Án Tây:
iPhone 13 Pro Max “biến thành” chai nước rửa tay?
Theo Apple Insider, ngày 24/1, Khaoula Lafhaily, 32 tuổi, sống tại London, đặt mua iPhone 13 Pro Max từ nhà mạng Sky Mobile theo hợp đồng 36 tháng, giá 1.500 bảng Anh (46 triệu đồng).
Lafhaily cho biết sau khi thanh toán thành công, cô được thông báo chiếc điện thoại sẽ được gửi đến vào hôm sau. Sau một ngày chờ đợi, cô nhận được tin nhắn từ người giao hàng nói anh ta "đang kẹt xe". Đến ngày 27/1, đơn hàng mới được giao đến tay Lafhaily.
Tuy nhiên, bên trong hộp đựng không phải iPhone 13 mà là 1 chai nước rửa tay màu xanh đã qua sử dụng và được đổ đầy lại. "Bạn không thể tưởng tượng được cảm xúc của tôi khi đó. Tôi hoàn toàn sốc và thật sự cần một chiếc điện thoại", Lafhaily nói.
Ngay sau khi mở gói hàng, Lafhaily liên lạc với Sky Mobile để phản ánh. Nhà mạng cho biết họ sẽ lập tức điều tra, nhưng đến nay, nữ khách hàng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ nhà mạng.
Luật Ta:
Người bán hoặc bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm!
Trong vụ việc nêu trên, phải xem hợp đồng Khaoula Lafhaily ký với nhà mạng Sky Mobile có những điều khoản cụ thể nào; Nhà mạng có trách nhiệm ra sao khi khách hàng không nhận được sản phẩm hoặc sản phẩm không đúng như cam kết, quảng cáo (chai nước rửa tay thay vì điện thoại iPhone 13).
Vấn đề quan trọng nữa là nhà mạng trực tiếp cho nhân viên vận chuyển, giao hàng đến tay khách hàng hay thuê đơn vị trung gian vận chuyển giúp? Nếu nhà mạng đã gửi đúng sản phẩm nhưng đơn vị vận chuyển đã đánh tráo món hàng thì nhà mạng và Lafhaily có thể yêu cầu đơn vị vận chuyển phải có câu trả lời thích đáng.
Trong trường hợp nhà mạng là người trực tiếp giao hàng nhưng không giao hàng, hoặc không bồi thường sản phẩm khác hoặc không hoàn lại tiền cho khách hàng thì theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Lafhaily có thể gửi đơn khởi kiện nhà mạng đến TAND cấp huyện nơi nhà mạng có trụ sở, yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính như ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Lưu ý kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Ngoài ra, Lafhaily có thể làm đơn tố cáo sự việc đến cơ quan công an nơi cô này đang cư trú để được giải quyết. Cơ quan công an sẽ giúp cô điều tra, làm rõ ai là người đã tráo đổi điện thoại thành chai nước rửa tay. Nếu có dấu hiệu lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền của Lafhaily, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để điều tra.
Hành vi tráo hàng trong vụ việc trên có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, khoản 1 điều luật trên quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt…, thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Theo quy định của sàn thương mại điện tử, người mua có quyền khiếu nại, yêu cầu được hoàn trả hàng và người bán phải hoàn tiền. Hiện chưa rõ lỗi thuộc nhà mạng hay đơn vị vận chuyển hàng nhưng rõ ràng việc lừa đảo khách hàng trắng trợn như vậy không chỉ là hành vi “thất đức”, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến những người bán hàng chân chính.
Về phía khách hàng, để không mất tiền oan, trước khi quyết định mua hàng qua mạng, người tiêu dùng cần xem xét kỹ nhà bán hàng, lưu ý đến phản hồi của những khách hàng đã mua trước, tham khảo thông tin sản phẩm, giá cả hàng hóa hợp lý, đừng ham mua sản phẩm với giá quá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường kẻo “tiền mất, tật mang”…
Ánh Dương (thực hiện)