Hãng hàng không điều hành và các quan chức cho biết một máy bay chở khách với 22 người đã mất tích ở Nepal hôm 29/5. Điều kiện thời tiết xấu đang gây cản trở cho hoạt động tìm kiếm.
Cụ thể, máy bay Twin Otter do hãng hàng không Tara Air vận hành đã cất cánh từ thị trấn phía tây Pokhara đi đến Jomsom lúc 9h55 sáng giờ địa phương (4h10 giờ quốc tế), kiểm soát không lưu đã mất liên lạc sau 15 phút.
Jomsom là một địa điểm đi bộ xuyên rừng nổi tiếng trên dãy Himalaya, cách Pokhara khoảng 20 phút di chuyển bằng máy bay và cách thủ đô Kathmandu của Nepal 200 km (120 dặm) về phía tây.
Ông Sudarshan Bartaula, phát ngôn viên của hãng hàng không Tara Air, chia sẻ với AFP: "Chúng tôi đang cố gắng xác định khu vực có thể có máy bay"; "Các đội tìm kiếm và cứu hộ của cảnh sát và quân đội đang tiến về hướng đó".
Ông nói thêm rằng chuyến bay có 19 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn. Các hành khách bao gồm 2 người Đức và 4 người Ấn Độ, số còn lại là người Nepal.
Ông Phanindra Mani Pokharel, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Nepal, cho biết 2 máy bay trực thăng đã được triển khai cho chiến dịch tìm kiếm. Tuy nhiên, ông nhận định tầm nhìn xa đang ở mức thấp: "Thời tiết xấu có thể sẽ cản trở hoạt động tìm kiếm. Tầm nhìn kém đến mức không thể thấy gì".
Ngành công nghiệp hàng không của Nepal, quốc gia có phần lớn lãnh thổ nằm trên dãy Himalaya, đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Các chuyến bay chuyên vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các khu vực khó tiếp cận cũng như phục vụ những khách nước ngoài leo núi và đi bộ đường dài.
Tuy nhiên, ngành hàng không của Nepal từ lâu đã bị đánh giá là kém an toàn do không được đào tạo và bảo dưỡng đầy đủ. Thời tiết bất thường và địa hình đồi núi hiểm trở là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn hàng không ở Nepal.
Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal đến không phận của khối, nguyên nhân vì quan ngại về tính an toàn.
Quốc gia Himalaya này sở hữu một số đường băng ở khu vực hẻo lánh và phức tạp nhất thế giới, được bao bọc bởi những đỉnh núi phủ tuyết gây thách thức cho các phi công thậm chí ngay cả phi công giỏi. Thời tiết cũng có thể nhanh chóng thay đổi tại vùng núi, khiến điều kiện bay trở nên nguy hiểm.
Vào tháng 3/2018, một chiếc máy bay của Hãng hàng không US-Bangla đã rơi gần sân bay quốc tế nổi tiếng khó tiếp cận là Kathmandu, cướp đi sinh mạng của 51 người. Chuyến bay này xuất phát từ thủ đô Dhaka (Bangladesh) đến thủ đô Kathmandu (Nepal) đã hạ cánh trượt xuống một sân bóng và bốc cháy.
Cuộc điều tra cho thấy cơ trưởng đã suy sụp tinh thần trong suốt chuyến bay, khiến phi công mới đủ trình độ chuyên môn mất tập trung khi điều khiển máy bay gặp sự cố. Báo cáo cho biết kiểm soát không lưu cũng nhầm lẫn 2 đầu đường băng, nhưng sau đó kết luận điều này không ảnh hưởng đến chuyến bay.
Vụ việc trên là tai nạn hàng không thảm khốc nhất ở Nepal kể từ năm 1992, khi tất cả 167 người thiệt mạng do chiếc máy bay thuộc Hãng hàng không quốc tế Pakistan lao đến gần sân bay Kathmandu. Chỉ 2 tháng trước đó, một máy bay của Thai Airways cũng bị rơi gần sân bay này cướp đi sinh mạng của 113 người.
Vào năm 2019, 3 người đã thiệt mạng do một chiếc máy bay lao khỏi đường băng và đâm vào 2 máy bay trực thăng khi đang cất cánh gần đỉnh Everest. Vụ tai nạn xảy ra tại sân bay Lukla, cửa ngõ chính vào khu vực Everest và được cho là một trong những sân bay khó để hạ cánh và cất cánh.
Cũng trong năm 2019, Bộ trưởng Du lịch Nepal Rabindra Adhikari cùng 6 hành khách khác đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay trực thăng ở vùng đồi núi phía đông của đất nước.
Trong tháng này, sân bay quốc tế thứ hai của Nepal đã khai trương tại Bhairahawa cách thủ đô Kathmandu 265 km về phía tây, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người hành hương Phật giáo từ khắp châu Á đến nơi sinh của Đức Phật tại Lumbini gần đó.
Dự án mới trị giá 76 triệu USD được kỳ vọng giúp giảm bớt áp lực cho sân bay quốc tế Kathmandu đang quá tải.
Phạm Hà Thanh (France 24, Blogtuan)