Đổi hướng chạy trốn vì một... quẻ bói
Tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm, Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng cục Hàng Hải Việt Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) cũng được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người làm chứng. Theo quan sát của PVt, hai anh em Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng tỏ ra khá bình tĩnh khi được dẫn giải đến phòng xét xử vào buổi sáng 7/1. Được biết, tòa án đã yêu cầu trại giam trích xuất Dương Chí Dũng để tham gia đầy đủ 2 ngày xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm.
Khi trả lời thẩm vấn, Dương Chí Dũng vẫn giữ chất giọng nhỏ nhẹ, nói chậm rãi, âm sắc ấm. Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines đối đáp trước tòa với vẻ mặt bình thản như một người cam chịu số phận. Dũng "Chủ tịch" còn tranh thủ sự ủng hộ của vị hội thẩm nhân dân khi nói rằng trong phiên tòa xét xử mình trước đó tại TAND TP.Hà Nội, vị hội thẩm nhân dân này cũng tham gia HĐXX.
Dương Chí Dũng thể hiện tính cách mềm mỏng, nhẹ nhàng
Dũng "đi vào lòng người" bằng câu nói cho rằng mình đang đối mặt với án tử hình về 2 tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản. Thế nên, Dũng sẵn sàng nói hết sự thật, không hề giấu giếm gì và cũng không hề nói dối. Dũng khai mình rất thương em trai và vì lỗi lầm của mình đã vô tình cuốn em vào vòng tội lỗi. Dũng nói rất nhiều về em, về hoàn cảnh của 2 anh em đang phải trải qua…
Trước tòa, cựu Chủ tịch Vinalines nói rằng, khi được một người bạn báo tin là mình bị khởi tố bị can, ông ta đã rất lo sợ, hoảng loạn tinh thần. Dương Chí Dũng cho biết, ông không nghĩ những quyết định trong công việc của mình lại nghiêm trọng đến thế. Chỉ vì muốn sốt sắng phát triển ngành hàng hải Việt Nam và cũng chỉ vì hiểu lầm ụ nổi không phải là tàu nên mới dẫn đến sai lầm như vậy. "Nói thực lòng là khi đó tôi rất lo sợ, mất tinh thần, tôi cứ nghĩ là trốn đi đâu đó một thời gian thôi", Dương Chí Dũng bày tỏ.
Nói về những bị cáo phải ra hầu tòa lần này, giọng ông Dũng nghẹn ngào xúc động, ánh mắt rưng rưng. Vẫn cách nói nhẹ nhàng, cựu Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam bày tỏ: "Nếu hôm nay tôi được chết mà cứu được những người kia thì tôi sẵn sàng chết. Bởi, họ toàn là những anh em tốt. Họ giúp tôi là vì tình nghĩa, giống như anh em trong gia đình. Chính vì giúp tôi mà họ phải rơi vào hoàn cảnh ngày hôm nay, trở thành bị cáo của phiên tòa này. Họ đều vì tôi, còn tôi lại vì cái khác".
Để gỡ tội cho em trai và các "đệ tử" thân tín của em mình, Dương Chí Dũng thừa nhận rằng, việc đi đâu, theo hướng nào là do mình chủ động, chứ không phải là do em trai Dương Tự Trọng hay bị cáo Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - công an TP.Hải Phòng) làm chủ mưu. Dẫn chứng điều này, ông Dũng nói, lúc đầu ông và những người "giúp sức" cho mình đi về Quảng Ninh bỏ trốn. Nhưng sau đó, ông tự xem cho mình một quẻ bói và thấy rằng, đi theo hướng Bắc sẽ không tốt nên quyết định chuyển hướng xuống phía Nam, tìm cách trốn chạy sang Campuchia. Việc ông Dũng định trốn sang Mỹ cũng là ý kiến của ông vì ông có hộ chiếu và visa.
"Chốt lại" lời nói của mình, Dương Chí Dũng mong rằng, HĐXX xem xét thấu đáo, phán xét công bằng cho em trai mình và các bị cáo trong phiên tòa này.
"Qua phiên tòa này, tôi càng thấy thương anh hơn"
Đối lập hẳn với sự mềm mỏng của anh trai, bị cáo Trọng có tố chất của dân hình sự, rắn rỏi, ăn nói dứt khoát và đặc biệt không đổ tội cho ai. Trả lời câu hỏi của chủ tọa tòa, hầu hết các bị cáo thừa nhận bị truy tố là đúng tội. Riêng Dương Tự Trọng, sau ít giây ngập ngừng nói VKS truy tố bị cáo "không đúng tội".
Dương Tự Trọng thể hiện tính cách "rắn" trước tòa
Trọng "rắn" trong từng câu trả lời với HĐXX. Trước những lời khai của các bị cáo đồng phạm (trước khi phạm tội là cấp dưới của mình tại công an TP.Hải Phòng), bị cáo Trọng không phản đối, nhưng cũng không cho rằng họ nói đúng. Trọng chấp nhận tất cả, không đổ tội cho ai. Trọng luôn mồm nói: "Tôi không có ý kiến gì những lời khai của các bị cáo".
