Lợi ích ăn trái cây hàng ngày
Trái cây có rất nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và các vitamin nên nó sẽ giúp bạn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, giảm nguy cơ mắc bệnh tật.
Bổ sung trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ đem lại những lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Có nhiều lý do để bạn ăn trái cây mỗi ngày, nhưng hãy nhớ rằng tiêu thụ trái cây tươi sẽ tốt hơn nhiều so với các loại trái cây bảo quản hay đóng hộp.
Trái cây là chất xơ phong phú và nó có lượng calo thấp nên nó cũng đặc biệt có lợi cho những người muốn giảm cân mà vẫn tràn đầy năng lượng.
Một số loại trái cây có một sự kết hợp tuyệt vời của vitamin C, vitamin A và các loại carotenoid (một dạng chất chống oxy hóa)... nhờ đó nó dễ dàng góp phần tăng sức mạnh hệ miễn dịch của bạn. Trái cây như xoài là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn. Tuy nhiên không phải ăn trái cây lúc nào cũng tốt.
Những loại trái cây không nên ăn khi đói
Cà chua: Cà chua chứa rất nhiều chất nhựa quả, axit và một số thành phần dễ hòa tan nên nếu bạn ăn loại quả này khi đói, các thành phần của cà chua sẽ phản ứng với axit trong dạ dày, tạo thành khối đặc cứng khó tiêu, dễ gây đau bụng.
Quả cam: Chứa một lượng lớn axit hữu cơ, axit trái cây, axit maslinic, axit xitric,… ăn vào lúc đói sẽ khiến axit dịch vị tăng mạnh, gây kích thích không tốt cho niêm mạc dạ dày, làm cho người bị đầy bụng, ợ hơi, nôn ra nước axit.
Quả chuối: Chuối chứa nhiều magie, ăn chuối khi bụng đói sẽ làm tăng magie đột ngột trong cơ thể người và phá hủy cân bằng magie và canxi trong máu của cơ thể, sẽ gây ức chế hệ tim mạch, không có lợi cho sức khỏe.
Quả dứa: Dứa vốn chứa nhiều enzym mạnh nên khi ăn lúc đói sẽ làm tổn thương dạ dày, tốt nhất nên ăn sau bữa chính để hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng của nó. Tốt nhất nên ngâm dứa trong nước muối loãng. Nếu ăn nhiều sẽ ngứa môi hoặc lưỡi, gây dị ứng, axit dạ dày quá nhiều sẽ gây cảm giác buồn nôn.
Quả vải: Nhiều người sẽ gặp phải các triệu chứng như hạ đường huyết và chóng mặt sau khi ăn vải, dân gian gọi đó là "say vải". Theo các nhà khoa học phát hiện ra nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng này là do trong vải thiều chứa hai chất độc: Hypoglycin-A và α-Methylenecyclopropyl glycine (MCPG), độc tố này có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường của cơ thể, dẫn đến ngộ độc.
Ngoài ra, vải chưa chín hoàn toàn có hàm lượng độc tố cao hơn. Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ "say vải" cao hơn do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, có hai điều kiện tiên quyết quan trọng dẫn đến tình trạng "say vải" đó là ăn khi đói và ăn quá nhiều. Ở Ấn Độ từng ghi nhận hơn 100 trẻ em tử vong có liên quan đến quả vải. Các trường hợp này hầu hết là trẻ em đang chơi trong vườn cây ăn quả, khi mệt và đói thì nhặt nhiều quả vải rụng xuống đất, ăn nhiều và ăn khi đói đã dẫn tới hạ đường huyết đột ngột dẫn đến viêm não cấp. Vì vậy, đừng ăn nhiều vải khi bụng đói, hãy cố gắng ăn những quả vải chín hoàn toàn.
Quả hồng: Nhiều người nói rằng quả hồng không được ăn lúc đói là hoàn toàn có lý do. Quả hồng có chứa axit tannic, sự kết hợp giữa axit tannic và protein trong nước bọt khi vào miệng sẽ khiến người ăn có cảm giác tê chát khi ăn.
Đặc biệt, axit tannic có thể kết hợp với protein tạo thành chất kết tủa không hòa tan, không thể phân hủy trong đường tiêu hóa. Nếu ăn nhiều axit tanic và trong dạ dày có nhiều protein thì một mặt tanin sẽ tạo thành phức hợp protein không hòa tan, đồng thời tanin cũng có thể làm bất hoạt pepsin, cộng với pectin, chất xơ trong quả hồng… Các thành phần này trộn lẫn với nhau có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa và gây đau bụng.
Nếu bạn lo lắng về việc ăn quả hồng sẽ gây ra tắc ruột, bạn nên:
Không ăn quả hồng chưa chín vì chúng có hàm lượng axit tannic cao và có vị chát.
Không nên ăn lúc đói.
Nên ăn hồng đã chín mềm vì lúc đó hàm lượng axit tannic đã giảm dần trong quá trình chín.
Những người bị tiết quá nhiều axit dạ dày và nhu động dạ dày kém, hoặc những người bị bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày, cố gắng không ăn quả hồng, đặc biệt là những quả có vị quá chát và non.
Trúc Chi (theo Phụ Nữ Nam, Lao Động)