mà Alec Baldwin sử dụng trên phim trường Rust là súng lục. Theo pháp luật Việt Nam, súng lục là một loại súng ngắn cầm tay thuộc loại vũ khí quân dụng (là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của pháp luật để thi hành công vụ). Không phải ai cũng được phép sở hữu hay sử dụng súng quân dụng. Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định, chỉ những đối tượng sau đây mới được trang bị và sử dụng vũ khí quân dụng bao gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

Súng là vũ khí nguy hiểm, có tính sát thương cao; nguy hại cho tính mạng; sức khỏe của con người; phá hủy kết cấu vật chất, do vậy, nếu ai tàng trữ và sử dụng trái phép súng quân dụng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 230 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong vụ việc trên, nếu đạo cụ mà Alec Baldwin là súng giả, đạn giả hoặc súng thật nhưng đã bị vô hiệu hoá (ví dụ bỏ hoả kim đi) và đạn giả, nếu xảy ra sự cố chết người, thì người phụ trách đạo cụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy định tại Điều 129 BLHS. Hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là hành vi của người coi thường quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, không tuân thủ theo những quy tắc đó, thực hiện một cách cẩu thả hoặc tin tưởng là hậu quả xảy ra nhưng thực tế đã dẫn đến hậu quả chết người.

Về cơ bản tội này được hiểu như là một trường hợp đặc biệt của tội Vô ý làm chết người nhưng do đây là những quy tắc mang tính chất nghề nghiệp và tính chất hành chính đối với người phạm tội. Người phạm tội luôn nhận thức rõ các quy tắc này nên trách nhiệm xử lý sẽ cao hơn việc vô ý làm chết người. Về hình phạt, nếu làm chết 02 người, người phạm tội có thể bị phạt tới 12 năm tù giam.

Để xác định trách nhiệm cụ thể thì cần căn cứ vào quy định về việc sử dụng súng trong điện ảnh (ví dụ quy định người phụ trách kỹ thuật, đạo cụ phải làm gì; diễn viên chỉ thực hiện theo kịch bản, không có trách nhiệm phải kiểm tra đạo cụ hay những việc đơn thuần mang tính kỹ thuật. Trường hợp này chỉ có kỹ thuật viên súng đạn hoặc người chuẩn bị đạo cụ (vũ khí, súng đạn) phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp đạo cụ là súng thật, đạn thật do người quản lý đạo cụ chuẩn bị thì người đó có thể bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 412 BLHS về tội Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự.

Theo thông tin trên TMZ, trước khi xảy ra vụ nổ súng, khẩu súng đã được thành viên trong ê-kíp nạp đạn vào súng và tập bắn trong nhiều giờ. Thực tế, cảnh sát cũng đã tìm thấy nhiều đạn sống và đạn được bắn ra trong cùng một khu vực. Nếu số đạn này được xác định là đạn thật và đã được cố ý lắp vào khẩu súng đạo cụ rồi đưa cho nam diễn viên Alec Baldwin khiến ông nổ súng khiến 2 người thương vong thì người được giao quản lý đạo cụ phải chịu trách nhiệm chính vì người đó được giao quản lý số đạo cụ (trong đó có khẩu súng này). Nếu không có động cơ giết người thì hành vi của người này có thể xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS.

Tuy điện ảnh Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về việc các phim hành động có sử dụng vũ khí, súng… nhưng điều đó không có nghĩa các đoàn làm phim được phép sử dụng súng thật; nếu có sử dụng súng thật để quay thì súng đó cũng đã bị hư, không bắn ra đạn như thật được.

 Với những cảnh quay có sử dụng súng, đoàn làm phim phải làm đơn xin giấy phép gửi các đơn vị quân đội, công an. Sau khi được sự đồng ý, được cho mượn súng thật (không còn sử dụng được), sẽ luôn có người của quân đội, công an có hiểu biết về đạn dược đi theo đoàn làm phim để chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn diễn viên sử dụng súng cho đúng chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ ai là người có động cơ giết người. Người đó có thể đã cố tình thay đạn giả bằng đạn thật và biết rõ nam diễn viên sẽ dùng khẩu súng đó để hoàn thành vai diễn dẫn tới hậu quả là 2 người thương vong… Nếu quá trình điều tra cho thấy có người âm mưu mượn tay người khác để giết người, cơ quan chức năng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.

Ánh Dương (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.