Sáng ngày 21/8, chị Hoàng Thị Nguyệt đã chủ động gọi điện cho PV báo Người đưa tin. Chị nghẹn ngào chia sẻ nỗi lòng của mình về trường hợp của kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh, cũng là bị can trong vụ án.
Chị Phan Thị Oanh, một trong 10 bị can của bệnh viện đa khoa Hoài Đức
Chị Nguyệt tâm sự: "Từ khi vụ việc sai phạm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức được công an vào cuộc điều tra, tôi luôn ám ảnh nỗi lo lắng về trường hợp của chị Oanh (kỹ thuật viên trưởng - khoa Xét nghiệm) có thể bị khởi tố. Và, đến ngày 20/8, nỗi ám ảnh đó đã trở thành hiện thực, khi tôi nhận được tin chị Oanh là một trong 8 bị can làm việc tại khoa Xét nghiệm bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái. Khi nhận thông tin này, tôi vô cùng hoang mang".
Chị Nguyệt cũng cho biết, chị đã làm đơn kiến nghị, nhưng thực chất là lá thư gửi lên Bí thư Thành Uỷ Hà Nội về trường hợp của chị Oanh để mong pháp luật giảm tội cho chị Oanh. Bởi trong việc đưa sai phạm tại khoa Xét nghiệm ra trước ánh sáng của công lý, chị Oanh có công rất lớn.
Theo chị Nguyệt, chị Oanh đáng lẽ trở thành "người được tuyên dương" chứ không phải là bị can và trong thâm tâm của chị Nguyệt thì chị Oanh hoàn toàn xứng đáng được khen thưởng. Chị Nguyệt cho biết: "Chị Oanh là người phô tô tài liệu, hồ sơ ghi chép kết quả xét nghiệm tại khoa Xét nghiệm, cũng là người phát hiện việc "nhân bản" phiếu huyết học, là người trực tiếp đặt máy quay lén để ghi lại những sai phạm".
Chị Nguyệt khẳng định rằng: "Tôi không hề bao biện cho Oanh, mà sự thật là như vậy. Bởi tôi là người làm việc tại tầng 2 bệnh viện, không có điều kiện để tiếp xúc những hồ sơ đó. Oanh làm việc tại tầng 1, với vai trò là kỹ thuật viên trưởng nên Oanh nắm rất rõ và có điều kiện để thu thập chứng cứ. Oanh chính là người đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh hành vi cố ý làm trái tại khoa Xét nghiệm".
Theo sự giãi bày của chị Nguyệt, sở dĩ trường hợp của chị Oanh từ một người đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức trở thành bị can bắt nguồn từ áp lực gia đình và một phần nào đó do sự thiếu kiên định của chị. Cũng theo tìm hiểu của PV, nhiều nhân chứng đều có chung thông tin, sau khi thu thập xong chứng cứ, chị Oanh đã khẳng khái, ký vào lá đơn tố cáo cùng với chị Nguyệt và 4 người cán bộ nữ đang làm việc tại bệnh viện. Tuy nhiên, việc chị Oanh giữa chừng rút đơn bởi chị có nỗi khổ tâm riêng.
Thông tin từ chị Nguyệt, chị Định và chị Đông (ba cán bộ được khen thưởng vì có thành tích đột xuất trong việc tố cáo sai phạm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức) cho thấy, sau khi đơn thư được gửi, ngày hôm sau bị lộ. Những người ký trong đơn lúc đó chịu áp lực rất lớn trước "mưu đồ phá hoại" việc khiếu kiện từ nguyên Giám đốc Nguyễn Trí Liêm.
Được biết, ông Liêm đã bố trí cán bộ về tận nhà những người ký đơn để tạo áp lực lên gia đình, buộc họ phải rút đơn. Riêng chị Oanh, bệnh viện cử một cán bộ nữ về tung tin, "hành động của chị Oanh đã phá hoại tập thể, gây mất đoàn kết nội bộ, nếu không rút đơn sẽ đuổi việc".
Người nhà của chị Oanh không hiểu sự thể thực hư, đã khuyên can và tạo áp lực buộc chị rút đơn. Tâm lý người nhà chị Oanh vì sợ chị bị đuổi việc, nếu bị đuổi việc, gia đình chị rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Theo tìm hiểu, chị Oanh có hai con nhỏ, một mẹ già yếu, chồng là nông dân sức khoẻ không tốt, mọi gánh nặng và hy vọng mưu sinh đều đổ lên vai chị.
