"Kiếm đậm" nhờ thuốc ngoài danh mục quản lý giá
Sau quá trình âm thầm điều tra, sự thật phũ phàng đã được công bố. Đó là bất chấp việc cả nước đang phải gồng mình chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ chưa có dấu hiệu chấm dứt, các tập đoàn dược phẩm đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý thuốc để "bắt tay" với các bác sĩ, dược sĩ, rút ruột hàng triệu bảng Anh từ ngân sách dành cho y tế của nước này. Bí mật đen tối này đã tồn tại từ nhiều năm nay, với số tiền thiệt hại cộng dồn, ước tính lên đến hàng trăm triệu bảng.
Zaheer Mushtaq - Giám đốc kinh doanh của công ty dược Temag.
Tại Anh, cơ quan dịch vụ y tế công NHS (National Health Service) là đầu mối chi trả các hóa đơn thuốc thuộc diện có bảo hiểm. Cũng như các quốc gia khác, giá thuốc tại Anh cũng bị quản lý bởi bộ Y tế, nhưng không phải là tất cả. Vẫn có tới hơn 20.000 tên thuốc đang lưu hành không nằm trong danh mục này. Chúng thường là những loại hoặc quá phổ biến, hoặc quá đặc biệt. Đơn giá những thuốc này sẽ do các công ty dược báo giá riêng, với sự xác nhận của giới dược sĩ, bác sĩ, những người am hiểu hơn hết về thuốc men và có thể định giá chúng chính xác nhất. Kẽ hở chính là đây! Nhiều hãng dược đã thông đồng với giới chuyên môn để nâng khống giá trị của các loại thuốc đặc biệt này, với tỷ lệ lên đến con số "không thể tin nổi": 50-50. Nghĩa là nếu NHS chi ra 2 bảng Anh cho một loại thuốc kê đơn không thuộc danh mục quản lý giá, thì đã có 1 bảng Anh rơi vào túi "liên minh ma quỷ" này.
Trong vai nhóm dược sĩ đi tìm mối cung cấp thuốc cho bệnh viện của mình, các phóng viên tờ The Daily Telegraph đã tiếp xúc với đại diện bán hàng của nhiều công ty dược có quy mô từ nhỏ, trung bình đến lớn và rất lớn, kể cả các tập đoàn đa quốc gia. Và kết quả là, tại bất cứ đâu, họ cũng nhận được lời mời chào nhiệt tình về "hoa hồng" cho từng mặt hàng. Khái niệm này dù không có gì xa lạ, nhưng tỷ lệ cao ngất ngưởng mà các hãng đưa ra để "gạ gẫm" đối tác mới là điều khiến nhóm phóng viên choáng váng. Tỉ lệ "hoa hồng" thấp nhất cũng từ 20-30%, nằm trong nhóm bị quản lý về giá, tỷ lệ cao nhất lên tới 50% đối với nhóm thuốc "đặc biệt" chưa có cơ sở định giá và đang nằm ngoài danh mục quản lý giá của Chính phủ nước này.
Theo quy định, khi một bệnh nhân không có phản ứng tích cực với loại thuốc thông thường cho căn bệnh của mình, thì các thuốc "đặc biệt" sẽ được phép kê đơn. Có những loại thuốc được đặt hàng bào chế cho riêng một nhóm rất ít người bệnh. Với những thứ "hàng thửa" riêng như thế này, quá khó để định giá chúng. Do đó, NHS sẽ thanh toán chi phí cho các đơn thuốc trên, dựa trên xác nhận của các dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa, những người có thể biết được chúng trị giá bao nhiêu. Một khi những người này bắt tay với các hãng dược thì giá thuốc sẽ hoàn toàn do họ định đoạt ở mức "trên trời" mà không có cơ sở nào để đối chiếu, so sánh xem hợp lý hay không.
Tiếp đoàn dược sĩ (các phóng viên The Daily Telegraph), Dhruv Patel - người đứng đầu bộ phận chuyên bán biệt dược của hãng Pharmarama International Limited đã thẳng thừng đặt vấn đề làm ăn: "Hãy kê đơn các loại thuốc của chúng tôi với mức giá kèm theo. Khi NHS thanh toán những hóa đơn ấy, các bạn sẽ được hưởng 50% doanh số". Khi một trong số các "dược sĩ" này vặn hỏi, mức "giảm giá" bình quân của tất cả các mặt hàng mà công ty đang cung ứng là bao nhiêu, Dhruv Patel cho biết, khoảng 50% hoặc thấp hơn một chút, tùy "tình hình" (ám chỉ sự thẩm định dễ dàng hay kỹ lưỡng của NHS). Điều này đồng nghĩa với việc NHS đang phải trả gấp đôi số tiền cần thiết cho một đơn thuốc "đặc biệt".
