Án Tây:
Mang thi thể người đã khuất đến ngân hàng rút trộm tiền
Truyền thông Mỹ đưa tin 2 phụ nữ ở bang Ohio phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến một vụ trộm kỳ lạ, trong đó họ được cho là chở một người đàn ông đã chết đến ngân hàng để rút 900 đô la từ tài khoản của người này.
Trong bản cáo trạng ngày 4/3, bà Loreen Bea Feralo (55 tuổi) và Karen Casbohm (63 tuổi) bị cáo buộc chở thi thể của ông Douglas Layman (80 tuổi) đến quầy rút tiền của ngân hàng ở Thành phố Ashtabula (bang Ohio).
Sau khi rút 900 đô la Mỹ từ tài khoản của ông Layman, 2 người phụ nữ bỏ lại thi thể của ông tại Trung tâm Y tế Ashtabula mà không nói gì. Vài giờ sau, một trong hai người gọi đến trung tâm để cung cấp một số thông tin cá nhân về nạn nhân, cảnh sát trưởng Ashtabula - Robert Stell cho biết hôm 7/3.
Cảnh sát sau đó đã được điều đến nhà ông Layman và nói chuyện với 2 người phụ nữ. Họ cho biết ông đã chết tại nhà riêng ở Ashtabula vào sáng sớm cùng ngày.
Hiện chưa rõ nguyên nhân tử vong của ông Layman. Các quan chức cho biết việc khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân có thể mất 8 tháng.
Hai nữ nghi phạm không có quan hệ họ hàng với ông Layman nhưng sống cùng ông, đã chuyển thi thể nạn nhân lên xe với sự hỗ trợ của một người thứ ba giấu tên.
Cảnh sát trưởng Stell cho biết thi thể của ông Layman được đặt ở ghế trước của xe để nhân viên ngân hàng có thể nhìn thấy ông và cho phép rút tiền.
Feralo và Casbohm bị buộc tội trộm cắp, lạm dụng thi thể. Cảnh sát Ohio cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành. Nếu bị kết án, họ có thể phải đối mặt với án tù một năm cho mỗi tội danh.
Tờ New York Post đưa tin Feralo và Casbohm trước đây từng bị kết tội tàng trữ ma túy, xâm phạm và trộm cắp.
Luật Ta:
Có thể xử lý về 2 tội danh
Chiếu theo quy định của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam, hành vi của Feralo và Casbohm có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản và Xâm phạm thi thể. Bộ luật Hình sự không định nghĩa cụ thể tội Trộm cắp tài sản là gì nhưng có thể hiểu, trộm cắp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật mà trong đó người phạm tội thực hiện hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác một cách lén lút để thu lợi bất chính từ tài sản đó.
Đối với hành vi trộm cắp tài sản, tùy vào từng trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định khung hình phạt đối với tội Trộm cắp tài sản như sau: Nếu thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp bên dưới, thì bị phạt cải tạo không giam giữ thời hạn lên đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm: Đã bị xử phạt hành chính hành vi chiếm đoạt tài sản; Gây ảnh hưởng đến an ninh và trật tự xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của nạn và gia đình họ; Tài sản trộm cắp là di vật hoặc cổ vật; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau và chưa được xóa án tích: Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Cướp giật tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản.
Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chuyên nghiệp; Chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng - dưới 200.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt; Hành hung để có thể tẩu thoát; Tài sản trộm cắp là bảo vật quốc gia; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 02 năm - 07 năm.
Nếu chiếm đoạt từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Người nào trộm cắp từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Ở đây, 2 nghi phạm đã rút trộm 900USD từ tài khoản của người chết là ông Layman. Nếu tính theo tỷ giá ngày 3/7/2024 (1USD=25.465 đồng), số tiền các nghi phạm đã lấy trộm tương đương 22.918.500 đồng. Do vậy, nếu bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản, 2 nghi phạm sẽ bị truy cứu theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự và phải đối diện với mức phạt từ cải tạo không giam giữ thời hạn lên đến 03 năm hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm.
Ngoài ra, các đối tượng còn có thể bị phạt từ 05 triệu đồng - 50 triệu đồng.
Kể cả trong trường hợp số tiền trộm cắp chưa tới 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng (quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình).
Ngoài tội Trộm cắp tài sản, với hành vi mang thi thể người đã khuất tới ngân hàng, 2 người phụ nữ trên còn bị xem xét xử lý về hành vi xâm phạm thi thể theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015.
Khoản 1 Điều 319 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; c) Vì động cơ đê hèn; d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Nếu hành vi của 2 nghi phạm bị xác định đã “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thì họ có thể sẽ phải đối diện với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Chưa hết, người có hành vi xâm phạm thi thể còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 606 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại; Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Như vậy, ngoài hình phạt cho 2 tội danh nêu trên, 2 người phụ nữ táo tợn trên còn phải bồi thường thiệt hại cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc những người trực tiếp nuôi dưỡng người chết.
Các chi phí phải bồi thường bao gồm: Chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần.
Lưu ý, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá 30 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng-Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP) tương đương 54.000.000 đồng.
Ánh Dương (Thực hiện)