Trong số các hệ điều hành máy tính để bàn và điện thoại di động góp mặt trong danh sách 50 hệ điều hành dễ tổn thương nhất năm ngoái, Android đứng đầu bảng với 523 lỗ hổng dễ bị tổn thương. Trong khi đó, iOS đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng với 161 lỗ hổng. Điều này trái ngược với năm 2015, khi mà iOS là hệ điều hành dễ bị tổn thương nhất với tổng cộng 387 lỗi so với 125 của Android. Năm đó, iOS đứng ở vị trí thứ nhì trong khi Android thứ 15.
Số liệu được tổng hợp dựa trên thông tin thu thập được của hãng nghiên cứu CVE Details, có nghĩa năm ngoái là một năm xui xẻo với các thiết bị Android khi chúng bị hack nhiều hơn bất cứ hệ điều hành di động nào khác. Một lỗ hổng dễ bị tổn thương là một lỗi trong hệ điều hành mà hacker có thể lợi dụng để khiến thiết bị (như smartphone) làm theo ý muốn của hacker đó. Nó bao gồm việc để lộ thông tin quan trọng vào tay hacker như tên liên lạc, tin nhắn, cuộc gọi, số IMEI, mật khẩu, truy cập tới ứng dụng và vv…
Cũng nằm trong số top 50 hệ điều hành dễ bị tổn thương nhất năm ngoái là watchOS của Apple, hệ điều hành trên Apple Watch. Hệ điều hành đồng hồ thông minh này xếp ở vị trí 35 với 77 lỗ hổng.
Là 2 hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, dễ hiểu vì sao Android và iOS thay nhau giữ các vị trí top trong bảng xếp hạng những năm qua.
Anh Thư theo Phonearena