Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, chỉ cần người dân có yêu cầu thì cơ quan Công an có thẩm quyền sẽ tiếp nhận thông tin để làm thủ tục cấp Căn cước công dân. Do đó, nếu cảm thấy ảnh Căn cước công dân xấu hay chưa được ưng ý, người dân có thể yêu cầu cấp đổi thẻ mới.
Tuy nhiên, về cơ bản, ảnh trên thẻ Căn cước công dân được chụp một cách rất chân thực nhằm mục đích nhận diện, xác minh nhân thân. Vì vậy, nếu không có gì thay đổi đặc biệt trên gương mặt, người dân không cần thiết phải đổi thẻ.
Người muốn đổi Căn cước công dân cũng cần cân nhắc thật kỹ bởi việc làm lại thẻ Căn cước có thể mất thời gian chờ đợi. Nếu không có Căn cước thì các giao dịch, thủ tục hành chính rất khó thực hiện.
Có được chụp lại ảnh Căn cước công dân khi ảnh không đẹp?
Trao đổi với báo Lao Động về vấn đề này, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết: Theo Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA, cán bộ làm công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp sau khi thu nhận vân tay và chụp ảnh chân dung của công dân, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin phải in Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân gắn chíp, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.
Như vậy, công dân có quyền kiểm tra và ký xác nhận về vân tay, ảnh của mình trên Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân gắn chíp. Do đó, người dân có thể thỏa thuận với cán bộ tiếp dân, xin chụp lại ảnh nếu cảm thấy không ưng ý. Tuy nhiên, việc cho phép chụp lại hay không phụ thuộc vào cán bộ.
Thông thường, trên thực tế chỉ trường hợp ảnh thẻ không rõ mặt (nháy mắt, nghiêng đầu), không rõ hai tai hoặc tác phong không lịch sự thì công dân có quyền không xác nhận vào Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân gắn chíp và yêu cầu được chụp lại ảnh.
Giải thích thêm về các quy định liên quan tới việc người dân có được nhuộm tóc, trang điểm đậm hay mặc trang phục theo sở thích, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết: Theo Thông tư 07/2016 của Bộ Công an, ảnh chụp chân dung khi làm Căn cước công dân phải rõ khuôn mặt, rõ hai tai và không đeo kính. Khi chụp, công dân phải để đầu trần, ngồi nghiêm túc, trang phục lịch sự và không sử dụng trang phục chuyên ngành như công an, y bác sĩ, quân đội,...
Theo luật sư Huế, không có quy định cấm người dân trang điểm hay làm đẹp về thời trang khi chụp ảnh làm Căn cước công dân. Để đảm bảo các đặc điểm nhận dạng, nhà chức trách khuyến cáo người dân nên mặc áo sáng màu, không trang điểm quá đậm hoặc có tác động khác khiến khuôn mặt không rõ ràng trên ảnh chân dung.
Công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh làm Căn cước công dân gắn chip nhưng phải đảm bảo rõ khuôn mặt. Những tiêu chuẩn trên được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Minh Hoa (t/h)