Nội dung bài viết ny, tôi không bàn về bản chất của Android dưới con mắt của lập trình viên. Bài viết của tôi sẽ xoay quanh vấn đề: (Android) - The Good or The Ugly (Người tốt hay kẻ vô lại?).
THE GOOD
Điểm đáng yêu nhất (những thành tựu lớn nhất) mà Android mang lại theo tôi, có 2 điểm: Phổ cập smartphone cho thế giới và đặc biệt là ngăn chặn sự đỏng đảnh của Apple.
Phổ cập smartphone:
“Android chiếm 75% thị phần điện thoại thông minh trên toàn thế giới vào thời điểm quý 3 năm 2012,với tổng cộng 500 triệu thiết bị đã được kích hoạt và 1,3 triệu lượt kích hoạt mỗi ngày. Sự thành công của hệ điều hành cũng khiến nó trở thành mục tiêu trong các vụ kiện liên quan đến bằng phát minh, góp mặt trong cái gọi là "cuộc chiến điện thoại thông minh" giữa các công ty công nghệ".
Những con số thống kê luôn nói lên nhiều điều về lý tính và trong trường hợp này thì nó cho thấy Android đã, đang và sẽ phổ biến như thế nào.
Không bàn rành mạch đến việc Android đã thay đổi thế giới ra sao, có hai điều Android mang lại mà ta thấy rõ : thay đổi cách thức tương tác của cộng đồng và tạo ra những nhà máy sản xuất smartphone khổng lồ.
Cùng đọc và nghĩ lại xem các bạn giờ đây dùng điện thoại như thế nào? Không chỉ để sử dụng những tính năng thông thường, các bạn bây giờ sử dụng điện thoại với chủ yếu là các kết nối dựa trên các ứng dụng Internet. Chỉ 5 năm trước, để có thể thực hiện các tác vụ liên quan đến internet một cách mượt mà, này bạn cần phải dùng đến những chiếc điện thoại với giá cả “1-2 chỉ vàng”. Còn giờ đây, hai tay hai súng là chuyện thường ở huyện: một em máy cỏ nghe gọi nhắn tin (pin trâu sóng khỏe), một em cảm ứng (Android) tối thiểu tầm 2 triệu chuyên để lướt web, check facebook, chém dưa.
Có được điều này, Android thực sự đã đóng góp quá to lớn. Trong những năm đầu phát triển, Google đã chấp nhận đánh đổi lợi nhuận để lấy sự phổ biến, có thể đây là bước đầu trong lộ trình kinh doanh chiến lược của Google nhưng có 1 điều rõ ràng là thế giới đã hưởng lợi từ Google . Nhìn lại bây giờ, sau 5 năm, Android (Google) đã làm 1 tỷ người tương tác được với internet theo đúng nghĩa đen. Hơn 250 triệu người dùng truy cập vào Facebook thông qua thiết bị di động Android trên 200 nhà khai thác dịch vụ di động ở 60 quốc gia, 200 triệu bức ảnh được tải lên internet mỗi ngày thông qua các ứng dụng Android…. Những con số cho thấy Google (Android) đã làm được gì.
Android đã bình dân hóa giá smartphone, phổ cập ứng dụng ( hơn 900.000 ứng dụng –hầu hết là miễn phí với khoảng 27 tỷ lượt tải trên PlayStore). Đã thay đổi cuộc sống của con người theo hướng tích cực. Họ mang lại một hệ điều hành mã nguồn mở, giá rẻ và trên hết là hoạt động rất tốt.
Sẽ là thiếu sót nếu ta không liên hệ sự tăng trưởng của Facebook với Android (có mức tăng trưởng khá tương đồng). Nhưng nếu ta liên hệ với sự tăng trưởng của Samsung, HTC, LG, HuaWei, ZTE,… thì Android chính là sự biện chứng trần trụi nhất cho vị thế hiện tại của họ.
Tôi chưa bao giờ coi Samsung hay HTC là 1 hãng công nghệ (theo tôi,trên thế giới chỉ có 5 hãng công nghệ thực sự: Microsoft, IBM, Oracle, Google, Apple). Samsung , LG hay HTC chỉ là những TẬP ĐOÀN GIA CÔNG SMARTPHONE CÓ TƯ DUY, còn HuaWei hay ZTE thì là những hãng LẮP RÁP SỰ CÓP NHẶT. Hiện nay,Samsung đang dẫn đầu về số lượng smartphone bán ra và tạo một khoảng cách khá an toàn với phần còn lại. Và toàn bộ lượng smartphone họ bán ra thì Android chiếm đến 99.9%. Tại sao việc tạo ra nhiều công ty sản xuất lớn lại tuyệt vời? vì nó sẽ tạo sự cạnh tranh và khi có sự cạnh tranh thì chúng ta sẽ được hưởng lợi nhiều thứ mà rõ ràng nhất là giá cả.
