Án Tây-Luật Ta: Cụ bà tử vong thương tâm vì bị lợn nhà hàng xóm tấn công

Thứ 2, 27/01/2025 06:29

Cụ bà 75 tuổi tại bang Ohio, Mỹ đã tử vong ngay sau khi bị lợn của nhà hàng xóm tấn công vào ngay ngày Giáng sinh năm 2024.

Án Tây: Tử vong vì bị lợn tấn công

Theo New York Post, một vụ việc hi hữu đã xảy ra tại Ohio (Mỹ) vào dịp Giáng Sinh khi cụ bà Rebecca Westergaard, 75 tuổi, bị lợn của hàng xóm tấn công dẫn đến tử vong. Vào chiều 25/12/2024, bà Rebecca Westergaard được phát hiện đã tử vong tại nhà riêng ở Pataskala, Ohio, sau khi người cháu gái yêu cầu cảnh sát kiểm tra.

Trước đó, bà Westergaard (vốn sống một mình tại Pataskala) đã lên kế hoạch đón cháu gái vào buổi sáng, nhưng sau đó không xuất hiện, khiến gia đình lo lắng.

Khi lực lượng chức năng đến nhà bà Rigney vào 15h thì bất ngờ phát hiện một con lợn lớn đang đi lang thang bên trong. Ít nhất 2 con lợn khác cũng được tìm thấy tại nhà hàng xóm của bà sau đó. Những con vật này lập tức bị đưa đi cách ly, theo thông tin từ đài WBNS.

Cảnh sát trưởng Pataskala, ông Bruce Brooks, cho biết đây là một "tình huống khủng khiếp" và vụ việc đang được điều tra. Ông cũng lưu ý rằng không có luật rõ ràng nào liên quan đến hành vi tấn công của động vật trang trại như lợn, điều này khiến việc xử lý vụ việc trở nên phức tạp.

Trong khi đó, Văn phòng giám định y khoa quận Licking cho biết bà Rigney tử vong vì mất máu quá nhiều do bị gia súc tấn công gây thương tích bề mặt. Nhà điều tra cho biết thêm, người phụ nữ lớn tuổi này có tiền sử bệnh tim và đang dùng thuốc làm loãng máu. Đây có thể là nguyên nhân khiến tình trạng của bà trầm trọng hơn sau khi bị tấn công.

Hiện danh tính chủ nhân những con lợn chưa được công bố và chưa rõ liệu họ có phải đối mặt với các cáo buộc hình sự không. Cảnh sát cho biết đã liên hệ với Văn phòng Công tố quận Licking để xin ý kiến.

David Mullings, một hàng xóm của bà Rigney, cho biết ông rất bối rối trước vụ việc. "Thật khó hiểu và điên rồ. Chưa bao giờ tôi thấy lợn lang thang như vậy ở khu phố này. Chuyện gì đang xảy ra thế?", ông nói.

Vụ việc của bà Rigney xảy ra chỉ vài ngày sau khi một bé gái 3 tuổi tử vong do bị chó gia đình tấn công tại Cincinnati. Theo cảnh sát, bé Kingsley Wright bị 3 con chó cắn tử vong vào tháng 12/2024, khi đang ở trong nhà.

Án Tây-Luật Ta: Cụ bà tử vong thương tâm vì bị lợn nhà hàng xóm tấn công- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Luật Ta: Vật nuôi gây thiệt hại, chủ nuôi phải chịu trách nhiệm

Nhu cầu nuôi thú cưng, vật nuôi đã trở nên phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, kể cả tại Việt Nam. Việc nuôi thú cưng, vật nuôi không còn là sở thích vì với nhiều người, thú cưng, vật nuôi đã trở thành bạn, thậm chí có người coi thú cưng như thành viên trong gia đình.

Thú cưng (ví dụ như chó, mèo) là những loài động vật được chọn làm vật cưng nuôi theo sở thích, nhu cầu để chăm sóc, làm bạn đồng hành, sẻ chia trong cuộc sống.

Vật nuôi theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Ví dụ như trâu, bò, lợn, gà,…

Chủ nuôi phải có trách nhiệm chăm nuôi, quản lý vật nuôi, thú cưng của mình như cho ăn, tắm rửa, huấn luyện, sử dụng chuồng (trại) để nhốt vật nuôi cẩn thận, tiêm phòng ngừa dại và các loại bệnh, đeo rọ mõm, đeo dây xích,…

Ngoài ra, chủ vật nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người khác khi nuôi dưỡng vật nuôi.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể khi thú cưng, vật nuôi gây thiệt hại thì người chủ sẽ bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm dân sự hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Về xử phạt hành chính, nếu vi phạm quy định về tiêm phòng, rọ mõm, đeo xích cho chó…, chủ nuôi có thể bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó hoặc không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ).

Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018, trường hợp thú cưng, vật nuôi tấn công, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Quy định này áp dụng trong trường hợp chủ ý hoặc vô ý; Chủ sở hữu hoặc người sử dụng vật nuôi đều có thể phải chịu trách nhiệm; Mức bồi thường được xác định dựa trên thiệt hại thực tế và tổn thất tinh thần của người bị hại.

Trong vụ án trên, lợn nhà hàng xóm nuôi đã tấn công cụ bà Rebecca Westergaard dẫn đến tử vong. Do đó, theo quy định, chủ nuôi lợn phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại.

Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Như vậy theo quy định trên, chủ sở hữu súc vật (trong vụ án này là lợn) phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho cụ bà; Do trường hợp này dẫn đến hậu quả chết người nên người chủ phải bồi thường thiệt hại do súc vật mình nuôi gây ra theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định.

Về trách nhiệm hình sự: Đây là chế tài bị áp dụng do cố ý gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác bằng vật nuôi. Biện pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp cố ý gây thiệt hại. Hậu quả thiệt hại phải nghiêm trọng như: Gây thương tích nặng, tử vong. Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây thương tích, tổn hại sức khỏe. Mức độ hình phạt sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả gây ra.

Nếu chủ vật nuôi dẫn, dắt vật nuôi của mình ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa….dẫn đến vật nuôi tấn công và cắn chết người. Khi đó, nếu xác minh được người chủ nuôi không có ý định thả vật nuôi với mong muốn gây chết người mà việc để lợn chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Trường hợp chủ nuôi có hành vi kích động, chủ ý thả rông vật nuôi tấn công người, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích hoặc cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ánh Dương (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.