Ba năm sau, biết tin bố đã đoạn tuyệt được với ma tuý, hai mẹ con Biên lại dắt díu quay về quê sinh sống. Thế nhưng, Biên không ngờ cậu ta vẫn nghe thấy làng xóm xì xào chuyện ông L. tiếp tục tái nghiện, vì quá bức xúc, đứa con tội đồ này đã tự tay tước đoạt đi mạng sống của cha mình.
Trăn trở của những người thầy
Trong chuyến công tác mới đây tại trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII bộ Công an), chúng tôi được nghe cán bộ quản giáo kể về một trường hợp phạm tội thật xót xa. Kẻ gây án là một cậu thanh niên còn rất trẻ, nạn nhân mà cậu ta xuống tay sát hại chính là cha ruột của mình. Đó là phạm nhân Mã Văn Biên, sinh năm 1993, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Kể từ khi đọc hồ sơ về trường hợp phạm tội của Biên, thượng tá Nguyễn Đăng Bình - Phó giám thị Trại giam cứ trăn trở mãi. Nỗi ám ảnh về một tội ác kinh hoàng mà trong đó hung thủ và nạn nhân có quan hệ huyết thống cha - con khiến người phó giám thị nhiều đêm thức trắng. Trong tâm trí thượng tá Bình lúc ấy, ông hiểu rằng, hẳn đã có một sự giằng xé đấu tranh ghê gớm lắm mới khiến cho một cậu thanh niên 19 tuổi bình thường vốn hiền lành bỗng trở thành tên sát thủ máu lạnh. Thượng tá Bình tâm sự: "Đối với những người làm công tác giáo dục như chúng tôi thì phải luôn luôn gần gũi, nắm bắt tâm lý của phạm nhân để giúp họ lấy lại thăng bằng và niềm tin quay về nẻo thiện".
Một cán bộ quản giáo cho biết, tính đến thời điểm chúng tôi gặp Mã Văn Biên thì cậu ta vừa mới được chuyển từ trại tạm giam công an tỉnh Bắc Kạn đến trại giam Quyết Tiến được khoảng hơn một tuần. Vì là phạm nhân mới nên Biên chưa được phân công cụ thể vào tổ lao động cải tạo nào. Khi đó, tinh thần của Biên vẫn chưa ổn định. Cậu ta luôn tỏ ra khép mình, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai, kể cả các phạm nhân cùng buồng giam.
Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường (Ảnh internet).
Trước khi dẫn Mã Văn Biên ra gặp chúng tôi, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó đội trưởng đội Quản giáo của trại giam Quyết Tiến bảo rằng: "Trường hợp phạm nhân này vẫn còn chưa ổn định về tâm lý. Chắc các chị cũng hiểu cần làm như thế nào khi tiếp xúc với cậu ấy".
Dưới cái nắng oi ả của những ngày vào hạ, Mã Văn Biên lầm lũi bước ra phòng tiếp khách theo sự chỉ dẫn của cán bộ trại giam. Thấy chúng tôi đang ngồi chờ sẵn ở đó, Biên chậm rãi kéo ghế ngồi và quay sang nói: "Em tưởng cán bộ gọi ra gặp người nhà, chứ nếu gặp nhà báo thì em chẳng muốn nói gì đâu. Đừng hỏi em về vụ án giết cha. Thực sự em không muốn nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng ngày hôm ấy. Đó là điều tồi tệ nhất em đã làm trong đời".
Thấy Biên có vẻ căng thẳng, tôi bảo: "Chị đồng ý. Chị sẽ không nhắc đến những điều em không muốn nhớ tới. Ngược lại, em có thể chia sẻ bất cứ điều gì nếu điều đó làm em cảm thấy thoải mái hơn". Nghe vậy, Biên chỉ khẽ đưa ánh mắt liếc nhìn người đối diện mà không nói thêm gì.
Sau khi được chúng tôi hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần, Biên mới cởi mở hơn một chút và bắt đầu tâm sự về gia đình mình trước đây, về mẹ và cuối cùng cậu ta đã rơi nước mắt khi kể về những ẩn ức phía sau bản án giết cha.
Bản án đời đeo đẳng
Ngược về quá khứ, Biên kể, cậu ta sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba anh chị em, Biên là con út. Theo lời của Biên, ông L., bố cậu nghiện ma túy từ nhiều năm trước. Để có tiền khỏa lấp các cơn nghiện, tất cả những thứ đồ đạc gì trong nhà có giá trị là ông L. đều mang bán hết. Mỗi lần lên cơn, ông L. thường hay nổi cáu, đánh đập mấy mẹ con Biên. Ngay từ khi còn nhỏ, Biên đã bị ám ảnh bởi những trận đòi roi, chửi bới của người cha. Bản thân ông L. đã vài lần đi cai nghiện ở trung tâm nhưng chỉ về nhà được ít ngày là lại tái nghiện.