2 điều này chính là điểm vượt trội của Android (Google) so với iPhone (Apple)
Ngăn chặn thành công sự đỏng đảnh của Apple
Hay nói đúng hơn, Android đã làm Iphone “phải” thân thiện hơn và không cho Iphone bành trướng sự độc quyền. Như bài viết trước của tôi nói về Apple, về sự nổi trội thực sự của nó. Sẽ như nào nếu không có Android??? Chắc chắn là 1 điều tồi tệ sẽ xảy ra : sự độc quyền. Iphone (Apple) SINH RA ĐỂ LÀM KẺ DẪN ĐẦU CÒN ANDROID (GOOGLE) CHÍNH LÀ SỢI XÍCH QUẤN QUANH CỔ CỦA IPHONE (APPLE) . Thời điểm Iphone khai sáng cho thế giới smartphone: Blackberry OS đang cho thấy sự khiếm quyết về đa phương tiện, Symbian thì đang già cỗi, Window Mobile thì vẫn đang loay hoay tìm cách bỏ cả chiếc máy tính vào túi quần. Android ban đầu được gắn với sứ mệnh: Sát thủ Iphone. Nhiệm vụ này thất bại hoàn toàn nhưng nó không bị giết chết mà tồn tại dưới vị thế: ĐỐI THỦ IPHONE. Và Android vẫn đang là đối thủ làm Apple run sợ nhất. Cứ thử nhìn vào doanh số và ngắm nhìn những siêu phẩm Android mà xem. Dường như Android đang bắt đầu làm Iphone “lão hóa”. Iphone (Apple) có đẳng cấp riêng biệt của họ, nhưng các ngân hàng lại đang ưu tiên chăm sóc các nhà sản xuất Android và Google tận tình hơn.
Nhìn vào báo cáo tài chính của Apple một năm qua, vấn đề đã xuất hiện: không giữ được sự tăng trưởng. Vậy tỉ lệ giảm tăng trưởng ấy rơi vào tay ai? Windows Phone với 3% , BB10 với chỉ tiêu vượt qua Windows Phone??? Không ai khác chính là Android.
Android (Google) đang đối mặt với mặt trái của tính “mở” là sự “phân mảnh”, nhưng sự phân mảnh này lại làm cho các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu liên quan đến Android có tài sản lũy tiến hàng ngày.
Mọi người đã kì vọng cao và có phần hơi khắt khe với Android khi muốn BẢN SẮC HÓA ANDROID hơn, (Iphone hay Blackberry đến nay vẫn luôn tự hào về điều này). Nhưng mọi người đã quên rằng “mở hoàn toàn” rồi thì lấy đây ra bản sắc? Bản sắc của cảm ứng đang ở trong tay Apple rồi, quên khái niêm đấy ở Android đi. Google đã chấp nhận đánh đổi và họ đã có được kết quả xứng đáng.
THE UGLY
Trích dẫn: Steve Jobs với Android
Steve Jobs đã chỉ trích nặng nề hệ điều hành Android, nói ông muốn bỏ ra hơi thở cuối cùng của mình phá hủy Android vì nó đã là một bản sao của hệ điều hành iOS. Ông đã kết tội Google là “kẻ ăn cắp lớn” (Grand Thieft).
“Tôi sẽ bỏ ra hơi thở tàn cuối cùng của mình nếu tôi cần, và tôi sẽ bỏ ra mỗi đồng xu trong 40 tỷ USD của Apple trong ngân hàng, để sửa cho đúng thứ sai trái này”, Jobs nói. “Tôi sẽ phá hủy Android, vì nó là một sản phẩm ăn cắp. Tôi muốn đi tới cuộc chiến tranh nhiệt hạch về điều này”.
Jobs đã nói cho Walter Isaacson rằng ông đã rất cáu giận ki HTC giới thiệu một điện thoại mới dựa trên Android vào tháng 01/2011 với tính năng cảm ứng và nhiều tính năng nổi tiếng khác của iPhone. Apple sau đó đã kiện Google. Steve Jobs từng không quan tâm tới việc dàn xếp một vụ kiện, trong một cuộc gặp với Eric Schmidt (CEO của Google lúc đó) và ông đã nói với Schmidt:
“Tôi không muốn tiền của ông. Nếu ông chào tôi 5 tỷ USD, tôi cũng sẽ không muốn, tôi có rất nhiều tiền. Tôi muốn ông dừng việc sử dụng những ý tưởng của chúng tôi trong Android, đó là tất cả những gì tôi muốn”.
Sự cay nghiệt Steve Job giành cho Android hoàn toàn không chỉ là sự ngạo mạn của ông, đó thực sự là biểu hiện tình yêu ông dành cho những thứ mà ông đã cống hiến cả tâm lực, trí lực, sức lực để gây dựng.
