Ẩn ý của Trung Quốc khi mua tàu ngầm Nga

Ẩn ý của Trung Quốc khi mua tàu ngầm Nga

Thứ 3, 16/07/2013 14:28

Trong chuyến thăm Nga ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí quan trọng. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua 4 tàu ngầm lớp Lada và 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga với nhiều ý đồ sâu xa.

Bề ngoài, đây đơn thuần chỉ là một hợp đồng mua bán vũ khí. Nhưng trên thực tế, hợp đồng này có chứa nhiều ẩn ý quan trọng, được thể hiện qua các hạng mục hợp tác hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ hai nước. Qua hợp đồng này, Trung Quốc không chỉ tiến thêm một bước quan trọng trong việc hiện đại hóa quân đội, mà còn mở đường cho hai nước cùng hợp tác nghiên cứu và sản xuất trang thiết bị quân sự. Đáng chú ý, trong hai hạng mục nhập khẩu vũ khí mới từ Nga có việc Trung Quốc sẽ được sở hữu những chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên, ngoài Nga. 

Phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Lada là Amur-1650. Giống tàu lớp Kilo, tàu lớp Amur cũng chạy bằng nhiên liệu diezen-điện và được sử dụng lớp vỏ thủy âm tạo độ ồn nhỏ hơn giúp đảm bảo hoạt động cho tàu ngầm.

Tiêu điểm - Ẩn ý của Trung Quốc khi mua tàu ngầm Nga

Tàu ngầm lớp Lada do viện Viện thiết kế Rubin của Nga sản xuất.

Theo các nguồn tin từ cơ quan sản xuât loại tàu này, thiết kế của tàu lớp Lada được hoàn thành cách đây 20 năm, nhưng đến năm 2010 thì chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên mang tên St. Peterburg mới được phiên chế cho hải quân Nga chạy thử. So với tàu ngầm lớp Kilo vốn đã nổi danh trên thế giới, tàu ngầm lớp Lada hoàn thiện hơn vì đã khắc chế được những khiếm khuyết của tàu ngầm lớp Kilo.  

Mặc dù phiên bản Amur-1650 bán cho Trung Quốc kém xa so với phiên bản St. Peterburg gốc, song theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, việc Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada vẫn giúp nước này đa dạng hóa đáng kể đội tàu ngầm hiện nay để tăng thêm khả năng tấn công. Và chắc chắn các đối thủ sẽ gặp khó khăn hơn khi đối phó với các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc. Đó là chưa kể các hàm ý chính trị và kinh tế sâu sắc khác.

Thứ nhất, sắm tàu ngầm lớp Lada sẽ giúp ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc tránh nguy cơ rơi vào tình trạng khủng hoảng sản xuất.

Hiện nay Trung Quốc đang có rất nhiều lỗ hổng về trang thiết bị quân sự hiện đại. Vì vậy trước mắt, dù trong tay có tiền và nắm vững công nghệ thì nước này cũng không thể sản xuất kịp các trang thiết bị quân sự cần thiết để cung cấp cho quân đội sử dụng.

Về lâu dài, việc Trung Quốc xây dựng quá nhiều nhà máy sản xuất thiết bị quân sự vào thời điểm này cũng sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ về sau này, một khi nhu cầu trang thiết bị của quân đội đạt tới điểm bão hòa. Các nhà máy sẽ có nguy cơ đối mặt tới vấn đề dư thừa năng lực sản xuất khi các đơn đặt hàng bị thu hẹp. Viễn cảnh này không thể được xem nhẹ vì đây từng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Thứ hai, mua tàu ngầm lớp Lada của Nga - dù chỉ là phiên bản xuất khẩu được trang bị động cơ do nước ngoài sản xuất - sẽ giúp Bắc Kinh tập trung nguồn lực tốt hơn hơn cho mục tiêu phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Với các tính năng vượt trội, tàu ngầm hạt nhân đương nhiên có mãnh lực lớn hơn nhiều so với các loại tàu ngầm thông thường. Tuy nhiên, do chưa có được công nghệ thu nhỏ kích thước của tàu ngầm hạt nhân, nên về mặt nào đó cũng vẫn có những hạn chế nhất định.

Để khắc phục hạn chế này, Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu thu nhỏ lò phản ứng hạt nhân sử dụng cho các tàu ngầm. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ có thể chế tạo được tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ và giấc mộng hạt nhân hóa toàn bộ đội hạm tàu ngầm của Trung Quốc chỉ là chuyện sớm chiều. Chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc không phải bỏ ra một khoản tiền lớn để theo đuổi ngành công nghiệp sản xuất tàu ngầm thông thường vốn được cho là đã bước vào thời kỳ “hoàng hôn”.     

Thứ ba, các nước nhỏ và trung bình rất dễ có được tàu ngầm thông thường với các tính năng thấp. Các phần tử khủng bố cũng có cơ hội sở hữu những loại tàu  này mà không mất quá nhiều công sức. Trước xu thế đó, các nước lớn sẽ tăng cường hợp tác để đề phòng khả năng "phổ biến hóa" các tàu ngầm thông thường có tính năng cao. Việc Trung Quốc đầu tiên là mua, rồi sau đó tiến tới hợp tác với Nga phát triển tàu ngầm lớp Lada, cũng nằm trong tính toán đón đầu xu hướng này để giúp Bắc Kinh kiểm soát tốt hơn khả năng nhiều nước khác cũng sẽ có được loại tàu ngầm tính năng cao này trong tương lai không xa.

Theo Hà Giang (Dân trí)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.