Vợ ông, bà Trần Thị Ý- người phụ nữ Hà Nội mang vẻ đẹp thanh lịch- luôn thầm lặng vun vén hạnh phúc gia đình, hỗ trợ chồng hoàn thành nhiệm vụ và dành trọn tâm huyết cho nền báo chí nước nhà.
Cuộc gặp gỡ của chàng tú tài và nữ sinh Hà Nội
Nhà báo Trần Lâm, tên thật là Trần Quảng Vận (SN 1922), quê ở xã Đoàn Tùng, Thanh Miện, Hải Dương, một vùng quê nổi tiếng về hiếu học và truyền thống Cách mạng. Ông nguyên là ủy viên Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, V; chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam và giữ cương vị phó chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1983 đến 1989.
Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Trần Quảng Vận ra Hà Nội, thi đỗ vào trường Bưởi. Nức tiếng bởi sự hiếu học, lòng yêu nước, ông cùng với một nhóm sinh viên trí thức tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố làm chủ tịch. Được giác ngộ Cách mạng, ông tham gia vào hội truyền bá Quốc ngữ, tham gia đội Tuyên truyền xung phong nội thành của tổ chức Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tại cuộc mít tinh ngày 17/9/1945, ông là một trong số đội viên Đội tuyên truyền xung phong nội thành Hà Nội của mặt trận Việt Minh đã treo cờ đỏ sao vàng cực lớn từ cửa sổ tầng hai Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hồi còn là sinh viên, Trần Lâm đã để ý đến cô nữ sinh trường Thăng Long xinh đẹp Trần Thị Ý. Cô Ý là con gái của một gia đình tiểu tư sản sớm giác ngộ Cách mạng. Đoạn đường từ nhà đến trường Thăng Long, cô Ý thường đi ngang qua số nhà 86 Hàng Gai. Một buổi chiều, cô Ý vô tình nhìn lên hành lang gác hai của căn nhà, bắt gặp nụ cười của chàng thư sinh khiến trái tim rung động. Trần Lâm đã mến thương người con gái phố cổ, nhưng chỉ dám đứng xa và đi theo gót chân nữ sinh xinh đẹp từ trường về nhà mà không dám lại gần bắt chuyện.
Một tháng sau, cô Ý nhận được một lá thư từ tay người em trai của Trần Lâm. Trong thư, Trần Lâm thừa nhận đã bị ngay từ lần đầu tiên gặp mặt và xin được…dạy học cho cô. Thế là chủ nhật hàng tuần, anh tú tài Trần Lâm lại đến nhà cô Ý để dạy toán. "Ông ấy gọi tôi là người mắt trứng, bởi đôi mắt to tròn, đen lay láy của tôi. Mối tình không có một lần hẹn hò đi chơi riêng nhưng rất bền vững. Anh Lâm được lòng hai cụ lắm nên lúc nào đến nhà, anh cũng được bố tôi mời ra trò chuyện, hỏi han. Chính vì thế, tình yêu của chúng tôi cũng thuận buồm xuôi gió", bà Ý kể lại.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, Trần Lâm là một trong những thanh niên tham gia tích cực nhất. Ông cũng là hạt nhân trong số ba người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách thành lập Đài phát thanh quốc gia. Cơ sở vật chất ban đầu của đài chỉ là một vài chiếc máy tăng âm, micro, máy phát sóng bằng tín hiệu mod với công suất nhỏ cũ kỹ. Đúng 11h30 trưa ngày 7/9/1945, giọng xướng của hai phát thanh viên đầu tiên là Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân cất lên trên nền nhạc bài hát Diệt phát-xít của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi chào mừng sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam trong chiến sự ngàn cân treo sợi tóc. Ngày 29/12/1946, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Lâm, Đài đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân dân Thủ đô, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp quay lại xâm lược.
Vừa hoạt động Cách mạng, sợi dây tình cảm của Trần Lâm và cô Ý vẫn bền chặt. Hai người dự định sẽ tổ chức đám cưới vào đầu năm 1947. Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đài phát thanh chuyển địa điểm công tác lên căn cứ Việt Bắc. Trần Lâm phải tập trung cho hoạt động của Đài, kế hoạch đám cưới hoãn lại. Quần áo, chăn màn, đồ dùng cho cuộc sống riêng đã chuẩn bị cũng được cô gói lại và sơ tán cùng gia đình về Thanh Oai, Hà Tây cũ.
Đầu năm 1948, nhân chuyến anh Lê Hồng Giang, chánh văn phòng của Đài thường xuyên xuống Hà Nội mua các thiết bị, vật dụng cho việc đưa tin, phát sóng, Trần Lâm gửi một bức thư cho cô Ý. Trong thư, Trần Lâm bàn kế hoạch đám cưới, sau đó, hai vợ chồng chuyển lên sống ở Việt Bắc. Đám cưới của họ được tổ chức vào cuối tháng 5/1948, tại nơi sơ tán của cô Ý trong bốn ngày phép ngắn ngủi của Trần Lâm.
