Trong đơn từ chức, ông Wolfson nêu nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyết định của mình là nhằm phản đối bê bối tiệc tùng của Thủ tướng Johnson cùng nhiều thành viên nội các khác.
Theo ông Wolfson, việc Thủ tướng Boris Johnson tham gia tiệc tùng giữa lúc Anh phong tỏa phòng dịch đã vi phạm các quy tắc cơ bản của pháp luật, trong khi ông Wolfson coi đây là kim chỉ nam cho mọi quyết định của mình.
Ông Wolfson cho rằng, đặt trong bối cảnh tất cả người dân Anh đều phải hy sinh lợi ích cá nhân để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, sẽ là sai trái nếu hành động trên của Thủ tướng Johnson được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm theo quy định tại Hiến pháp.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson, phu nhân Carrie Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak bị cảnh sát xử phạt hành chính vì tham gia các buổi tiệc cùng nhiều thành viên chính phủ khác trong giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2021, khi nước Anh đang tiến hành phong tỏa chống dịch Covid-19.
Cảnh sát Anh cho biết đã ra hơn 50 quyết định xử phạt với những người tham gia các buổi tụ tập tại văn phòng và nơi ở của ông Johnson.
Hồi cuối tháng 1, cảnh sát Anh thông báo mở một cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc Phủ Thủ tướng mở tiệc giữa lúc cả nước đang phong tỏa chống dịch.
Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi ông Johnson thừa nhận tham gia bữa tiệc đông người tổ chức tại chính Văn phòng Thủ tướng Anh vào tháng 5/2020, thời điểm nước Anh đang phong tỏa để chống dịch.
Vụ việc càng khiến người dân phẫn nộ khi truyền thông đưa tin, cùng ngày diễn ra bữa tiệc, Chính phủ Anh tổ chức một cuộc họp báo trên truyền hình để nhắc nhở người dân tránh tụ tập đông người để ngăn dịch lây lan.
Theo ITV News, tới tháng 6/2020, ông Johnson và phu nhân tiếp tục tham dự một bữa tiệc bất ngờ với hơn 30 người tham dự tại Phố Downing. Thời điểm này, các cuộc tụ tập trong nhà vẫn bị cấm.
Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng đã yêu cầu cả ông Johnson và ông Sunak từ chức vì vấn đề này. Chính trị gia đối lập cũng đặt câu hỏi về sự trung thực và tính liêm chính của người đứng đầu chính phủ.
Giới quan sát nhận định, vụ việc cũng có thể làm dấy lên các đồn đoán về vai trò lãnh đạo của ông Johnson khi ông từng phải đối mặt với sự phản đối từ chính đảng của mình vào thời điểm bê bối vỡ lở hồi đầu năm. Một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ từng tuyên bố, ranh giới sẽ bị vượt qua khi cho phép thủ tướng tiếp tục tại vị nếu ông bị phát hiện phạm luật.
Trong khi đó, theo một khảo sát nhanh mới được thực hiện của YouGov, một công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu có trụ sở tại London, 57% người dân Anh khi được hỏi đều cho rằng ông Johnson nên từ chức vì bê bối này.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, VOV, VietNamNet)