Kể đến đây, giọng Biên chùng lại, cậu ta khẽ thở dài: "Cứ mỗi lần nghĩ về hoàn cảnh gia đình mình như thế, em lại cảm thấy vô cùng tủi hổ. Người em thương nhất là mẹ. Nhiều đêm, em thấy mẹ nằm khóc sụt sịt mà chẳng biết làm thế nào để giúp mẹ bớt khổ".
Năm 2009, trong một lần lên cơn nghiện, ông L. đã đuổi vợ ra khỏi nhà. Khi đó, Biên mới học xong lớp 9 nhưng đã bỏ học và theo mẹ vào Nam làm thuê kiếm sống. Ở nơi đất khách, hai mẹ con Biên dắt díu nhau tìm đến nhà một người họ hàng đang sinh sống tại tỉnh Bình Phước để xin trồng cà phê thuê. Đến đầu tháng 5/2012, hai mẹ con Biên nghe tin ông L. đã đoạn tuyệt được với ma túy nên đưa nhau về thăm nhà.
Biên tâm sự: "Chị gái em thì lấy chồng tận Ninh Bình, ít có điều kiện về thăm gia đình, còn anh trai thì lấy vợ và sinh sống ở một huyện khác của tỉnh Bắc Kạn. Vì thế khi hai mẹ con em quay về, nhà chỉ có bố đang sống một mình. Em tưởng rằng bố đã cai nghiện dứt điểm. Nào ngờ, ngày 22/5/2012, em đi mua cám gà vẫn nghe người dân trong bản xì xào chuyện bố em đang tái nghiện. Vài người còn bắt gặp bố em sử dụng thuốc phiện. Lúc đó, trong đầu óc em lại hiện lên những cảnh tượng đau buồn trước đây. Em cảm giác như có một cục nghẹn ứ đọng trong cổ họng. Trong lúc bi quan, trong đầu em chợt nảy ra ý định giết bố để giải tỏa bức xúc".
Theo tài liệu điều tra, vào khoảng 10h45 ngày 22/5/2012, Mã Văn Biên cùng bố là ông Mã Văn L. dọn mâm bát chuẩn bị ăn cơm, mẹ của Biên là bà Hà Thị M. ốm nên không ăn cơm cùng mà ngủ ở trong buồng. Sau khi ăn xong, Biên ra bàn ngồi uống nước, còn ông L. đến chiếc giường gấp kê ở gần cửa ra vào gian bếp để ngủ. Khi thấy ông L. ngủ được vài phút, Biên ra ngoài sân lấy chiếc búa bổ củi của gia đình đi thẳng đến chỗ ông L. đang nằm và cầm búa chém mạnh vào vùng cổ bên phải của ông L. khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Với tội ác mà mình gây ra, Biên đã phải trả giá bằng bản án tù chung thân.
Nghe câu chuyện của Biên, chúng tôi cảm thấy thật xót xa. Tất cả tương lai phía trước đã bị cậu ta tự tay đánh mất chỉ vì sự nông nổi nhất thời. Phía sau bản án giết cha, có lẽ bản án đời sẽ còn mãi đeo đẳng Biên. Cậu ta tâm sự: "Kể từ khi gây ra tội ác tày trời, không đêm nào em được ngủ yên. Cứ chợp mắt lại là thấy bóng cha về. Em suy nghĩ nhiều lắm chị ạ. Có những lúc em không thiết sống nữa, nhưng nghĩ đến mẹ, em lại không đủ can đảm làm điều đó".
Gửi lời xin lỗi mẹ
Tôi động viên Biên: "Điều mà mẹ mong ở em nhất bây giờ có lẽ là sức khỏe và tâm lý của em sớm ổn định. Có như vậy, mẹ mới yên tâm em ạ! Chị cảm nhận được rằng, em rất thương mẹ, vì thế hãy lao động, cải tạo thật tốt để sớm được trở về báo đáp ơn sinh thành".
Đến lúc này, đôi mắt của Biên đã đỏ hoe. Cậu ta đưa tay gạt ngang dòng lệ và ngước mắt nhìn thẳng vào chúng tôi: "Thực sự, lúc đầu gặp mặt, em không muốn chia sẻ với các chị bất cứ điều gì liên quan đến quá khứ của em. Nhưng sau đó, em nhận thấy, nói chuyện với các chị khiến lòng em nhẹ đi rất nhiều. Tâm lý của em đã chuyển biến nhiều, hy vọng sẽ được gặp lại các chị vào dịp khác để em có thể khoe về thành tích cải tạo của mình. Em chỉ xin một điều, các chị đừng chụp ảnh em nhé!".
Trước khi được cán bộ quản giáo dẫn giải trở về buồng giam, Biên cố ngoái lại nhắn nhủ với chúng tôi: "Nếu được, qua các chị, cho em gửi lời xin lỗi đến mẹ em!..".
Nguyễn Hường- Đỗ Huệ