Anh Yu (28 tuổi) đến Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu, Trung Quốc trong tình trạng tai ngứa ngáy khó chịu. Người trực tiếp thăm khám cho anh là bác sĩ Li Yong, Trưởng khoa Tai Mũi Họng. Ban đầu bác sĩ cảm thấy tình trạng này không có gì đáng ngạc nhiên. Thế nhưng, sau khi nghe bệnh nhân nói ra sự thật, ông đã sửng sốt kêu lên: “Làm sao mà có thể chịu đựng được trong thời gian dài như vậy”.
Được biết, anh Yu có tiền sử mắc bệnh viêm tai giữa mãn tính từ khi còn nhỏ, hiện bên tai trái vẫn còn dịch chảy ra. Ở nhà anh vẫn hay sử dụng một lọ thuốc nhỏ tai.
Khoảng nửa năm trước, tai trái của anh Yu có dấu hiệu chảy máu. Nghĩ rằng bệnh cũ tái phát nên theo thói quen anh tìm lọ thuốc nhỏ tai trong nhà dùng. Tuy nhiên, ngay khi sử dụng, anh cảm thấy tai trái cực kỳ khó chịu. Lúc này, nhìn lại anh mới phát hiện thứ mình cầm trên tay không phải thuốc nhỏ tai mà là lọ keo 502.
Khi sự việc xảy ra, dù cảm thấy tai rất khó chịu nhưng anh vẫn cố gắng chịu đựng thay vì tới bệnh viện khám. Anh tiếp tục chịu đựng trong hơn nửa năm, đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, tai bắt đầu chảy mủ nhiều hơn, tiết ra chất lỏng màu trắng vàng thì Yu mới chịu đến bệnh viện khám.
Sau khi kiểm tra chi tiết, bác sĩ Li Yong phát hiện có một chất rắn màu trắng nằm sâu trong ống thính giác ở tai trái của anh Yu, nó dính chặt vào da, màng nhĩ có dấu hiệu bị thủng. “Chất rắn này chính là keo 502 đông cứng trong lỗ tai, cần phải làm sạch ngay lập tức”, bác sĩ Li Yong nói.
Sau đó, bác sĩ Li đã tiến hành nội soi lấy dị vật qua tai bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, cẩn thận tách lớp keo 502 trong ống thính giác ngoài, vệ sinh toàn bộ ống tai. Sau phẫu thuật, sức khỏe của anh Yu hồi phục tốt, dịch lỏng ở tai trái ngừng chảy.
Chia sẻ về trường hợp trên, bác sĩ Li Yong nói rằng, bệnh nhân nên điều trị ngay từ đầu thay vì tự ý dùng thuốc nhỏ tai tại nhà.
Cũng theo bác sĩ Li Yong, bệnh viêm tai giữa mãn tính thường do bệnh viêm tai giữa khởi phát cấp tính, bệnh tiến triển chậm do nhiều nguyên nhân. Cũng có một số trường hợp do sức đề kháng người bệnh kém như trẻ em, người già, mới dẫn tới tình trạng kéo dài mãn tính.
Nếu bị viêm tai giữa có tiết dịch, đừng chủ quan mà tự ý mua thuốc nhỏ tai như anh Yu vì có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Bác sĩ Li Yong cho biết thêm, trường hợp của anh Yu rất đặc biệt, ngoài bị bệnh viêm tai giữa còn có dị vật ở tai.
Trên thực tế, những sự việc tương tự như trên không phải ít. Ngày 22/10/2015, ông Song Wan (45 tuổi, sống tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) đã phải tức tốc chạy đến bệnh viện trong bộ đồ ngủ khi phát hiện ra rằng mình vừa nhỏ nhầm keo 502 vào tai trái.
Trước đó, do bị bệnh nhiễm trùng tai nên ông Song Wan bị ngứa tai đến mức không thể ngủ nổi. Để chấm dứt cơn ngứa phiền phức, ông Wan đã "mắt nhắm mắt mở" vớ một lọ nước nhỏ gần tầm với và nhỏ vào tai. Tuy nhiên, không may cho ông, lọ nước mà ông tưởng là thuốc nhỏ tai ấy thực chất lại là một lọ keo siêu dính 502.
Sau khi thăm khám, bác sĩ nói rằng ông Song Wan cần phải đợi 1 tuần để keo khô lại. Các màng trong tai khi đó cũng sẽ tiết ra chất nhầy, tạo thành một lớp bảo vệ giữa lớp keo 502 và màng nhĩ của ông Wan. Nếu bóc tách keo quá sớm, ông Wan có thể sẽ bị điếc vì rách màng nhĩ.
Một tuần sau đó, tai trái ông Wan đã được các bác sĩ “giải cứu” thành công và ông có thể nghe lại bình thường sau một tuần gần như điếc.
Từ những sự việc trên, bác sĩ Li Yong khuyến cáo mọi người cần chú ý khi sử dụng thuốc, đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ, cần để keo 502 tránh xa tầm tay của trẻ em, các loại thuốc dự phòng nên để đúng nơi đúng chỗ.
Trong trường hợp keo 502 nhỏ vào mắt hoặc tai, cần đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu bị côn trùng chui vào tai, không được tự ý nhỏ thuốc vào, khi những con bọ còn sống, việc nhỏ thuốc sẽ khiến chúng khó chịu và cắn vào tai, có thể dẫn tới thủng màng nhĩ, mất thính lực.
Minh Hoa (t/h)