Muốn hay không vẫn phải thừa nhận : Android chính là kẻ sao chép IOS.
Nhưng Google không phải là kẻ sao chép tầm thường, họ là kẻ sao chép có chiến lược và có năng lực.
Nói đúng hơn, Google đã cố mô phỏng IOS theo tư duy của họ, họ không hoàn toàn thành công trong việc tạo ra một hệ điều hành tân tiến vượt trội, nhưng họ đã thực sự tạo ra một phiên bản IOS MỞ và đưa nó cho các nhà sản xuất và họ đã thành công. Bây giờ đây, Android cung chỉ tiệm cận được IOS về tính năng hay hiệu năng (không thể vượt qua) nhưng xét về những gì họ đem lại trên giá đưa đến tay người tiêu dùng thì phải dùng cụm từ : Lấy thịt đè người . Đúng trên suy nghĩ của những người thực sự đam mê nghiên cứu và trân trọng những thành quả của họ (Apple) thì Google thực sự đã chơi bẩn, không biết mục đích cuối cùng, cao nhất của Google có phải là kinh doanh hay không (nếu có thì họ đã đạt được) nhưng việc kiếm tiền trên những thứ sao chép trái phép quả thật là đáng BỊ KIÊN.
Để thấy rõ hơn bóng dáng của IOS, bạn có thể điểm lại sự “tiến hóa” của Android
Hãy nhìn những sản phẩm đầu tiên của Samsung khi họ bắt đầu sử dụng Android. Chính xác đó là 1 sự ăn cắp ý tưởng trắng trợn. Samsung là 1 tiêu biểu của sự cuồng thị của Android (Google) với IOS
Mọi người có thể khó chịu với thói quen kiện tụng của Apple nhắm vào Android (vì mọi người sử dụng Android nhiều) nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, tại sao Apple chỉ nhắm kiện Android nhiều nhất? Chính bản thân Android (Google) đã tạo ra cái cớ đó. Xét một cách tích cực, Apple chỉ đang cố bảo vệ những thứ do họ tạo ra. Apple đang TỰ VỆ. Và Google có lí do để bị Apple khinh bỉ.
Điểm lại một chút, bao nhiêu hãng công nghệ đã kiện Android ( Google) trong 5 hãng công nghệ tôi đề cập đến ở đầu bài viết, chỉ có IBM là chưa có vụ kiện nào với Google ( vì Apple đã mua lại rất nhiều bằng sáng chế của IBM ngay khi họ phát hiện có nguy cơ bị kiện), trong số những nhóm kiện tụng thì Apple là tích cực nhất. Có thể Apple cũng đang là bị cáo, nhưng hãy nhìn lại cái cách mà Apple bị kiện : Binh đoàn Android mua lại các bằng sáng chế từ các hãng khác rồi quay lại kiện Apple trong khi Apple dùng những bằng sáng chế của họ phát minh ra để kiện. Đến đây Google đã thấy rõ độ “dơ” , dơ bẩn trong chiến thuật, nhưng già dơ trong kinh doanh.
Chưa bao giờ tôi nghĩ Apple coi việc kiện tụng nặng về mặt chiến lược kinh doanh. Hãy nhìn cái đích mà họ nhắm đến trong mỗi vụ kiện: không phải là cái giá đền bù hợp lí mà là 2 mục đích sau: 1. Lệnh cấm bán ; 2. Một mức giá đền bù không tưởng mang năng mục đích triệt tiêu. Chưa bao giờ Apple đồng ý với các biện pháp thỏa hiệp như các hãng khác kiện Google.
Mặc dù xuất phát điểm là một sự sao chép đúng nghĩa và cho đến hiện tại Android ( Google) vẫn đang cố gắng để thoát khỏi cái bóng của Iphone. Nhưng Google thực sự là 1 kẻ sao chép tuyệt vời với người tiêu dùng, họ sao chép ban đầu thì trắng trợn, máy móc nhưng giờ đây, họ lại đang hoàn thiện sản phảm sao chép của mình từng ngày bằng chính chất xám của họ. Đây là một điều rất đáng trân trọng.
Và mặc cho Google và Apple đối đầu, đứng trên bình diên người tiêu dùng thông minh, tôi luôn mông cuộc chiến này gay gắt hơn và tựu chung lại, chúng ta vẫn là người được lợi.
Google hay Apple cũng chỉ là những công ty thương mại, ko bàn đến đạo đức kinh doanh hay lương tâm nghề nghiệp thì cái họ mong muốn vẫn là bán được hàng, Hay đúng hơn, Google & Apple là những tập đoàn để tạo nên những công cụ mới phục vụ khách hàng như chúng ta và khách hàng thì là Thượng Đế.
Tuy nhiên, đừng để lí trí của Thượng Đế bị thương hiệu nào chi phối.
Thu Hằng