Lãnh đạo của các quốc gia trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU) sắp tề tựu tại Lâu đài Mimi ở Bulboaca, gần thủ đô Chisinau của Moldova, để thể hiện sự đoàn kết về tài chính và chính trị với quốc gia Đông Âu nhỏ bé đang tìm cách trở thành thành viên của khối này.
Nằm kẹp giữa Ukraine và EU, đất nước Đông Âu 2,6 triệu dân này sẽ bước ra vũ đài quốc tế vào ngày 1/6 khi Cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC) nhóm họp lần thứ hai, 8 tháng sau cuộc họp đầu tiên khai mạc ở Prague, Cộng hòa Séc.
Lợi ích chiến lược của châu Âu
Ban đầu được khởi xướng bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron như một nền tảng cho sự thống nhất trên mặt trận châu Âu rộng lớn hơn, EPC tập hợp các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU, cũng như lãnh đạo của các quốc gia có lợi ích chiến lược khác nhau như Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Iceland, Serbia, Armenia và Azerbaijan.
Hội nghị Thượng đỉnh EPC lần 2 cũng có thể sẽ chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người vừa mới trở về từ chuyến công du ngoại giao tới Hội nghị Thượng Liên đoàn Ả Rập ở Ả Rập Xê-út và Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản – mặc dù kế hoạch công du của nhà lãnh đạo Ukraine không bao giờ được tiết lộ trước.
“Chúng ta sẽ cần xem ai là người có mặt trong bức ảnh, nhưng cũng cần biết ai không có ở đó”, ông Sebastien Maillard, Giám đốc Viện Jacques Delors, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels cho biết, ám chỉ bức ảnh gia đình mà các nhà lãnh đạo hay chụp trước khi bắt đầu một sự kiện nào đó.
“Đây cũng là cơ hội để chứng tỏ rằng người châu Âu có thể thảo luận về lợi ích chiến lược của họ với nhau mà không cần người Mỹ”.
Đối với bản thân Moldova, vấn đề đơn giản hơn là một cuộc tranh luận về cán cân quyền lực nằm ở đâu trong giới lãnh đạo phương Tây: Hội nghị Thượng đỉnh EPC là một sân khấu để thúc đẩy tham vọng EU của nước này, và để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Moldova không đơn độc.
“Chưa bao giờ có một sự kiện lớn như vậy trong lịch sử của Moldova”, ông Felix Hett, một chuyên gia về Ukraine và Moldova tại Quỹ Friedrich Ebert của Đức, cho biết.
“Nếu mọi việc suôn sẻ, Hội nghị Thượng đỉnh sẽ là một sự kiện quảng cáo cho Moldova, một bằng chứng về những gì mà quốc gia nhỏ bé này có thể đạt được”, ông Ebert nói với AFP.
Moldova không đơn độc
Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ là an ninh và nguồn cung năng lượng, vốn đã được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) tài trợ một phần. Trong những năm qua, EBRD đã bơm tổng cộng 2 tỷ Euro vào nền kinh tế Moldova và giúp quốc gia nghèo nhất châu Âu đảm bảo nguồn cung khí đốt.
Năm ngoái, EBRD đã đầu tư 525 triệu Euro – một khoản đầu tư tương đương 4% GDP của Moldova. Đây là mức đầu tư kỷ lục và tăng gấp 5 lần so với năm 2021.
EBRD cũng đã cho Chính phủ Moldova vay 300 triệu Euro để đa dạng hóa nguồn cung nhằm giúp nước này thoát phụ thuộc vào Nga về khí đốt.
“Moldova có thể tiếp tục tin tưởng vào EU. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Moldova, kể cả về mặt tài chính. Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi có thể tăng gấp đôi số tiền tài trợ cho Moldova”, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson cho biết trong một tuyên bố hôm 30/5, chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh EPC diễn ra. Thụy Điển đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.
Ngoài ra, EU đang cung cấp 87 triệu Euro viện trợ hậu cần phi quân sự với một phái bộ dân sự đóng ở thủ đô Chisinau, theo lời mời của Moldova. Phái bộ bao gồm 50 quan chức bắt đầu hoạt động từ ngày 30/5, với mục đích xây dựng khả năng phục hồi của đất nước trước thông tin sai lệch và tấn công mạng, với sự hỗ trợ ở cấp độ chiến lược và kỹ thuật.
Trong 2 năm hoạt động ở Moldova, phái bộ này sẽ bổ trợ cho một trung tâm hiện tại của EU đang cung cấp hỗ trợ trong 6 lĩnh vực chính, bao gồm phòng chống buôn người, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm mạng và buôn bán ma túy.
Tuần trước, Thủ tướng Moldova, Dorin Recean cho biết trước xung đột ở Ukraine, Moldova phụ thuộc 100% vào khí đốt Nga. Ông nói: “Ngày nay Moldova có thể tồn tại mà hoàn toàn không có khí đốt tự nhiên hay điện từ Nga”.
Còn Tổng thống Moldova Maia Sandu dự kiến sẽ sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh EPC để thúc đẩy quá trình gia nhập EU của đất nước, điều mà bà coi là sự đảm bảo duy nhất để không trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga.
“Chúng tôi tin rằng Nga sẽ tiếp tục là một nguồn bất ổn lớn trong những năm tới và chúng tôi cần phải tự bảo vệ mình”, bà Sandu nói bên lề một hội nghị của Hội đồng Châu Âu ở Iceland hôm 17/5.
“Chúng tôi tin rằng tư cách thành viên EU là một dự án thực tế đối với chúng tôi và chúng tôi rất mong điều này xảy ra càng sớm càng tốt”, bà nói thêm.
Năm ngoái, Ukraine và Moldova đã giành được tư cách ứng cử viên chính thức để gia nhập EU cùng với Georgia, nhưng quá trình gia nhập có thể mất nhiều năm để hoàn thành.
Minh Đức (Theo Digital Journal, The Guardian)