1. Vợ tôi tự tin hay cô ấy bị rối loạn nhân cách ái kỷ? (narcissistic personality disorder)
Một người chồng đến phòng khám của tôi tâm sự: Vợ tôi, 41 tuổi, trầm cảm đến mức sụt cân và có nhiều biểu hiện rối loạn nhân cách. Dù trước đó, cô ấy luôn là một phụ nữ vô cùng tự tin. Chỉ vì tôi đã lỡ có bồ, một phụ nữ tầm thường hơn cô ấy.
Cú sốc đó đã khiến cô ấy thay đổi. Dù sau đó tôi đã kết thúc mối quan hệ sai trái kia nhưng bệnh tình của vợ tôi cũng không hề thuyên giảm.
Khi tôi hỏi người chồng về những biểu hiện trước kia, trước khi cô ấy biết việc chồng ngoại tình thì người chồng cũng đã tâm sự và những biểu hiện ấy quả thật đều là những dấu hiệu của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder).
Cô ấy luôn cảm thấy bản thân tài giỏi, quyến rũ, tốt nhất so với tất cả mọi người xung quanh. Cô ấy luôn giận dữ thái quá với bất cứ lời chỉ trích hoặc phê bình nào của mọi người xung quanh. Cô ấy bỏ cả công việc đang thu nhập đến 70 triệu/tháng chỉ vì sếp của cô ấy phê bình cô ấy trong việc đuổi một nhân sự lâu năm của công ty.
Cô ấy cảm thấy bị tổn thương và đòi nghỉ việc ngay lập tức. Trong công việc, cô ấy không được lòng bất cứ một ai trong công ty vì luôn lợi dụng mọi người để đạt được mục tiêu. Cô ấy luôn có quan điểm: Người giỏi hơn sẽ làm chủ. Tư duy cá lớn nuốt cá bé. Nhưng cô ấy lại luôn mong đợi người khác phải biết ơn cô ấy, đối xử với cô ấy như một người bề trên.
Mục tiêu giàu có của cô ấy mỗi ngày một lớn. Với mức lương 70 triệu/tháng, cao hơn cả trần quy định của công ty nhưng cô ấy vẫn muốn nhiều hơn nữa và cho rằng công ty không có cô ấy sẽ sụp đổ.
Lời kết: Yêu bản thân là tốt. Nhưng yêu bản thân quá mức, kỳ vọng vào bản thân quá mức sẽ khiến bạn bị áp lực. Nhất là nếu đặt ra mục tiêu quá cao khi không đạt được bạn sẽ cảm thấy mình vô dụng, xấu hổ và trầm cảm. Tự tin là tin vào bản thân và hiểu giới hạn của bản thân. Hãy điều chỉnh mục tiêu và học cách chấp nhận thất bại.
2. Con tôi lười biếng hay rối loạn nhân cách chống đối xã hội? (antisocial personality disorder – ASPD)
Một người mẹ có con trai năm nay đã 40 tuổi nhưng ly dị đến 2 đời vợ và luôn tỏ ra chán chường với cuộc sống. Đã có tiền sử uống thuốc ngủ tự tử nhưng bất thành. Người mẹ thuyết phục mãi con mình đi tới phòng khám của tôi thì mới ký giấy thừa kế cho con.
Ở phòng khám của tôi, cậu ấy bảo cậu ấy chỉ là người có tính cách cẩu thả, lười biếng chứ không hề mắc chứng tâm thần gì cả. Nhưng những gì người mẹ chia sẻ thì lại cho thấy rằng cậu ta mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial personality disorder – ASPD)
Đầu tiên là từ bé cậu được chiều chuộng vì gia cảnh đầy đủ. Cậu lười lao động và chỉ luôn nghĩ đến việc rong chơi. Nhiều người cũng như cậu: Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn- Làm việc ít hơn. Nhưng khi nó đi cùng với những biểu hiện như luôn có lý do cho việc không làm, không muốn làm.
Thậm chí nói dối liên tục. Đang ở nhà mà nói dối là đang đi làm. Nói dối để trốn việc. Rồi luôn ỷ lại vào mẹ, sống dựa dẫm vào mẹ. Đến việc đi đổ xăng cũng nhờ mẹ. Cưới vợ 2 lần nhưng cả 2 người vợ đều không chịu nổi tính cách lười biếng, cẩu thả của cậu ta mà phải bỏ.
