Những ngày này, người dân Cuba nói riêng và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung đều vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của lãnh tụ Cuba Fidel Castro.
Đặc biệt trong trái tim của cán bộ cách mạng Việt Nam, những người đã từng may mắn được gặp và làm việc cùng Chủ tịch Cuba đều không thể quên đi hình ảnh một nhà cách mạng lỗi lạc, người đã dành nhiều tình cảm cho người anh em Việt Nam.
PV Người đưa tin đã có cuộc nói chuyện với ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X, XI, XII, XIII, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu Nghị Việt Nam, để nghe ông chia sẻ về những kỷ niệm, những tình cảm của mình đối với vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Cuba.
Vị lãnh tụ có tài hùng biện xuất sắc
Chào ông, nói về lãnh tụ Fidel Castro, nhiều người Việt Nam đều biết rằng đây là “người bạn” lớn của Việt Nam. Với ông, ông có thể chia sẻ ấn tượng của mình về lãnh tụ Cuba?
Hồi còn trẻ, tôi đã được nghe về đất nước Cuba xa xôi, giáp ranh với Mỹ, hai nước chỉ cách nhau khoảng 90 hải lý (150km), nhưng lại kiên quyết đi theo con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Và với Việt Nam thời ấy, khi đang sục sôi công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước thì hình ảnh chủ tịch Cuba, đất nước Cuba thực sự rất ngưỡng mộ.
Trong sự nghiệp công tác của mình, tôi đã may mắn được 1 lần gặp cụ Fidel từ xa và 4 lần được trò chuyện, làm việc cùng ông. Tuy ít như vậy, nhưng với tôi, cụ Fidel để lại một ấn tượng sâu sắc về một con người anh hùng đặc biệt, một người đàn ông có bộ râu rậm, rất đẹp trai, có tài hùng biện xuất sắc.
Trong những lần gặp ấy chắc hẳn sẽ có những kỷ niệm ấn tượng nhất?
Xúc động vô cùng những lần gặp cụ Fidel, tôi thực sự không hề thấy có bất cứ cách biệt nào giữa một vị lãnh tụ và người anh em Việt Nam, lúc nào cụ cũng ân cần, chân thành.
Tôi vẫn nhớ kỷ niệm lần cuối cụ sang thăm Việt Nam năm 2003, lúc chúng tôi tới chào cụ, cụ đã hỏi: “Hội viên hội Việt Nam - Cuba của các đồng chí có bao nhiêu người?”. Tôi mạnh dạn trả lời: “Hội viên chúng tôi có 88 triệu người (tức cả dân tộc Việt Nam)”. Lúc đó cụ ôm lấy tôi và nói: “Cảm ơn đồng chí, chúng tôi hiểu đấy là Việt Nam”.
Còn nhắc tới lãnh tụ Fidel, thì phải nhắc tới tài diễn thuyết của cụ. Tôi nhớ năm 1979 khi sang Cuba tham dự Liên hoan sinh viên, thanh niên quốc tế được tổ chức tại Đồi Lê Nin. Giữa hàng nghìn học sinh, sinh viên quốc tế hừng hực khí thế yêu nước, giọng cụ vang lên trầm hùng.
Cụ nói về tinh thần của nhân dân Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng đã đứng lên chiến đấu dành độc lập. Cụ căn dặn thanh niên thế giới nên học tập Việt Nam và quan trọng nhất luôn nhớ tới tình đoàn kết hữu nghị quốc tế.
Người bạn chân thành của Việt Nam
Là một cán bộ làm công tác đối ngoại, ông hiểu rất rõ về tình cảm hữu nghị của lãnh tụ Cuba đối với người dân Việt Nam, ông có thể chia sẻ cho độc giả được biết?
Đối với mỗi người dân Việt Nam nhớ tới cụ Fidel không phải vì câu nói nổi tiếng của cụ “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”, mà tôi còn muốn kể cho các bạn nghe rằng lãnh tụ Cuba đã hy sinh giúp đỡ Việt Nam như thế nào.
Tôi nhớ những năm 60, cụ Fidel đã đề nghị với đảng nhà nước ta: “Châu Mỹ Latinh bấy giờ có 28 quốc gia, các đồng chí cần chuẩn bị đào tạo 28 đại sứ tương lai của Việt Nam tại những quốc gia đó. Và Cuba xin được nhận phần trách nhiệm đó”.
