Sau nhiều năm cố gắng thiết lập những dự án kinh doanh có thể sinh lãi ở Trung Quốc và mất hơn 7 tỉ Won (6,8 triệu USD), ông chủ doanh nghiệp Hàn Quốc và là người phát minh máy hút bụi WELVA, ông Kim Kwang-Nam, đã từ bỏ và tuyên bố rút lui vô thời hạn ra khỏi thị trường Trung Quốc.
“Tiềm lực của thị trường Trung Quốc có thể là rất to lớn, nhưng các cơ quan xã hội và đạo đức của người dân nơi đây đã khiến tôi dừng bước,” ông Kim nói với tờ Epoch Times.
Kim Kwang-nam, người mất 6,8 triệu USD trong nỗ lực đầu tư vào Trung Quốc
Vị cựu chủ tịch Liên doanh Xí nghiệp Thành phố Bucheon tại Hàn Quốc cho biết, kinh nghiệm của ông ở Trung Quốc nay đã làm ông quen thuộc với những điều kiện khó khăn mà hầu hết những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc phải đối mặt tại Trung Quốc hiện nay.
Ông Kim đã mất vài năm ở Trung Quốc, đầu tư thời gian và tiền của vào việc sáng chế ra những sản phẩm mới. Tuy nhiên, mỗi khi ông chuẩn bị giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường, ông luôn bị bất ngờ bởi những hàng rào quan liêu mà ông phải đương đầu.
“Chẳng hạn như, theo lệ thường thì mất khoảng 40 ngày để xác nhận bản quyền một phát minh và cho phép sản xuất một loại sản phẩm mới, nhưng ở Trung Quốc, một quá trình tương tự phải mất ít nhất là 8 tháng,” ông nói.
Không chỉ là sự chậm trễ quá đáng, ông Kim cũng nói về lòng tin của mình đối với những thương nhân Trung Quốc.
Tờ Epoch Times dẫn lời ông Kim bình luận: “Gần đây, một số khách hàng ở thành phố Trịnh Châu muốn làm ăn với tôi và họ đề nghị tôi đến Trịnh Châu để gặp họ,” ông Kim nói. “Khi tôi đến, họ đề nghị tôi mời họ đi ăn. Khi đến nhà hàng, tôi trông thấy khoảng 30 người đang đợi tôi ở đó. Tiếp đó, sau khi chúng tôi bắt đầu dùng bữa, họ bắt đầu yêu cầu tôi mời họ rượu và đồ uống. Lúc đó tôi giận dữ la lên rằng họ là những kẻ lừa đảo, và lập tức đặt vé máy bay về Hàn Quốc. Làm sao mà tôi có thể tin được những người này và làm ăn với họ được?”
Lần đầu tư thất bại đầu tiên của ông xảy ra khi ông cố bán một loại máy chữa bệnh ở những thành phố Thượng Hải, Thanh Đảo, Đại Khánh, Cáp Nhĩ Tân, và Tề Tề Cáp Nhĩ. Chiếc máy là một phát minh của ông, sử dụng dòng điện để loại bỏ dịch bệnh trong các mạch máu.
“Tôi cung cấp những thử nghiệm y khoa và điều trị miễn phí, với mỗi lần điều trị là 1 tiếng đồng hồ. Một số khách hàng lớn tuổi lúc mới bắt đầu điều trị thì đi lại còn khó khăn, đã có thể đi lại bình thường chỉ sau 2 tuần,” ông Kim nói.
“Tôi tặng tất cả khách hàng, mỗi người khoảng 3 tháng điều trị miễn phí, và rất nhiều người đã được chữa khỏi thông qua điều trị. Tại Hàn Quốc, hầu hết mọi người sẽ mua máy sau khi tự họ thấy có hiệu quả. Nhưng ở Trung Quốc, thậm chí sau khi trải qua 1 năm điều trị miễn phí, không có ai mua dù chỉ là 1 máy,” ông Kim nói.
