Lần đầu tiên trong năm, phiên bản mới nhất Jelly Bean (4.1 và 4.2) chiếm lĩnh tỉ trọng lớn nhất trong hệ sinh thái Android với 37,9%, xếp ngay sau đó là phiên bản 2.3 – Gingerbread với 34,1%. Việc phiên bản mới nhất chiếm vị trí đầu bảng chứng tỏ các thiết bị chạy Android đã cập nhật nhanh hơn, người dùng hướng đến cái mới nhiều hơn. Nhưng vẫn tồn tại những vấn đề về “sự phân mảnh” – điều làm đau đầu mọi nhà phát triển hệ điều hành.
Biểu đồ tỉ lệ thiết bị chạy các phiên bản hệ điều hành Android
Hãy cùng nhìn lại một chút bảng xếp hạng các phiên bản được sử dụng nhiều nhất của Android. Chúng ta có thể thấy, xếp hạng 2 về sự phổ biến chính là phiên bản 2.3 Gingerbread được ra đời cách đây hơn 2 năm. Trong khi phiên bản 4.0 Ice Cream Sandwich mới hơn, chỉ chiếm 23,3%. Điều này chứng tỏ rằng vẫn còn rất nhiều sản phẩm chạy Android đang phải “bằng lòng” với các phiên bản hệ điều hành thấp hơn, cũ hơn. Không phải người dùng không muốn nâng cấp, đơn giản là sự giới hạn của phần cứng thiết bị và các hãng sản xuất đã “đem con bỏ chợ”, không hỗ trợ “lên đời” cho sản phẩm mình bán ra.
Những nguyên nhân chính gây ra sự phân mảnh của Android
1. Phân mảnh các phiên bản hệ điều hành
Gingerbread với 34,1% - chiếm hơn 1/3 và là phiên bản phổ biến thứ 2 của Android vẫn đang chiếm vị trí quan trọng với các nhà phát triển. Bởi cũng như Win XP của Microsoft, mặc dù đã cũ kỹ nhưng việc phổ biến quá rộng rãi khiến Microsoft (hay Google với Android) vẫn phải dành sự quan tâm đặc biệt, dù rất muốn loại bỏ để tập trung hướng người dùng vào các phiên bản mới hơn.
Android đang có nhiều phiên bản hệ điều hành khác nhau
Chưa kể còn đó những thiết bị đang chạy các phiên bản khác của Android như bản 2.2 Froyo với 3,1%; bản 4.0 Ice Cream Sandwich với 23,3%... Android của Google chắc chắn không thể bỏ rơi tất cả người dùng này được. Vì thế, các nhà phát triển phần mềm mỗi lần muốn tung cập nhật đều phải đảm bảo tính hoạt động ổn định trên nhiều nền tảng và các thiết bị khác nhau – một điều quá khó!
2. Sự phân mảnh về phần cứng
Nghe có vẻ không “ăn nhập” gì lắm khi đang phân tích về Android – một hệ điều hành. Nhưng nếu chúng ta cùng suy ngẫm kỹ hơn một chút, sẽ thấy các vấn đề có mối quan hệ khá chặt chẽ. Nếu như thiết bị đầu tiên chạy Android - chiếc T-Mobile G1 của HTC được trang bị đầy đủ bàn phím QWERTY đi kèm 5 phím bấm cứng và một Trackball thì giờ đây, điện thoại hầu như chỉ còn màn hình cảm ứng và phím ảo. Sự thay đổi nhanh chóng của các thiết bị về thiết kế phần cứng khiến cho chúng phân mảnh và làm khó các hệ điều hành.
HTC T-Mobile G1 - samrtphone đầu tiên chạy Android ra mắt năm 2010
Hiểu một cách đơn giản, với con chip ARM và một bộ code lập trình riêng cho thiết bị này, bạn không thể áp dụng bộ code đó lên các thiết bị chạy chip của Intel. Chưa kể, sự phát triển như vũ bão của card màn hình, chip vi xử lý… đã sản sinh nhiều smartphone “khủng” hơn, nhanh hơn, yêu cầu hệ điều hành mới để hỗ trợ và khai thác hết các tính năng phần cứng. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi thấy chiếc điện thoại được gọi là “siêu phẩm” 2011 lại không thể nâng cấp lên phiên bản hệ điều hành Android của năm 2013. Sự phân mảnh Android bắt đầu từ phân mảnh thiết bị được ra đời như vậy đấy.
3. Không được hỗ trợ tốt từ nhà sẩn xuất
Có lẽ đây là nguyên nhân khá lớn nữa về vấn đề phân mảnh trên nền tảng Android. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là dòng Nexus của chính Google – “mẹ đẻ” của hệ điều hành Android.
Có quá nhiều sản phẩm chạy Android được sản xuất và khôgn nhận được hỗ trợ từ nhà phát hành
Nexus là dòng điện thoại được Google chọn hợp tác với các tên tuổi lớn như HTC, LG hay Samsung để sản xuất và được coi là “thuần Android” nhất, được hỗ trợ tốt nhất. Thế nhưng, phiên bản đời đầu – Nexus One ra mắt năm 2010 đã “mắc kẹt” ở Android 2.3 và rất có thể Nexus S sẽ “ở lại” với Android 4.1.2 mà không thể “leo cao” hơn được nữa. Chính “con đẻ” của Google còn không thể lên các phiên bản hệ điều hành cao hơn, dù rằng ra đời không phải quá lâu. Đây cũng là điểm khiến Android phân mảnh nhiều hơn iOS khi hệ điều hành của Apple đạt 22% thiết bị cập nhật iOS 6 chỉ sau 36 giờ và sau 1 tháng, con số này là 61% - minh chứng cho việc Apple và iOS hỗ trợ thiết bị cũ tốt hơn rất nhiều.
Những tín hiệu vui
Phân tích để thấy Android phát triển nhanh, mạnh nhưng vẫn còn đó những vấn đề nội tại như sự phân mảnh giữa các phiên bản. Nhưng đó không hẳn là một tin xấu. Bởi lẽ Google khác với Apple, và Android rất khác iOS. Có thể hình tượng hóa Android là dành cho mọi người còn iOS thì “sang chảnh” và khép kín hơn. Nói vậy vì bản chất Android là nền tảng mã nguồn mở, hướng đến mọi đối tượng người dùng, chứ không đóng khung ở cấp cao như iOS với iPhone, iPad – những sản phẩm luôn đắt giá ở thời điểm ra mắt.
Chính yếu tốt phân mảnh đem đến sự đa dạng và chiến thắng cho Android trước iOS của Apple
Android phân mảnh cũng một phần vì sự “mở” của nó. Các hãng sản xuất có thể tùy biến để cho ra đời các thiết bị thuộc mọi phân khúc thị trường, từ bình dân, trung đến cao cấp. Chính sự “phủ sóng” rộng khắp như vậy mà Android đã “đánh chiếm” thành công vị trí số 1 của nền tảng iOS và trở thành hệ điều hành phổ biến nhất.
Suy cho cùng, càng phân mảnh, càng chứng tỏ sự đa dạng và rộng khắp của Android, minh chứng cho thành công của Google. Vì thế, có lẽ trong tương lai gần, Google vẫn sẽ tiếp tục “khuyến khích” sự phân mảnh này, nhân tố đã và đang đem lại vị thế số 1 cho chính Android.
Thu Hằng