Mỗi lần nhìn cháu, cổ họng bà như nghẹn ứ, nước mắt bà lại rơi. Mai này "khuất núi” không biết ai sẽ là người thay bà chăm sóc cô cháu gái mất cha, mất mẹ "bất thình lình" như vậy... Bên cạnh đó là nỗi canh cánh, đến khi nào con dâu của bà mới được "yên lòng nhắm mắt" dưới suối vàng khi kẻ gây ra cái chết của cô vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ghé qua văn phòng luật Interla tại Phố Vọng (Hà Nội) để thăm người bạn luật sư của mình. Vừa bước vào phòng, tôi thấy hình dáng cao lớn thường ngày của anh lọt thỏm giữa những tập hồ sơ vụ án. Trong số hồ sơ ấy, đập vào mắt tôi là hồ sơ của thân chủ tên Nguyễn Thùy Linh (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội).
Thấy tôi chú ý, luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật, người bạn thân của tôi tâm sự: "Vụ án ấy xử rồi, chỉ tội nghiệp cho gia đình nạn nhân mà thôi. Không biết đến bao giờ hung thủ gây ra cái chết của Linh (nạn nhân) mới được cơ quan điều tra làm sáng tỏ trong khi đối tượng tình nghi chính của vụ án chỉ bị phạt vài năm tù giam vì cướp 300 nghìn đồng chứ không gây ra cái chết cho nạn nhân".
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật Interla.
Gia đình nhà Linh có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Chồng Linh chết vì đột tử khi cô con gái mới tròn 8 tuổi, mẹ chồng lại già yếu. Mọi gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người phụ nữ yếu đuối, mang trọng bệnh khiến Linh luôn phải gồng mình chống đỡ với những sóng gió cuộc đời. Thương con, thương mẹ, Linh "cày ngày, cày đêm" cũng chẳng đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, tiền chữa bệnh và ăn học cho con. Thế nên khi con gái bước vào năm học mới (9/2012), phải đóng những khoản lớn, không có tiền Linh đành bấm bụng đi vay lãi 10 triệu đồng với mức lãi 30 nghìn đồng/10 triệu và trả theo kỳ, mỗi kỳ là 300 nghìn đồng.
Đến ngày trả, sau khi thu dọn đồ đạc xong lúc 7 - 8h tối (Linh phụ giúp người quen bán bánh mì) Linh ra đầu phố nhờ anh xe ôm tên T. đưa mình đến điểm hẹn. Nói đến đây, luật sư Hòe cho biết: Nói là đi trả tiền, thực chất Linh đến xin khất nợ thêm bởi cô không có tiền. Bởi theo lời chia sẻ của anh T., Linh có hỏi mượn tiền của anh. Vì không có tiền cho Linh mượn, anh T. dẫn Linh về nhà gặp mẹ mình để vay tiền. Có đủ số tiền đóng lãi theo kỳ, Linh nhờ anh T. đưa mình đến điểm giao tiền ở Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho nhanh rồi về nấu cơm cho con gái và mẹ chồng ăn. Sau khi trả tiền xong, Linh vừa bước tới chỗ anh T. đợi, chưa kịp lên xe, cô đã gục ngay xuống vỉa hè. Thấy vậy, anh T. phải vội vàng đưa Linh đi cấp cứu sau đó gọi điện cho mẹ Linh vào viện.
Chờ mãi chưa thấy Linh về, bà V. mẹ chồng của Linh thấy nóng ruột vô cùng. Đang chuẩn bị bấm điện thoại cho Linh cũng là lúc nhận được hung tin Linh đang được cấp cứu ở bệnh viện. Chẳng kịp ăn uống, bà vội vàng bế con gái Linh, sau đó chạy sang nhờ người hàng xóm tốt bụng chở vào bệnh viện. Nhìn Linh nằm trên giường bệnh với những vết bầm tím, bà V. chỉ biết khóc thương con, thương cháu mà không thể làm gì.
Những ngày ở viện, bà như đứt từng khúc ruột khi hay tin "gia đình phải chuẩn bị sẵn tâm lý". Bởi từ lúc vào nhập viện, Linh luôn trong trạng thái hôn mê sâu. Các vết thương trong và ngoài của Linh đều quá nặng. Cô bị rạn xương sọ não, dập não, phù nề phần đầu... Sau vài ngày nằm viện, Linh đã ra đi mà chẳng kịp trăng trối lại một lời với cô con gái nhỏ và người mẹ chồng già nua...
Kể đến đây, luật sư Hòe cho biết: "Từ ngày Linh mất, gia đình Linh rơi vào cảnh khổ cực. Người mẹ chồng già nua đáng lẽ được hưởng tuổi già trong sự chăm sóc của con cái thì nay phải quay lại cuộc sống để bươn chải kiếm từng đồng tiền nuôi cháu nội. Còn con gái Linh, vốn đã ít nói từ ngày mất cha, nay bé càng trầm lặng hơn. Cô bé không còn những nụ cười hồn nhiên, không còn vô tư như trước. Cái chết đột ngột của Linh có lẽ đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới cô bé".