Vừa cưới xong một ngày, hai vợ chồng trẻ dắt nhau lên Việt Bắc. Tuần trăng mật của hai người là 12 ngày ròng rã trên chiếc xe đạp cũ kỹ, tài sản giá trị nhất là hai bộ quần áo cưới. Lúc đó, để che mắt quân địch, các tuyến đường mòn đều được rải cỏ, hai vợ chồng vừa đi vừa mò mẫm dò đường. "Dù vất vả nhưng chuyến đi đó để lại nhiều ấn tượng nhất. Khi đi vào rừng, ngang qua một vườn ổi sum suê quả, anh Lâm dừng xe để tôi hái ổi bỏ vào túi mang đi. Ba lô đã nặng, túi ổi còn nặng hơn, nhưng biết tôi thích ăn, anh hái thật nhiều để tôi ăn dần", bà Ý xúc động nhớ lại.
Hậu phương vững chắc
Lên đến Việt Bắc, bà Ý vào công tác tại Đài Tiếng nói, làm phát thanh viên phụ trách khâu nhận tin và đọc chậm vào buổi sáng để các nơi ghi phát lại. Suốt 30 năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Ý luôn nỗ lực để vừa công tác tốt, vừa làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác. Năm 1950, bà Ý mang thai con gái đầu lòng. Do thường xuyên phải đi công tác không thể sát cánh bên vợ, ông cậy nhờ bác sỹ Trần Duy Hưng chăm sóc.
Con gái Ngọc Dung chào đời sớm một tháng, Bác Hồ đến thăm hỏi, tặng hai vợ chồng một chiếc màn the che muỗi. Hai năm sau, cô con gái Kim Thu chào đời. Năm 1954, bà Ý sinh thêm cậu con trai kháu khỉnh, Trần Lâm đặt tên con là Trần Điện Biên để kỷ niệm tròn một tháng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi gia đình chuyển về Hà Nội, năm 1958, bà Ý sinh thêm cậu con trai út Trần Bình Minh.
Cả bốn lần, bà Ý vượt cạn đều không có chồng bên cạnh. Khó khăn là thế nhưng khi chồng gọi điện thăm hỏi tình hình, bà đều bảo ở nhà yên ổn. Ngày ở Việt Bắc, cuộc sống của gia đình còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Ba lần Đài chuyển địa điểm làm việc từ CAT trong ra CAT ngoài, Bản Đung và hồ Ba Bể (Bắc Kạn) vừa đảm bảo bí mật, vừa an toàn cho người và máy móc, bà lại bế con, cùng đoàn chuyển đi. Ở Yên Sơn (Tuyên Quang), tập thể nuôi gà, ở hồ Ba Bể, mọi người cải thiện bằng những bữa cơm có cá ngọt câu ở hồ. Mấy đứa con nheo nhóc, chồng thường xuyên vắng nhà, không ai nghĩ, cô phát thanh viên nhỏ nhắn, mảnh mai và yếu đuối như thế vẫn cáng đáng được cả gia đình. Làm được 13 năm thì bà Ý bị hỏng thanh quản, có nguy cơ bị mất tiếng nếu không được chữa trị kịp thời. Với người phát thanh viên, hỏng thanh quản coi như phải từ giã sự nghiệp. Bà Ý nghỉ làm chữa trị 2 năm rồi nghỉ hẳn để ở nhà chăm con. Đó là vào năm 1979.
Công việc của ông đòi hỏi tính bí mật cao, bà Ý rất tế nhị khi hỏi về công việc của chồng. Mọi việc trong gia đình, ông luôn nhận được sự chia sẻ thầm lặng từ phía vợ. Năm 1988, nhà báo Trần Lâm về hưu.
Năm 2011, nhà báo Trần Lâm qua đời. Bà Ý hụt hẫng một thời gian. Ước nguyện cuối cùng của bà là làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời hoạt động của chồng và bộ phim này đã chính thức ra mắt cách đây chưa lâu. Trong căn phòng ở số 5 Trần Phú, con cháu của ông bà vẫn thường xuyên quần tụ đông vui. Bà nhắc lại chuyện cũ cho các cháu nghe, như cổ tích của tình yêu một thời…
Hồi ức về "cuộc hẹn hò kỷ lục" Về hưu, chia tay với sự nghiệp báo chí, ông dành nhiều thời gian cho vợ và các con hơn. Sáng sáng, người ta vẫn thấy hai vợ chồng ông dắt nhau đi thể dục mỗi sáng, cùng nhau đi thăm hỏi, chúc tết bạn bè, đồng nghiệp và các vị lão thành Cách mạng. Năm 1990, hai vợ chồng đi du lịch vào Nam, thăm lại một số di tích lịch sử và nhân chứng cách mạng một thời. "Đó có lẽ là chuyến hẹn hò dài nhất của hai vợ chồng từ khi yêu nhau đến lúc cưới nhau", bà Ý mỉm cười. |
Thủy Triều - H.Mây