Chàng trai nỗ lực làm trong nhiều ngày, bất kể ngày đêm, cuối cùng cũng gần hoàn tất một chiếc ngai vàng bằng gỗ vàng tâm ưng ý. Trên đó, có chạm khắc long phượng, thể hiện được sự uy nghiêm của người ngồi lên chiếc ngai vàng đó. Chúa Trịnh thường xuyên ra vào thăm hỏi quá trình chàng trai làm việc nên lấy rất làm hài lòng.
Tuy nhiên, đến những khâu cuối cùng với những nét chạm khắc tinh vi thì đòi hỏi chàng trai mất nhiều thời gian, làm việc tỉ mỉ hơn. Do tập trung tinh thần và sức lực nhiều ngày nên khi vừa chốt xong những nét chạm cuối cùng của chiếc ngai vàng, chàng trai mệt quá, mới ngồi thử lên chiếc ngai và vô tình ngủ. Không ngờ, trong lúc chàng ngủ thì chúa Trịnh đến thăm, thấy cảnh tượng đó chúa biến sắc mặt, ra lệnh bắt giam chàng trai vào ngục tối.
Sau khi chúa băng hà, bà Chúa lên nắm quyền. Bà Chúa vốn là người sùng đạo Phật, đã cho đúc nhiều tượng, chuông ở khắp cung điện nơi bà ở. Ngoài ra, bà còn cho tìm những người thợ giỏi nhất trong cả nước về để đúc, tạc những bức tượng theo ý của mình.
Tất cả đều được bày biện trong sân, vườn và trong nhà thờ của riêng bà. Bà Chúa nhìn thấy ngai vàng được chạm trổ khá đẹp liền giải thoát chàng trai khỏi ngục tối và ra lệnh: "Ngươi phải tạo ra một bức tượng Phật bà bằng chính cái tâm con người, Phật bà phải nhìn được trăm nẻo khổ đau hay gian ác trên thế gian để cứu giúp những khổ đau đó hay trừng trị những kẻ ác trên thế gian". Khi nghe bà Chúa phán như vậy, chàng trai lấy làm khó hiểu và trả lời: "Thưa, tất cả những vật hạ thần nhìn thấy được thì sẽ chạm trổ được nhưng hạ thần không thể chạm đúng theo ý muốn của bà Chúa vì hạ thần không thể thấy được". Nghe tới đây, bà Chúa tức giận và phán: "Ngươi không làm được thì ta sẽ bắt ngươi phải làm cho bằng được". Rồi cho người trói chàng trai lại, tống vào ngục.
Lần này, chàng thợ mộc bị giam cầm khắc nghiệt hơn. Xung quanh căn nhà giam là hàng trăm vị Tăng đọc kinh gõ mõ suốt ngày đêm khiến chàng không thể nào chợp mắt dù chỉ một lúc. Mỗi bữa chàng cũng chỉ được một suất cơm chay của nhà chùa, không hề có đồ mặn. Chàng cảm thấy không thể chịu nổi và suy nghĩ: "Nếu không làm cho nhanh thì sẽ không thể thoát khỏi sự tù hãm này". Thế là, căn nhà với hàng trăm ngọn nến thắp suốt ngày đêm cùng những khối gỗ được chuyển vào liên tục, chàng trai làm miệt mài không biết mệt mỏi...
Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay được cho là của ông tổ nghề mộc Nguyễn Công Nghệ tạo ra.
Ba năm sau, bà Chúa đi kiểm tra công việc của chàng trai. Khi tới gần ngôi nhà mọi người nhìn thấy một luồng sáng phát ra từ bên trong. Bức tượng từ tâm đã hoàn thành. Khi nhìn thấy bức tượng Phật bà với một đầu bốn mặt nghìn tay và trên mỗi bàn tay là một con mắt, mọi người thực sự sửng sốt. Song, không dễ gì người ta nhận rõ ý nghĩa tâm linh bức tượng. Bà Chúa tức giận cho tìm lại tác giả khắc tượng để nhận được giải thích thỏa đáng. Nhưng lúc này, quá thất vọng vì sự đối xử bạc đãi của bà Chúa, chàng thợ mộc đã bỏ đi. Tuy nhiên, bởi sức kiệt, mắt mờ sau nhiều năm bị giam cầm liên tiếp, chàng trai đã trở thành một người đàn ông kiệt quệ, đi qua dòng suối, không ngờ bị trượt chân rơi xuống và nước cuốn trôi. Từ đấy không ai còn nghe thông tin nào của chàng nữa…
Sau này, mọi người cũng dần hiểu được ý nghĩa thực sự cũng như cái tâm của ông tổ Nghệ đặt vào bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Cái tên Nguyễn Công Nghệ được đưa ra để gọi tên ông và nó đi vào lịch sử của nghề mộc.