Từ những năm 60 mà cụ Fidel đã có tầm nhìn xa rộng như vậy, dù đất nước Cuba bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã đào tạo miễn phí cho bao thế hệ cán bộ nguồn của Việt Nam qua học tập. Để rồi rất may mắn, những thế hệ hạt nhân đầu tiên ấy thực sự đã trở thành đại sứ của Việt Nam tại các nước khu vực Mỹ Latinh.
Có thể người dân Cuba lúc đó cơm không đủ ăn, sữa không đủ uống nhưng vị lãnh tụ đã truyền tình yêu Việt Nam cho nhân dân Cuba, để giúp đỡ chúng ta. Trên hòn đảo Thông, đảo Thanh Niên (các địa danh của Cuba) không biết hàng trăm, hàng vạn thanh niên ở các quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh, những nước anh em như Việt Nam đã được Cuba giúp đỡ đào tạo trở thành những trí thức, những nhà khoa học giúp đỡ đất nước.
Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình khi đặt chân đến Cuba?
Đã từng nhiều lần sang công tác tại Cuba, nhưng rất ngạc nhiên bởi không ở đâu trên thế giới lại có một đất nước đặt tên các địa danh, công trình mang tên nhà cách mạng Việt Nam. Đó là tượng đài Bác, quảng trường Hồ Chí Minh, công viên Nguyễn Văn Trỗi, trường Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, làng Bến Tre.
Không chỉ vậy những người dân Cuba khi sinh con ra còn thân thiết đặt tên cho con là Sáu, là Định. Họ phải thực sự coi Việt Nam như quê hương, tổ quốc mình thì mới có những hành động thiêng liêng đến vậy.
Nếu như cụ Fidel từng nói trong chiến đấu, Cuba sẵn sàng đổ máu vì Việt Nam thì khi hòa bình Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi vì Việt Nam. Lãnh tụ Cuba là người đầu tiên trong lúc Việt Nam khó khăn nhất xin xóa nợ cho Việt Nam. Ở giai đoạn khó khăn như thế, nhưng những công lao của cụ Fidel đối với Việt Nam đã đi vào huyền thoại.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhà nước Cuba đã tặng chúng ta 5 công trình: khách sạn Thắng Lợi, công trình đường Cuba (Xuân Mai), nông trường bò sữa Mộc Châu, trại gà Khuyến Lương, bệnh viện Đồng Hới.
Có thể năm tháng trôi đi, nhiều công trình đã bị thay đổi theo thời gian, nhưng nhiều công trình vẫn còn nguyên giá trị, chúng như những “chứng nhân lịch sử” chứng kiến tình hữu nghị Việt Nam – Cuba.
Nghe truyền thông quốc tế mấy ngày qua nói về sự ra đi của lãnh tụ Cuba, cá nhân ông có cảm xúc gì?
Mấy hôm trước, khi xem tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp kiến lãnh tụ Cuba, tôi mừng lắm vì đã hơn 90 tuổi nhưng cụ vẫn khỏe, trí tuệ tinh thông. Nhưng khi biết tin này, thực sự bàng hoàng, đau xót. Nhìn lại những tấm hình chan chứa bao kỷ niệm mà tôi được chụp cùng cụ với lòng tiếc thương sâu sắc.
Nhìn vào những di huấn, di sản, tư tưởng cách mạng của cụ thì tôi tin rằng nhân dân Cuba tiếp tục sự nghiệp mà lãnh tụ Fidel đã mơ ước, xây dựng, sẽ vượt qua khó khăn để trở thành đất nước Cuba phồn vinh, tươi đẹp.
Tôi mong rằng, mỗi đặc biệt các thế hệ người dân Việt Nam phải luôn ghi nhớ công ơn của lãnh tụ Cuba. Ở cụ, sáng lên tình cảm, tinh thần quốc tế trong sáng vô tư của nhân dân Cuba, vĩnh biệt Đồng chí.
Đọc thêm >>> ‘Con nuôi' Việt của Chủ tịch Fidel và kỉ niệm về người cha đặc biệt
Phương Anh