Ảnh chỉ có giá trị minh họa.
Những uẩn khúc còn đó...
"Sau khi xảy ra vụ việc, có một khách hàng đã đến văn phòng nhờ tư vấn giúp. Sau khi nghe vị khách đó trình bày hoàn cảnh thương tâm của gia đình nhà Linh. Tôi đã đến tận nhà để thăm hỏi, động viên hai bà cháu đồng thời nhận giúp không công bởi họ không biết phải làm gì để trả tiền bảo vệ quyền lợi cho người cháu của mình", luật sư Hoè cho biết.
Theo đó, từ khi đến địa điểm gặp Thắng trả tiền đến lúc ra gặp anh T. để về nhà thì Linh bị ngất luôn. Trong quá trình trả tiền cho Thắng, không ai chứng kiến việc Linh có bị Thắng và những người khác đánh trọng thương không. Chỉ biết rằng khi vào viện cấp cứu, trên người Linh là những vết thương nặng dẫn đến cái chết của cô vài ngày sau đó. Theo lời khai của Thắng tại cơ quan điều tra, khi gặp Linh, Thắng có tát Linh một cái vào mặt.
Vậy những vết thương: Ở đầu, dập lá lách, phù nề chân tay do ai gây ra? Có chăng là là do Linh bị đánh khi ở trong hiệu cầm đồ của Thắng. Bởi theo lời khai của nhân chứng T., từ lúc chở Linh ở chỗ bán hàng đến nơi trả tiền, Linh vẫn hoàn toàn bình thường. Trong quá trình đi, anh T. và Linh còn nói chuyện với nhau trong thời gian tương đối dài. Trong quá trình trò chuyện với Linh, anh T. không thấy Linh có dấu hiệu bất thường nào... Cho đến khi phiên toà xét xử bị cáo Thắng kết thúc, cơ quan điều tra cũng không làm rõ được Linh bị thương ở đâu, khi nào", luật sư Hoè tâm sự. Bởi ngay từ đầu, luật sư Hoè có cùng nhận định với cơ quan điều tra, đây là vụ án gây hậu quả chết người.
Tuy nhiên khi đưa vụ án ra xét xử, toà án chỉ xét xử bị cáo Thắng về tội cướp tài sản. Còn hậu quả chết người được bóc tách thành một vụ án khác. Bởi sự việc cướp gây hậu quả chết người là một sự việc phức tạp, quá trình điều tra cơ quan đã không xác định được hậu quả về mặt pháp lý đối với việc bồi thường dân sự cho gia đình Linh. Bởi Linh là trụ cột chính trong gia đình kiếm tiền nuôi con, nuôi mẹ mà hành vi của Thắng có thể đã trực tiếp gây nên cái chết của Linh. Bản án tuyên Thắng phải trả 300 ngàn đồng và hơn 3 năm tù giam cho hành vi cố ý gây thương tích, cướp tài sản trị giá 300 nghìn đồng. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về cái chết của Linh? Có hay không việc cơ quan công an bỏ lọt tội phạm là một vấn đề mà dư luận cũng như gia đình Linh rất bức xúc.
Sau khi nghe luật sư Hòe kể chuyện, chúng tôi tìm đến nhà Linh, bao trùm lên ngôi nhà nhỏ là không khí tang thương, buồn thảm. Con gái Linh đang ngồi lầm lũi ở góc phòng. Thi thoảng bé lại đưa đôi mắt buồn buồn nhìn chúng tôi. Có lúc, nghe mọi người nhắc tới Linh, con bé chăm chú lắng nghe, sau đó quay sang hỏi bà nội: "Mẹ Linh của con chết rồi mà. Mẹ Linh ghét con nên không về chơi với con nữa phải không bà. Con ngoan mà. Con tự chơi một mình, con cũng không khóc nhè nữa... Bà bảo mẹ Linh về với con đi"... khiến người nghe không khỏi nghẹn lòng. Bởi khi còn sống, mỗi lần bé hư, Linh thường "đe" con: "Nếu không ngoan, mẹ sẽ nghỉ chơi với con. Thế nên con phải ngoan ngoãn nghe lời mẹ và bà...".
Vừa ôm cháu vào lòng, mẹ chồng Linh kể cho chúng tôi nghe: "Những ngày đầu sau đám ma con Linh, con bé hay giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm. Có lúc, nó ngồi ôm ảnh cưới của cha mẹ rồi khóc ầm ĩ. Tội nghiệp cháu tôi. Đang ở cái tuổi cần sự chăm sóc, yêu thương và nâng niu của cha mẹ, vậy mà...".
Có thể nói, từ khi vụ án xảy ra, đặc biệt là sau phiên xét xử bị cáo Thắng, người mẹ già ấy như rơi vào tuyệt vọng. Bà không biết từ nay đến ngày bà "về bên kia thế giới", hung thủ gây ra cái chết đối với Linh có được đưa ra ánh sáng hay không.
Hồng Mây