Ngày nay, cứ vào ngày 20 tháng 12 âm lịch hàng năm, những người làm nghề mộc đều dâng nén hương tưởng nhớ ông tổ của nghề là Nguyễn Công Nghệ (người tạo ra tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay) cũng như để ông ấm lòng hơn với sự phát triển thịnh vượng của nghề mộc sau này.
Luật nay: Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật
Không có tài liệu lịch sử nào khẳng định, nguyên mẫu tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là xuất xứ từ Việt Nam, cũng như việc ông tổ nghề mộc Nguyễn Công Nghệ là người đầu tiên làm ra. Tuy nhiên, với câu chuyện tương truyền về ông tổ của nghề mộc, từ lâu bức tượng đã trở thành niềm tự hào chung của người Việt Nam và của những người thợ thủ công tài hoa trên khắp đất nước. Qua Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng,... những quốc gia đạo Phật phát triển mạnh mẽ, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay có ở khắp nơi càng làm cho những người yêu nước cảm thấy tự hào.
Tuy câu chuyện về Nguyễn Công Nghệ chỉ là tương truyền nhưng qua câu chuyện người thợ mộc ít nhiều khiến chúng ta thấy được bức tranh xã hội Việt Nam dưới thời Lê- Trịnh.
Chàng thợ mộc tài hoa tuy đã dốc lòng để tạo nên chiếc ngai vàng ưng ý cho chúa nhưng cuối cùng, chỉ vì một sơ suất, chủ quan mà phải chịu cảnh tù đày trong suốt nhiều năm trời. Xét ở khía cạnh nghề, việc "thử" ngai vàng là sự cần thiết khi bất kỳ sản phẩm nào làm ra, người thợ cũng phải đích thân thử nghiệm độ bền, độ chắc chắn, an toàn của sản phẩm đó. Đáng lẽ ra, là một minh chúa, chúa Trịnh phải hiểu được sự vất vả của người đã dốc hết tinh hoa cho chiếc ngai vàng của mình mà cảm ơn, tha thứ cho tội "khi quân" của anh. Nhưng chính sự thiển cận, ích kỷ, Chúa đã khiến cho lòng người nổi giận vì bạc đãi với người có công. Hành động đem tống ngục chàng trai cho tới khi chết khó có thể tha thứ được.
Bà Chúa tuy là người sùng đạo nhưng lại ép buộc người khác phải làm theo ý mình, khi không được như ý thì đem nhốt chàng trai lại cho tới khi nào chịu thoả hiệp mới thôi. Mặt khác, lại tiếp tục khủng bố tinh thần của chàng trai bằng việc cho các nhà sư tụng kinh gõ mõ đêm ngày bên cạnh, bắt ăn chay trường khiến chàng trai không thể chịu đựng nổi. Xét cả về lý lẫn về tình thì đây cũng là việc làm không thể chấp nhận, nhất là với những người mang tiếng "tu tại tâm, tu tại gia" như bà. Việc làm này vừa làm mất hết công đức của bà Chúa mà còn khiến bà mắc phải tội bất nhân.
Chàng trai vốn là một người thợ mộc giỏi, tài năng được thể hiện ở việc làm ra chiếc ngai vàng ưng ý cho Chúa, việc mà không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, tài năng không có nghĩa là việc gì cũng làm được cả, chàng chỉ có thể làm được những công việc nằm trong khả năng của mình. Yêu cầu của bà Chúa làm một bức tượng bằng chính cái tâm của con người, nhìn được trăm nẻo khổ đau hay gian ác trên thế gian để cứu giúp những khổ đau đó hay trừng trị những kẻ ác trên thế gian. Bà Chúa yêu cầu như vậy nhưng chính bà cũng đang "tạo ác nghiệp" theo cách nói của nhà Phật.
Nếu đem áp dụng tình tiết trong câu chuyện về ông tổ của nghề mộc Nguyễn Công Nghệ vào luật nay thì thấy rằng, cả Chúa ông và Chúa bà đều vi phạm vào Điều 281 Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cả hai người đều là những người có chức vụ "cầm cân nảy mực" trong thiên hạ, nhưng vì những mưu cầu cá nhân mà áp đặt lên người thợ mộc, tạo cảnh ngục tù, uất ức, thậm chí cái chết gián tiếp đối với người dưới quyền.
Khoản 1 Điều 281 quy định: "Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm".
Như vậy, chúa Trịnh và bà Chúa có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Tuy nhiên, với hành động khủng bố tinh thần người thợ trong tình trạng kiệt quệ, dẫn đến cái chết (hoặc nghi ngờ mất tích do ngã suối) của anh thì bà Chúa có thể sẽ bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm theo khoản 3 Điều 281: "Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm".
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 281, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Hón Thỵ