Zaheer Mushtaq - Giám đốc kinh doanh của công ty Dược Temag cũng chào mời chế độ "giảm giá" cho các dược sĩ - phóng viên này. Ông cho biết, điều này là "bình thường" trong thời buổi cạnh tranh dữ dội giữa các hãng dược hiện nay. Thậm chí, ngoài phần trăm ăn theo doanh số trên các hóa đơn được NHS duyệt chi, các dược sĩ còn được hưởng một khoản "lương cứng" hàng tháng, ít nhất là 10.000 bảng Anh/tháng. Con số ăn chia trên thực tế có thể còn cao hơn nữa, vì khi một phóng viên nói với Zaheer Mushtaq rằng, tỷ lệ mà các công ty khác chào mời họ cao hơn Temag nhiều, vị giám đốc này đã hứa sẽ "xem xét về một con số hấp dẫn hơn".
Cáo buộc chấn động của tờ Daily Telegraph trên trang nhất.
Đã "nuốt trôi" hàng trăm triệu bảng?
Sự thật động trời này đã gây ra một làn sóng giận dữ cực độ của người dân Anh. Chính sách thắt lưng buộc bụng mà Chính phủ nước này đang thi hành để chống lại những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến ngân sách dành cho nhiều lĩnh vực bị cắt giảm mạnh, kể cả y tế cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, vẫn có những kẻ bất lương làm giàu trên nỗi đau của các bệnh nhân, ăn cắp tiền của những người đóng thuế một cách tinh vi. Theo ước tính của The Daily Telegraph, chi phí hàng năm mà NHS dành cho nhóm thuốc ngoài danh mục quản lý giá vào khoảng 120 triệu bảng, và không ai biết được chính xác bao nhiêu trong số đó đã bị các dược sĩ, bác sĩ và các hãng dược đội giá bằng các hóa đơn "cắt cổ". Nếu tỷ lệ chung vào khoảng 50% như được "gạ gẫm" trong quá trình điều tra thì con số này lên tới hàng chục triệu bảng mỗi năm. Cộng dồn trong vài năm trở lại đây, đã có hàng trăm triệu bảng bị “liên minh ma quỷ” này thông đồng rút ruột chia nhau.
Các hãng dược bị "chỉ mặt, gọi tên" đều lên tiếng bác bỏ đây là chính sách chung mà đó chỉ là tiêu cực cá biệt của một vài cá nhân trong hệ thống bán hàng mà thôi. Magdalena Kulbat - phát ngôn viên của công ty Temag cho biết, sai phạm bị phanh phui chỉ xảy ra ở một chi nhánh của công ty này, do áp lực về doanh thu từ công ty nên vị giám đốc chi nhánh đã "làm bậy" như vậy. Phát ngôn viên của Pharmarama International Limited cũng khẳng định, tập đoàn này không cho phép trích những tỷ lệ hoa hồng cao đến thế cho các dược sĩ, bác sĩ. Những nhân vật được "điểm danh" đều đã bị công ty chủ quản đình chỉ công tác để điều tra.
Những lời bao biện này không nhận được nhiều sự tin tưởng của dư luận Anh. Ông Jim Gee - cựu Giám đốc điều hành trung tâm chống gian lận của NHS và hiện là giám đốc một công ty chống gian lận kế toán tại London cho biết, phát hiện này là một minh chứng rõ ràng cho tình trạng quá tải của hệ thống kiểm soát bên trong NHS bấy lâu nay. Ông nhấn mạnh rằng, cùng với việc bị rút ruột là hậu quả, các bệnh nhân không được hưởng sự chăm sóc xứng đáng với số tiền mà họ và ngân sách Nhà nước đã bỏ ra cho mỗi viên thuốc được kê đơn. Tình trạng tồi tệ này cần phải chấm dứt ngay lập tức.
Hiện, dư luận Anh đang đặt câu hỏi về việc quản lý ngân sách của NHS bấy lâu nay chặt chẽ đến đâu và cơ quan này liệu có phương cách gì để "bẻ gãy liên minh đen tối" kia không. Trước áp lực to lớn này, ông Jeremy Hunt - Bộ trưởng Y tế Anh đã ra lệnh điều tra các cáo buộc mà ông gọi là "cực kỳ nghiêm trọng" này. Theo Bộ trưởng, bấy lâu nay NHS luôn cố gắng công khai, minh bạch mọi khoản chi từ tiền thuế của dân và nếu những cáo buộc trên là chính xác, bộ Y tế sẽ có biện pháp thu hồi lại toàn bộ số tiền đã thất thoát, xử nghiêm các cá nhân liên quan. Còn các hãng dược "dính chàm" sẽ "không còn đất sống ở Anh" bởi đây thực sự là một "tội ác đáng ghê tởm".
Tồn tại tay trong tiếp tay cho "liên minh ma quỷ"? Được biết, cơ quan cảnh sát nước này đã vào cuộc, xem xét cả nghi vấn liệu có "tay trong" nào của cơ quan dịch vụ y tế công NHS tiếp tay cho những chiêu trò "ma quái" của liên minh này hay không. Bởi nhiều người tin rằng, để các hóa đơn đắt đỏ đến vô lý được NHS thông qua, không chỉ do sự quan liêu, tắc trách của cơ quan này. Chắc chắn đã tồn tại một đường dây khép kín tại tất cả các khâu, mới có thể "nuốt trôi" được hàng chục triệu bảng như vậy. |
An Mai (Theo The Daily Telegraph)