Có thể nhiều bạn sẽ có câu trả lời đơn giản kiểu như là: Vì mẹ Anh Đức đến tận sân vận động để cổ vũ cho con, hoặc vì Anh Đức dành tình cảm cho mẹ nhiều hơn bố. Ở đây, tôi không bình luận hay nhận xét gì về tình cảm gia đình nhà Anh Đức.
Nhưng tại sao, mẹ lại đến tận SVĐ để cổ vũ, còn bố thì không? Tại sao con lại dành tình cảm cho mẹ nhiều hơn bố?
Mỗi lúc vui, buồn, vấp ngã, hay giật mình con đều kêu tên mẹ.
Mẹ chỉ đứng sau ông giời bởi lẽ hốt hoảng, giật mình, ngạc nhiên về điều gì, người ta thường thốt lên: “Ối giời ôi!”, hoặc “Ối mẹ ơi!” chứ không mấy ai kêu lên rằng: “Ôi bố ơi!”.
Tại sao lại thế?
Có phải vì mẹ luôn gần gũi, luôn ở bên con mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm trong cuộc đời? Mẹ che chở, chăm sóc, nuôi dưỡng ta từ khi ta cất tiếng khóc chào đời. Rồi đến lúc biết nhận thức, mẹ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, mặc quần áo, tắm rửa cho ta; mẹ mua quần áo mới, mua cặp sách mới, chuẩn bị sách vở cho ta đến trường… nói đến đây tôi chợt nghĩ: “Liệu có người cha nào như thế không nhỉ!”
Cha của bạn thì sao? Nếu bạn có một người cha ở bên bạn bất kỳ lúc nào như vậy thì bạn may mắn hơn rất rất nhiều người rồi đấy.
Người cha mà tôi biết chưa bao giờ tận tình làm những điều đó cho tôi cả. Lúc còn nhỏ tôi rất ghét ông ấy vì ông ấy đáng sợ, hay đánh đòn tôi. Sau này lớn lên tôi mới biết, hóa ra ông ấy “đóng vai ác” để nuôi dạy tôi nên người.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Nếu tôi là cá, thì nước nguồn chính là nguồn sống của tôi luôn bên cạnh tôi suốt cả cuộc đời của nước. Nước thì chảy ra từ núi, không có núi làm sao có chỗ dựa cho sông suối, làm sao có những gập ghềnh cao thấp để nước đọng lại thành hồ?
Cá sống trong hồ nên cá chỉ thấy nước, nước luôn ở bên cá mọi lúc mọi nơi giống như mẹ luôn ở bên ta, gặp bất kỳ việc gì trong cuộc đời, những con cá như chúng ta tìm mẹ, kêu tên mẹ cũng là điều dễ hiểu.
Anh Đức tìm mẹ ngay sau khi ghi bàn là một phản xạ tự nhiên, bởi vì có lẽ là mẹ anh ấy đã luôn ở bên anh ấy, chăm sóc cho anh ấy từng li từng tí, từ miếng ăn giấc ngủ đến những lời động viên an ủi khi anh gặp chắc trở trong cuộc sống. Tóm gọn lại, Anh Đức tìm mẹ ngay sau khi ghi bàn là vì mẹ của anh ấy đã dành rất nhiều thời gian ở bên, yêu thương chăm sóc anh ấy.
Trong cuộc sống của tôi, tôi bắt gặp nhiều ông bố bà mẹ thời nay mải miết lao vào công việc, lao vào các mối quan hệ mà họ cho là cần thiết cho công việc của họ.
Tệ hơn nữa là một vài ông bố bà mẹ xuất thân là cậu ấm, cô chiêu. Họ bận lắm, bận nghĩ xem đi du lịch ở đâu, bận nghĩ ăn gì, chơi gì, bận đi bar đi sàn, bận “quẩy”.
Những đứa trẻ được sinh ra từ khi còn bé đã sống với bà, bà thay mẹ nó chăm lo cho nó từng miếng ăn giấc ngủ, cái quần cái áo nó mặc hàng ngày. Đứa nào thiếu may mắn hơn một chút thì không phải là bà, mà là bà vú, là ô-sin nào đó chăm sóc cho nó.
Nếu may mắn, nó có một người bà tốt như mẹ của Anh Đức; tôi xin nhấn mạnh là một người bà nhé, còn một bà vú thì… bất hạnh lắm! Thì biết đâu sau này sẽ có một ngày nó thành công như thế.
Rồi lúc nó giúp đội tuyển Việt Nam vô địch, nó là ngôi sao trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam. Thì lúc đó chắc chắn nó sẽ không tìm bạn, nó sẽ không hỏi “Mẹ đâu? mẹ đâu”, không hỏi “Bố đâu? Bố đâu?” mà nó sẽ hỏi “Bà đâu? Bà đâu?”.
Đừng để dòng đời cuốn vào những công việc, những mối quan hệ ngoài kia mà quên mất rằng mình cần nhiều thời gian để trao tình yêu thương cho những đứa con bé bỏng của mình. Đừng ngụy biện cho việc dành quá ít thời gian cho gia đình bằng những lý do kiểu như cần phải có tiền, có kinh tế thì cuộc sống gia đình mới không khổ… Cuộc sống gia đình của bạn cốt yếu chỉ là… tiền thế thôi sao?! Nếu như vậy thì bạn thấy rồi đấy: Anh Đức gọi mẹ ơi, còn con bạn sẽ gọi bà ơi!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một người chưa lập gia đình.