Khi cơ quan cử người về tung tin, tạo áp lực, người thân của chị vốn không hiểu bản chất vụ việc, lại hoang mang khi nghe "Oanh có thể bị đuổi việc vì viết đơn tố cáo Giám đốc", chồng chị khuyên bảo chị Oanh rút đơn. Một nguồn tin khác cho rằng, thậm chí, chị Oanh bị chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà, đành về bên ngoại tá túc.
Cũng theo chị Nguyệt, nhà ngoại cũng như chồng chị, đều cho rằng chị sai. Không cho chị Oanh tá túc, buộc chị quay lại nhà chồng và khuyên rút đơn, để còn được làm việc lâu dài. Trước áp lực tinh thần từ phía gia đình, suy nghĩ không chín chắn, chị Oanh đã lên cơ quan viết đơn xin rút đơn kiện và cam kết sẽ không cung cấp thông tin ra bên ngoài.
Hành động nóng vội đó của chị Oanh đã biến chị từ một "người hùng" trở thành bị can. Bởi, trong sai phạm tại khoa Xét nghiệm bệnh viện đa khoa Hoài Đức, theo số liệu thống kê mà chúng tôi nắm được, chị Oanh có tham gia tạo ra 18 bản xét nghiệm giả mạo.
"Tôi cho rằng, chị Oanh là một người trung thực, có công rất lớn, mong rằng pháp luật đồng cảm, khoan hồng, xét công và tội để tạo điều kiện cho chị theo đuổi sự nghiệp của mình" - chị Nguyệt chia sẻ.
Tâm sự đắng nghẹn của một "bị can"
Từ khi vụ việc sai phạm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức được báo chí phản ánh, chị Oanh hết sức hoang mang, thậm chí nhiều đêm chị thức trắng không ngủ. Qua quá trình điều tra, PV được nghe chị Nguyệt, chị Định, chị Đông chia sẻ về hoàn cảnh của chị Oanh, chúng tôi cố gắng tiếp cận với chị để lắng nghe nỗi lòng của người phụ nữ này.
Được biết, thời gian qua chị Oanh rất hoang mang, luôn thường trực nỗi sợ hãi bị đuổi việc, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi liên lạc với chị bằng điện thoại, đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ trong tâm trạng hoảng loạn. Chị Oanh chia sẻ rằng: "Giờ tôi rất yếu, tôi lo lắng và bất an. Các em muốn tìm hiểu về tôi nên gọi điện trực tiếp với chị Nguyệt, chị Định, chị Đông. Mỗi lần có điện thoai lạ gọi đến người tôi run lên. Tôi rất sợ phải đối diện với PV báo chí và người lạ. Tôi rất cảm ơn các em đã liên hệ nhưng tôi đành hẹn các em một ngày gần đây".
Chúng tôi hiểu tâm trạng của chị Oanh lúc này, chị không muốn biện minh cho hành động của mình, những gì chị phải chịu đựng trong thời gian qua là trăn trở, ân hận, dày vò, thất vọng. PV đã có cuộc gặp gỡ với anh Trung, chồng chị Oanh để tìm hiểu sâu thông tin.
Dẫu được nghe kể về chồng của chị Oanh trước đó, nhưng khi gặp, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Bởi trước mặt chúng tôi, anh Trung hiện lên với vẻ ngoài của một anh nông dân thuần phác, thật thà và có phần rụt rè. Khi hỏi những thông tin liên quan đến lý do chị Oanh rút đơn, anh Trung với vẻ ngậm ngùi, thật thà kể lại: "Thời điểm đó, bệnh viện cử người về nói rằng Oanh kiện Giám đốc. Cho rằng, đây là hành vi phá hoại cơ quan và mất đoàn kết nên tôi động viên vợ rút đơn. Tôi không nhận thức được bản chất vấn đề nên không đồng cảm với hành động của vợ mình".
Anh Trung cũng chia sẻ rằng: "Từ khi sự việc ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức diễn ra, vợ tôi nói riêng và gia đình tôi nói chung lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng. Vợ tôi lúc nào cũng ở trạng thái căng thẳng thần kinh, cơ thể suy nhược, thậm chí lo lắng quá nên phát bệnh đau dạ dày".
Để chuộc lại lỗi lầm của mình, từ ngày vụ việc sai phạm bị vỡ lở, anh Trung ở hẳn nhà, động viên vợ cố gắng ăn uống, giữ sức khoẻ, để làm việc tốt. Tất cả mọi việc trong nhà, anh Trung xung phong làm hết, thay vợ gánh vác cả chuyện bếp núc.
Nhóm PV