Đi làm luôn bị sa thải vì lười biếng. Có tiền trong tay là tiêu xài không kế hoạch. 40 tuổi mà như một đứa trẻ lớn xác khi chỉ ăn với ngủ và lên án người khác. Một người đàn ông thất bại toàn tập.
Lời kết: ASPD- antisocial personality disorder là một chứng tâm thần khá phổ biến mà nhiều người không nhận ra ở người thân của mình. Cho đến khi chính người bệnh tự chán ghét bản thân và tìm đến cái chết vì cho rằng mình thất bại. Điều này thường xảy ra sau 1 cú sốc.
Như người vợ thứ 2 của anh chàng này, trước khi ly dị đã tổng sỉ vả anh chàng một trận, khiến anh ta tổn thương đến mức uống thuốc ngủ tự tử. Cách tôi tư vấn cho mẹ con cậu ta là cùng nhau tạo ra những thói quen tốt bằng việc lên thời gian biểu. Từ những thứ đơn giản, dễ làm nhưng phải giám sát liên tục. Như tập thể dục. Như đi làm từ thiện. Như tạo ra những thành công nhỏ để biến nó thành động lực sống mới.
Người mẹ đã hơn 70 tuổi giờ phải coi cậu con trai mình như đứa trẻ 6 tuổi để giám sát và huấn luyện lại anh ta từ đầu bằng việc khen thưởng cho anh ta mỗi khi anh ta làm tốt một điều gì đó.
3. Làm sao để ly dị chồng?
Một người vợ rơi vào trầm cảm đã tìm đến tôi. Cô ấy muốn ly dị chồng nhưng không sao ly dị nổi. Tôi đã nhận thấy cô đang mắc chứng tâm lý rối loạn nhân cách phụ thuộc (dependent personality disorder – DPD).
Đây cũng là một chứng tâm lý dễ bị lầm tưởng thành tính cách thoả hiệp. Bình thường ngoài xã hội cũng nhiều người như cô. Nghe lời bố mẹ dù không muốn. Chấp nhận những yêu cầu vô lý mà không phản kháng. Nhưng nó sẽ thành bệnh tâm lý rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) khi mà cô ấy chấp nhận chồng có bồ chỉ vì không chịu nổi việc phải sống một mình.
Cô ấy chấp nhận chồng đi đi về về giữa hai người phụ nữ dù vô cùng khó chịu. Nhưng cô ấy vẫn vậy chỉ để vừa lòng chồng. Thậm chí là vợ mà cô ấy phải lén lút vì cô bồ không muốn chồng cô ấy công khai đi lại với vợ.
Điều này còn xảy ra với cả sếp của cô ấy khi anh ta tấn công tình dục cô nhiều lần nhưng cô không dám phản kháng vì sợ mất việc. Hay như việc cô ấy muốn ly dị chồng nhưng tâm sự với bố mẹ đều bị bố mẹ cản ngăn nên cô ấy cũng thôi vì không muốn bố mẹ buồn, thất vọng về mình.
Cô ấy giận bản thân nên thường xuyên cắt tay mình như một cách tự trừng phạt và dùng nó để thúc đẩy bản thân phản kháng lại. Nhưng luôn thất bại.
Lời kết: Giáo dục trẻ nhận biết giá trị bản thân quan trọng hơn việc học giỏi tiếng Anh hay môn Toán, môn Văn điểm cao. Giá trị điểm số chỉ là một phần của giá trị bản thân. Hiểu về giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta không bị chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc.
4. Tôi ổn khi ở một mình
Lần này lại là một cô gái 33 tuổi nhưng không hề muốn kết hôn. Cô luôn chỉ thấy ổn khi ở một mình. Tôi chẩn đoán cô mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt (schizoid personality disorder – SPD) chứ không phải nhút nhát như cô tự chẩn đoán hay mọi người đánh giá về cô.
Thứ nhất, cô hoàn toàn mất kết nối với mọi người xung quanh. Kể cả bố mẹ và người thân. Cô luôn chọn cách làm việc một mình. Hiện giờ cô đang làm công việc dịch sách và chỉ liên hệ với mọi người qua mail.
