Án Tây:
Vụ ngộ độc bí ẩn
Ngày 2/1/2021, thi thể ông Thomas Merriman (64 tuổi) được tìm thấy gần nhà bà Jade Janks (39 tuổi, con gái riêng của vợ ông Merriman) ở bãi biển Solana, quận San Diego, California, Mỹ. Vụ việc được phát hiện sau khi bạn của Janks báo với cảnh sát rằng bà ta đã thú nhận việc giết cha dượng. Kết quả giám định xác định nạn nhân tử vong vì ngộ độc thuốc an thần Ambien cấp tính.
Independent ngày 13/12 đưa tin trong phiên tòa bắt đầu vào tuần trước, công tố viên cáo buộc bà Janks đã đánh thuốc mê, làm ông Merriman nghẹt thở bằng túi nilon, sau khi phát hiện ông này cài ảnh khỏa thân của bà làm màn hình chờ máy tính.
Các bức ảnh được bà Janks và người yêu khi đó chụp 10 năm trước. Chưa rõ bằng cách nào ông Merriman có được những bức ảnh mà Janks gửi cho bạn trai. Tuy nhiên, Janks không nhận tội giết ông Merriman.
Theo luật sư bào chữa của bà Janks, 2 người bạn của bà Janks làm chứng rằng họ được gọi đến nhà bà vào tháng 12/2020 khi ông Merriman bị ngã. Họ đã giúp đưa ông Merriman lên xe ôtô để chở ông đến bệnh viện. Khi ông Merriman nhập viện, bà Janks tình cờ thấy một bức ảnh khỏa thân của mình trên máy tính của cha dượng khi dọn phòng cho ông. Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, Janks kinh ngạc vì ông Merriman có nhiều ảnh khỏa thân của mình.
“Jade Janks yêu thương cha dượng của bà ấy. Thật không may, Thomas Merriman là một người rắc rối, ông ấy yêu Janks theo những cách khác nhau”, luật sư bào chữa của bà Janks nói.
Theo luật sư, sức khỏe kém và tiền sử sử dụng ma túy của ông Merriman là những yếu tố góp phần dẫn đến cái chết của ông, nguyên nhân được xác định do ngộ độc thuốc an thần Ambien.
Tuy nhiên, Phó chưởng lý quận San Diego Jorge Del Portillo nhận định: “Đây không phải một tai nạn. Đây là vụ giết người có chủ đích”. Công tố viên cáo buộc sau phát hiện về những bức ảnh, Janks lên kế hoạch giết cha dượng và dàn dựng như vụ án chết người vì dùng thuốc quá liều.
Công tố viên đã công bố các tin nhắn được gửi từ điện thoại của Janks tới nhiều người, trong đó có nội dung bà ta đầu độc cha dượng.
Bạn của bà Janks, ông Adam Siplyak, đã làm chứng trước tòa về việc Janks nói rằng thi thể của ông Merriman nằm trong cốp xe của bà vào đêm giao thừa 2020. Bà Janks được cho là đã nhờ ông Siplyak giúp chuyển thi thể đến phòng của nạn nhân.
"Cô ấy nói 'tớ đã giết ông ấy và ông ấy đang nằm sau chiếc Toyota 4 Runner của tớ. Tôi nói 'tớ không thể giúp cậu... không đời nào. Tớ phải thoát khỏi chuyện này. Tớ còn phải nuôi con trai", Siplyak nói trước tòa. Siplyak cho biết ngày hôm sau, ông đã báo cảnh sát.
Phiên tòa đang tiếp tục diễn ra. Nếu bị kết tội, bà Janks đối mặt án tù chung thân.
Luật Ta:
Muốn buộc tội bà Janks, cơ quan tiến hành tố tụng phải có bằng chứng chứng minh
Theo thông tin của luật sư thì nguyên nhân tử vong của ông Merriman là do ngộ độc thuốc an thần Ambien. Ngoài ra, sức khỏe của nạn nhân kém và có tiền sử sử dụng ma túy, đây là những yếu tố góp phần dẫn đến cái chết của ông này.
Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ chứng cứ để chứng minh được cái chết của ông Merriman không phải 1 tai nạn mà là vụ giết người có chủ đích thì bà Janks sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội Giết người, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất. Bất cứ ai xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người đều phải bị trừng trị nghiêm khắc.
Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2008) thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án). Người bị buộc tội (trong vụ án này là bà Janks) có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Để xác định bà Janks là người phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được bà này là người thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm. Nếu không chứng minh được bà này đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội bà ta. Trên thực tế, có thể bà Janks đã thực hiện tội phạm. Về mặt khách quan, bà ta là người phạm tội, nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi được luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với bà ta.
Bên cạnh đó, chứng minh tội phạm là một quá trình. Quá trình đó diễn ra ở cả giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Do vậy, quyền và trách nhiệm chứng minh tội phạm không chỉ thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát mà còn thuộc về cả tòa án.
Nếu bị kết án, với tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại điểm đ (Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình) khoản 1 Điều 123; bà Janks sẽ phải đối diện với mức án bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là trường hợp người phạm tội đã cố ý gây ra cái chết cho những người mà họ phải kính trọng, phải biết ơn, đó là ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.
Hành vi giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình đã làm tăng đáng kể mức độ lỗi của người phạm tội so với trường hợp giết người thông thường, làm đảo lộn các giá trị xã hội và báo động tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, nhân cách. Bởi lẽ, hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, mất hết “nhân tính”, “dám” giết hại cả những người mà mình phải tôn thờ, kính trọng.
Việc BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình nhằm trừng trị và giáo dục người phạm tội ý thức tôn trọng ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo; giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật và giữ gìn đạo đức xã hội.
Ánh Dương (Thực hiện)