“Lần thất bại thứ 2 xảy ra vào 5 năm trước. Tôi phát minh ra một loại máy hút bụi và giao sản phẩm cho một công ty ở Vĩnh Khang, tỉnh Chiết Giang. Sản phẩm này rất phổ biến, chúng tôi bán được khoảng 1400 chiếc mỗi ngày ở Hàn Quốc, và cũng bán được nhiều ở Trung Quốc. Nhưng công ty Trung Quốc sau đó bắt đầu gây khó khăn cho tôi, trong nỗ lực hất cẳng tôi ra và tự mình bán sản phẩm. Chẳng hạn như, khi tôi đặt hàng 1000 sản phẩm của họ, họ sẽ chỉ đưa tôi 900, nói với tôi rằng giá sản phẩm đã tăng lên. Mục đích của họ là làm cho tôi từ bỏ.”
“Có một lần, một xí nghiệp sản xuất xe hơi ở Trường Xuân đã đặt hàng tôi, và thậm chí là đã trả tiền đặt cọc. Tuy nhiên, ngay khi họ biết được cơ sở sản xuất ra sản phẩm này, họ liên hệ trực tiếp với nhà máy đó và đặt hàng, sau đó họ yêu cầu tôi trả lại tiền đặt cọc.”
“Nhìn thấy sự thiếu trung thực của những con người này, tôi cuối cùng đã quyết định rút lui khỏi thị trường Trung Quốc,” ông Kim nói. Nhưng kể từ đó ông không có cách nào lấy lại tất cả vốn đầu tư và công nghệ mà ông đã đổ vào Trung Quốc. “Lúc đó tôi đã gần như đạt được thoả thuận sản xuất 20.000 máy hút bụi cho Công ty Kỹ thuật Tàu thuỷ và Hải quân Daewoo (DSME) ở Hàn Quốc, nhưng bởi vì những lý do tương tự, hợp đồng đã bị mất.”
“Công nghệ của Trung Quốc trong lãnh vực sản xuất cần trục loại nặng vẫn còn kém Hàn Quốc. Vài năm trước, một xí nghiệp sản xuất cần trục của Hàn Quốc đã cố thâm nhập vào Trung Quốc và đã chuyển giao công nghệ sản xuất cần trục cho một số nhà máy ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Những nhà máy này sau đó đã ép xí nghiệp Hàn Quốc, làm cho xí nghiệp này phải phá sản. Sau khi những nhà máy Trung Quốc đã đạt được công nghệ của xí nghiệp Hàn Quốc, họ sao chép những thiết kế của xí nghiệp này và kiểm soát thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, mặc dù những xí nghiệp Hàn Quốc đã bán cần trục với giá rất rẻ ở Trung Quốc, họ không thể cạnh tranh với những đối thủ Trung Quốc, bởi vì những đối thủ này được hậu thuẫn bởi chính quyền, cơ quan ngấm ngầm kiểm soát thị trường.”
“Thật ra, rất nhiều người Trung Quốc thích những sản phẩm Hàn Quốc, và cố tránh những phiên bản nhái của Trung Quốc, đó là lý do tại sao nhiều người Trung Quốc mua hàng hoá tại Hàn Quốc rồi đem về Trung Quốc. Nhưng bất chấp điều đó, những rủi ro mà một công ty Hàn Quốc phải đương đầu khi đầu tư vào một nhà máy ở Trung Quốc đơn giản là quá cao.”
“Sau khi mất hết vốn liếng của cả đời mình ở Trung Quốc, có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc cảm thấy xấu hổ khi phải quay trở về Hàn Quốc, nên họ đã quyết định ở lại Trung Quốc một cách bất hợp pháp. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang sinh sống bất hợp pháp tại Thanh Đảo và Thâm Quyến. Nếu tôi vẫn còn ở lại Trung Quốc thì nay tôi cũng đã khánh kiệt rồi".
> Chết dưới bàn tay Trung Quốc'
Khải Đơn