Án Tây:
166 tỷ “từ trên trời rơi xuống” tài khoản
Tháng 5/2021, Thevamanogari Manivel, người Australia được một sàn tiền số hoàn trả 100 USD (2,3 triệu đồng) sau khi giao dịch, nhưng tài khoản của cô bỗng có thêm 10,5 triệu đô la Australia (166 tỷ đồng).
Không hiểu vì lý do gì mà phía sàn giao dịch tiền số mắc lỗi sai như vậy. Tuy nhiên, lỗi này xảy ra suốt nhiều tháng mà không ai hay biết. Phía Thevamanogari Manivel sau khi nhận được số tiền lớn đã vô tư sử dụng để tiêu xài, mua nhà như thể là tiền của mình.
Lúc sàn giao dịch tiền số phát hiện ra lỗi sai thì người phụ nữ này đã chuyển tiền vào tài khoản của người em gái. Ngoài ra, một số tiền được dùng mua căn nhà 5 phòng ngủ ở Melbourne với giá 1,35 triệu đô la Australia (21 tỷ đồng).
Công ty giao dịch tiền số đã yêu cầu Thevamanogari Manivel hoàn lại số tiền đã bị chuyển nhầm, đồng thời phải trả thêm 10% tiền lãi trên tổng tiền và các chi phí pháp lý mà công ty này phải chi ra.
Cho đến nay, Thevamanogari Manivel chưa chấp hành. Điều đáng nói là khi biết số tiền bị chuyển nhầm, cô không báo với phía chuyển để hoàn trả ngay. Mãi đến khi lỗi sai được phát hiện thì mọi chuyện mới được làm sáng tỏ. Phía toà án cũng yêu cầu, người phụ nữ này phải bán nhà và hoàn lại toàn bộ tiền.
Phiên toà tiếp theo liên quan đến sự việc này sẽ diễn ra trong tháng 10.
Những vụ chuyển nhầm tiền không phải hiếm khi xảy ra nhưng điều đáng nói là lỗi được phát hiện ngay. Ví dụ ngân hàng Santader, Anh đã chuyển nhầm 130 triệu bảng cho khách hôm 25/12/2021.
Nguyên nhân được xác định do lỗi kỹ thuật nên các giao dịch bị lặp lại dẫn đến vượt qua số giao dịch đã được thiết lập từ trước. Số tiền 130 triệu bảng được chuyển đến 2000 khách hàng thông qua 75000 giao dịch. Phía ngân hàng này phát hiện ra lỗi và đã cố gắng thu hồi bằng quy trình riêng đã đưa ra.
Luật Ta:
Tiêu tiền chuyển khoản nhầm có thể bị xử lý hình sự
Hiện nay có không ít người vì vội vàng, không để ý mà chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác. Nhận được khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”, đa số đều “hoan hỉ” trả lại cho khổ chủ. Tuy nhiên, cũng có một số người vì lòng tham mà không trả lại, thậm chí dùng tiền đó để chi tiêu cá nhân như thể tiền của mình vậy.
Vật theo pháp luật Việt Nam, trường hợp Thevamanogari Manivel “được” chuyển nhầm 10,5 triệu đô la Australia (166 tỷ đồng) vào tài khoản nhưng không trả lại bên chuyển nhầm vô tư sử dụng để mua nhà cho em gái..., có bị xử lý hay không?
Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam quy định việc không trả lại số tiền chuyển nhầm bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật và phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó.
Trường hợp không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, khi người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình, người được chuyển nhầm cần liên hệ với ngân hàng để giải quyết, để tránh vi phạm pháp luật và gặp rắc rối cho bản thân.
Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng.
Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định rõ người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người có hành vi chiếm giữ sẽ bị phạt hành chính từ 03 - 05 triệu đồng.
Trong trường hợp nếu cố tình không trả và số tiền bị chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong vụ việc trên, số tiền Thevamanogari Manivel “được” chuyển nhầm rất khủng, lên tới 166 tỷ đồng. Hơn nữa việc chuyển tiền này diễn ra trong thời gian dài và dù biết tiền bị chuyển nhầm nhưng Thevamanogari Manivel vẫn không báo với phía chuyển để hoàn trả ngay. Đến khi lỗi sai được phát hiện thì người phụ nữ trên đã chuyển tiền vào tài khoản của em gái. Ngoài ra, cô ta đã dùng số tiền bị chuyển nhầm đó đi mua căn nhà 5 phòng ngủ ở Melbourne với giá 1,35 triệu đô la Australia (21 tỷ đồng).
Do đó, người phụ nữ trên có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Với việc chiếm đoạt số tiền trên 200 triệu, người phụ nữ tham lam này sẽ phải đối diện với án phạt từ 1 - 5 năm tù giam.
Bên cạnh đó, nếu chuyển nhầm tiền cho người khác thì người chuyển nhầm có quyền đòi lại số tiền mình đã chuyển nhầm. Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu nêu người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Theo đó, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại.
Cách làm phổ biến khi chuyển khoản nhầm là chuyển thêm vào số tài khoản đó một số tiền nhỏ, đồng thời kèm tin nhắn xin lại số tiền đã chuyển nhầm. Nếu người được chuyển nhầm không hoàn lại tiền thì chủ tài khoản có thể thực hiện các bước sau: Nếu chuyển nhầm vào tài khoản cùng ngân hàng thì kiểm tra, đồng thời chụp ảnh lại giao dịch đã chuyển nhầm rồi đến chi nhánh ngân hàng đang sử dụng; Thông báo với nhân viên ngân hàng việc chuyển khoản nhầm; Cung cấp các thông tin cá nhân, điền vào mẫu đơn được yêu cầu; Sau khi kiểm tra, xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với người nhận yêu cầu họ trả lại tiền.
Thời gian nhận lại tiền phụ thuộc vào thời gian ngân hàng làm việc với bên nhận chuyển khoản nhầm.
Nếu chuyển nhầm vào tài khoản khác ngân hàng, chủ tài khoản cần mang căn cước công dân tới ngân hàng đang sử dụng để thông báo với nhân viên ngân hàng về việc chuyển khoản nhầm. Tiếp nhận thông tin của chủ tài khoản, ngân hàng sẽ tiến hành các bước kiểm tra, rà soát. Sau khi kiểm tra, xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản của số tài khoản được chuyển nhầm để thông báo cho chủ tài khoản đó và xử lý theo quy định. Thời gian nhận lại được tiền tùy thuộc vào thời gian làm việc giữa hai bên ngân hàng.
Để tránh gặp rắc rối cũng như các thủ tục phiền phức, trước khi giao dịch, mỗi người cần kiểm tra kỹ tên và số tài khoản của người nhận…
Ánh Dương (thực hiện)