Án Tây:
Lấy được tiền nhưng không bị kết tội cướp
Phán quyết vừa được tòa án quận Bắc Illinois đưa ra tuần trước. Tòa đồng ý với lời bào chữa của bị cáo 31 tuổi rằng, dù thành công mang được gần 600 USD khỏi ngân hàng nhưng hành vi không đủ mang tính côn đồ để bị quy tội Cướp ngân hàng.
Theo cáo trạng, tháng 12/2021, tại khu Little Village, bang Illinois, Mohamed Worku bước vào 1 chi nhánh ngân hàng với lá thư yêu cầu lịch sự, sau đó rời đi với gần 600 USD. Cảnh sát tìm thấy anh ta cách đó vài dãy nhà, tờ giấy xin tiền vẫn nằm trong túi.
Worku bị truy tố tội Cướp ngân hàng, điều này yêu cầu các công tố viên phải chứng minh rằng anh ta đã lấy tiền "bằng cách đe dọa", hoặc dùng hành vi bạo lực, côn đồ.
Luật sư bào chữa lập luận rằng là Worku đã phạm tội, nhưng không đe dọa hay làm bất cứ điều gì bằng vũ lực, vì vậy hành động này không đáp ứng tiêu chuẩn về tội Cướp ngân hàng. Nói cách khác, các công tố viên không thể chứng minh rằng anh ta thực sự đe dọa bất kỳ ai nên Worku được trắng án.
Trớ trêu thay, chỉ 3 ngày sau, Worku lại bị bắt, vì hành vi giống hệt. Theo cảnh sát, anh ta đã đi vào chi nhánh Citibank ở công viên Lincoln và đưa cho nhân viên một tờ giấy nhắn lịch sự không kém lần trước: "Xin hãy đưa tiền cho tôi, tôi sẽ sớm trả lại". Lần này, anh ta được nhân viên ngân hàng đưa cho 2.000 USD.
Worku hiện phải đối mặt với cáo buộc Trộm cắp ngân hàng, tội danh này không yêu cầu bằng chứng về "sử dụng vũ lực hoặc đe dọa".
Luật Ta:
Thỏa mãn cầu thành tội nào, xử lý về tội nấy
Luật hình sự Việt Nam không có tội Trộm cắp ngân hàng mà chỉ có tội Trộm cắp tài sản, Cướp tài sản hoặc Cưỡng đoạt tài sản. Để kết luận Worku phạm tội gì, cơ quan điều tra phải xem xét hành vi đó cấu thành tội danh nào của Bộ luật Hình sự.
Trước hết phải xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể. Hiện nay chưa có quy định cụ thể nhằm định nghĩa về hành vi trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Tuy nhiên dựa vào các yếu tố cấu thành hành vi thì trộm cắp tài sản có thể được hiểu là cá nhân cố ý thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác để thu lợi bất chính từ giá trị tài sản đó mang lại. Ở đây do nghi phạm không có hành vi lén lút nên chúng ta sẽ xem xét cấu thành 2 tội danh còn lại.
Tội Cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đặc trưng cơ bản của tội Cướp tài sản là cùng một lúc xâm phạm 2 khách thể, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản). Nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được.
Mặt khách quan của tội Cướp tài sản được thể hiện ở hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn như: Dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hoặc các hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt là hành vi mong muốn dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình trái pháp luật và trái ý chí của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Hành vi dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất (có vũ khí hoặc công cụ, phương tiện khác) để chủ động tấn công người quản lý tài sản hoặc người khác; hành động tấn công này có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công và làm cho họ mất khả năng chống cự lại hoặc công khai để cho người bị tấn công biết.
Đe dọa dùng ngay tức khắc thông thường được kết hợp giữa hành vi sử dụng vũ lực với những thái độ, cử chỉ, lời nói hung bạo tạo cảm giác cho người bị tấn công sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực ngay tức khắc nếu không giao tài sản.
Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là hành vi cho người bị tấn công tuy biết sự việc đang xảy ra nhưng không có cách nào chống cự được hoặc tuy không bị nguy hại đến tính mạng, sức khỏe song không thể nhận thức được sự việc đang xảy ra.
Nếu đe doạ dùng vũ lực nhưng không ngay tức khắc thì đó là dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản. “Ngay tức khắc” là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Khả năng này không phụ thuộc vào lời nói hoặc hành động của người phạm tội mà nó tiềm ẩn ngay trong hành vi của người phạm tội. Đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện.
Cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Lưu ý là người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới cấu thành tội danh. Nếu có hành vi tấn công nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội Cướp tài sản mà tuỳ vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo các tội tương ứng. Riêng hành vi chiếm đoạt của người có hành vi tấn công có thể là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm giữ trái phép tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Cướp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác chiếm đoạt và mong muốn chiếm đoạt tài sản đó.
Trong khi đó đặc trưng cơ bản của tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 Bộ luật Hình sự) là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Về hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Giữa thời điểm đe dọa sẽ dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực có một khoảng cách nhất định về thời gian. Cho nên, người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động.
Về hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiện hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội (như đe dọa hủy hoại tài sản, loan tin về đời tư, tố giác hành vi phạm pháp…của người bị đe dọa).
Cưỡng đoạt tài sản cũng là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi phân tích ở trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Tội Cưỡng đoạt tài sản cùng lúc xâm hại đến 2 khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt phải giao tài sản.
Tội Cưỡng đoạt tài sản có thể chuyển hóa thành tội Cướp tài sản trong trường hợp người phạm tội không chỉ dừng lại ở hành vi thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản mà dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Ánh Dương (Thực hiện)