Án Tây:
Yêu cầu bồi thường 100.000 euro
Hãng tin ANSA của Italy đưa tin, Thủ tướng Melonia khởi kiện và yêu cầu 2 người đàn ông bồi thường 100.000 euro (108.650 USD) với cáo buộc ghép mặt bà vào những đoạn video khiêu dâm và lan truyền chúng trên mạng.
Một tòa án ở Sardinia hồi đầu tuần đã quyết định sẽ triệu tập bà Meloni để làm chứng chống lại 2 nam giới trên vào tháng Bảy. Các nghi phạm bị cáo buộc phỉ báng và phải đối mặt với cáo buộc hình sự cũng như vụ kiện dân sự của bà Meloni.
Theo luật sư của bà Meloni, 2 nam giới, một người 42 tuổi và người cha 73 tuổi của ông ta, bị cáo buộc đã cố tình ghép khuôn mặt Thủ tướng Italy vào đoạn phim người lớn bằng công nghệ deepfake rồi tung lên một trang web ở Mỹ.
Deepfake là một công nghệ kết hợp giữa các thuật toán AI với mục đích tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo một cách chân thực.
ANSA cho biết các video giả mạo "đã tồn tại trực tuyến trong vài tháng và được người dùng từ khắp nơi trên thế giới xem hàng triệu lần".
Các đoạn video được chỉnh sửa trước khi bà Meloni trở thành Thủ tướng vào năm 2022 và các nghi phạm bị cáo buộc đã bị bắt vào năm 2020, sau khi cảnh sát xác định và truy tìm các thiết bị di động được sử dụng để đăng chúng lên mạng.
Nghi phạm 73 tuổi đã xin được áp dụng hình phạt lao động cộng đồng để giải quyết phần hình sự của vụ án. Một thẩm phán sẽ quyết định về đề xuất này vào tuần tới.
Luật sư của bà Meloni, Maria Giulia Marongiu, nói với BBC rằng số tiền 100.000 euro mang tính biểu tượng và sẽ được bà quyên góp cho các tổ chức từ thiện hỗ trợ nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình.
Theo luật sư, Thủ tướng Italy đã đệ đơn kiện để "gửi thông điệp tới những phụ nữ là nạn nhân của kiểu lạm dụng này đừng ngại lên tiếng".
Luật Ta:
Sử dụng hình ảnh người khác vào việc xấu có thể bị xử lý hình sự
Theo pháp luật hình sự Việt Nam, hành vi cắt ghép hình ảnh, quay, dựng video nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc và mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra mà đối tượng thực hiện hành vi này bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm dân sự, nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư của bà Meloni, 2 người đàn ông trên đã cố tình ghép khuôn mặt của bà Meloni vào đoạn phim người lớn bằng công nghệ deepfake rồi tung lên một trang web ở Mỹ nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bà Meloni.
Hành vi ghép ảnh, sửa ảnh, chế ảnh làm sai lệch nội dung bức ảnh nhằm mục đích xâm hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm (điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng).
Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Trong mọi trường hợp việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự.
Người bị hại có quyền yêu cầu bù đắp tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại
Ở đây, 2 nghi phạm đã cố tình ghép khuôn mặt của bà Meloni vào đoạn phim người lớn rồi tung lên một trang web ở Mỹ. Đoạn phim này có thể khiến nhiều người hiểu nhầm bà Meloni là nhân vật trong đoạn phim, ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của bà Meloni. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Về hình phạt, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội..., người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, hành vi tung đoạn phim đó lên một trang web ở Mỹ và video giả mạo này đã tồn tại trực tuyến trong vài tháng và được người dùng từ khắp nơi trên thế giới xem hàng triệu lần. Đây được xem là hành vi "phát tán văn hóa phẩm đồi trụy", có thể bị khởi tố hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi này.
Nếu không bị xử lý về tội Làm nhục người khác, chiếu theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, các đối tượng có thể bị xử lý về về tội Vu khống. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; đ) Đối với người đang thi hành công vụ; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ánh Dương (Thực hiện)