Hồi trước cô tự cho mình là người có tính cách hướng nội. Nhưng thực tế thì không phải khi mà cô thờ ơ với mọi lời phê bình hay khen thưởng của xã hội dành cho cô. Không cảm thấy những chỉ trích hay khen ngợi là gì. Vô cảm hoàn toàn.
Cô chỉ có người bạn duy nhất là chiếc máy tính. Nhưng lại luôn mơ mộng những điều khá phi thực tế. Như mơ mình kết hôn với người ngoài hành tinh. Ban đầu cô cũng chỉ coi đó là mơ mộng viển vông nhưng lại thích thú với những mơ mộng đó và sống trong mơ mộng đó.
Gia đình nhận ra sự bất ổn của cô nhưng không sao tiếp cận được cô vì lúc nào cô cũng tìm lý do tránh né tiếp xúc. Không phải vì cô ghét gia đình. Mà là cô sợ hãi khi phải có giao tiếp xã hội. Cô luôn cảm thấy bất an khi phải trò chuyện với bất cứ ai.
Lời kết: Khi xã hội càng hiện đại, công nghệ dường như đã đáp ứng mọi thứ và thay thế mọi kết nối đời thực thì căn bệnh tâm lý schizoid personality disorder – SPD này càng lúc càng phát triển. Việc tránh né tiếp xúc đời thực về lâu dài có thể dẫn đến trầm cảm.
Sống trong thế giới ảo có thể giết chết con người thật của mỗi người. Các CLB ra đời là để chúng ta tiếp xúc vật lý với nhau nhiều hơn. Mỗi người nên có nhiều hơn 1 người bạn thật ngoài đời thay vì có đến 5.000 bạn trên FB.
5. Tôi nghi ngờ chồng mình ngoại tình
Khá nhiều bệnh nhân của tôi là những phụ nữ mắc cùng một mối nghi ngờ kiểu này. Luôn nghĩ chồng mình đang ngoại tình. Nhưng kết quả mà các văn phòng thám tử trả về luôn là không có bằng chứng chứng minh chồng cô ấy ngoại tình. Và khi mà mối nghi ngờ choán hết mọi tâm trí, các cô vợ này đều bị chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid personality disorder – PPD).
Trong một cuộc hôn nhân không cởi mở, người phụ nữ rất dễ mắc chứng PPD này. Nó cũng xảy ra tương tự với đàn ông nhưng do xấu hổ mà ít đàn ông dám thừa nhận.
Một trong số những biểu hiện phổ biến của chứng này là nghi ngờ vô căn cứ. Nhiều mối nghi ngờ tưởng là đúng nhưng thực ra là do chính các bệnh nhân tin quá mức vào nó.
Có câu: Một người nói anh là con lợn anh có thể bực tức nhưng một trăm người nói anh là con lợn anh sẽ kêu éc éc. Mối nghi ngờ để quá lâu cũng thành dạng ám thị nguy hại. Và không cởi bỏ được nó sẽ dẫn đến rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid personality disorder – PPD), người bệnh sẽ thất vọng, khủng hoảng và tự huỷ hoại bản thân mình.
Lời kết:
Hãy giúp đỡ những người xung quanh bạn khi mà họ có những biểu hiện như:
- Nghi ngờ mọi thứ trong cuộc sống
- Luôn tìm kiếm những ý nghĩa sau mỗi hành động của một người đến mức thái quá. Như anh ta nói vậy có nghĩa là- cô ấy làm vậy chứng tỏ rằng… Nghi ngờ mọi thứ và suy diễn mọi thứ sẽ khiến người bệnh rơi vào tâm trạng bất an liên tục.
- Không còn sự hài hước nào trong cuộc sống thường ngày. Do luôn bất an và nghi ngờ mọi thứ. (Đặc biệt là những bạn hay comment kiểu đàn ông 100% ngoại tình)
Sự đa nghi dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và rất dễ đi đến kết cục tự huỷ hoại bản thân vì thất vọng thường trực.
Trên đây chỉ là 5 trong số khá nhiều những trường hợp nhầm lẫn giữa bệnh tâm thần với một tính cách xấu. Tôi hy vọng bạn sẽ phân biệt rõ trước khi để mọi thứ xảy ra theo chiều hướng tiêu cực.
* Lời chia sẻ chân thành của một bác sĩ giấu tên.