Thậm chí, trong lúc "bị dồn vào chân tường" bằng những câu hỏi khá hóc búa, bị cáo Trọng vẫn một mực nói "không biết" (không biết ai đã báo cho anh mình bỏ trốn, không biết Sơn, Thắng nói đúng hay sai, không có ý kiến gì về lời khai của Sơn nói Trọng nhờ vả anh ta đưa anh trai mình đi trốn…).
Bị cáo Trọng kiên quyết giữ lời khai của mình giống như tại cơ quan điều tra. Theo cảm nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, vì đã từng là thủ trưởng cơ quan điều tra, nên bị cáo Trọng có thể đã đoán trước được kết cục mà mình phải nhận.
Theo quan sát của PV, trong phiên xét xử chiều mùng 7 và sáng 8/1, đứng sau vành móng ngựa, bị cáo Dương Tự Trọng có dáng vẻ thâm trầm, ít biểu lộ cảm xúc qua nét mặt như các bị cáo khác. Đúng như tính cách thường thấy ở Trọng khi còn là thủ trưởng cơ quan CSĐT công an TP.Hải Phòng. Không chỉ thể hiện vẻ cứng rắn trên khuôn mặt, bị cáo Dương Tự Trọng còn thể hiện tố chất "lỳ lợm" của dân hình sự qua từng câu trả lời với HĐXX. Trước công đường, bị cáo Trọng thừa nhận những bị cáo trong vụ này đều là chỗ anh em có tình cảm thân thiết. Trước khi phạm tội, họ là đồng đội của nhau và đều công tác tại công an TP.Hải Phòng. Chỉ có 2 người ngoại đạo, đó là Tuấn và Dũng "Bắc Kạn".
Theo đó, Tuấn là chỗ bạn bè rất thân thiết, cùng học đại học Bách Khoa với Trọng từ những năm 1978. Trong gia đình Trọng, mọi người đều biết mối quan hệ thân thiết đó, và ai cũng coi Tuấn như một thành viên trong gia đình. Trong cuộc sống thường nhật, có công to, việc nhỏ gì trong gia đình, Trọng và Tuấn đều trao đổi, chia sẻ với nhau. Chính vì vậy, khi Dương Chí Dũng dính vào "đại án" ở Vinalines, Dương Tự Trọng đã tâm sự với bạn và vô tình đã lôi kéo Tuấn vào vụ án này. Còn với Dũng "Bắc Kạn", trước toà, bị cáo Trọng khai đây là chỗ "anh em quan hệ xã hội".
Quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại tòa, hầu hết 3 bị cáo trước đây công tác trong ngành công an đều cho rằng mình là cấp dưới của Trọng, sếp có việc "nhờ vả", anh em "xắn tay" vào làm. Họ không nghĩ Dương Chí Dũng tức Dũng "Chủ tịch" lại phạm tội tày trời, phải vượt biên trái phép sang Campuchia, rồi đi máy bay sang Singapore đi Mỹ. Bị cáo Sơn, Thắng, Ánh, khai chỉ nghĩ vì lý do nào đó anh Dũng buộc phải sang Campuchia bằng con đường không chính thức (thực chất là vượt biên trái phép). Qua lời khai của 4 bị cáo này toát lên một nội dung rằng họ làm việc là vì "nể" Phó giám đốc Dương Tự Trọng. Và Trọng là đầu mối trong vụ án đưa người vượt biên trái phép này.
Ngồi nghe "cấp dưới" của mình nói những câu bất lợi cho mình, bị cáo Trọng vẫn giữ vẻ bình thản, không biểu hiện cảm xúc tức giận, hay bức xúc về những lời khai đó. Trước đó, bị cáo Sơn khai được Trọng gọi vào phòng và nhờ đưa Dương Chí Dũng đi tạm lánh một thời gian ở nước ngoài. Trọng dặn dò Sơn phải giữ bí mật, dùng sim rác liên lạc…
Khi vị chủ toạ đặt câu hỏi với bị cáo Trọng có ý kiến gì về những lời khai đó không? Bằng vẻ mặt không cảm xúc, bị cáo Trọng đáp giọng nhát gừng: "Tôi không có ý kiến gì". Toà vặn hỏi: "Tức là bị cáo thừa nhận lời khai của bị cáo Sơn là đúng?" - Bị cáo Trọng trả lời: "Tôi không thừa nhận lời khai của Sơn, nhưng cũng không có ý kiến gì cả". Trong cách trả lời của bị cáo Trọng khiến cho người ta cảm nhận bị cáo Trọng đã biết được kết cục của mình nên bị cáo khai báo rất kiệm lời và cố gắng không làm ảnh hưởng xấu đến các bị cáo khác. Vị chủ toạ xoay sang hỏi Trọng về chuyện ai đã thông báo cho Dương Chí Dũng tin xấu (bị khởi tố trong vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu qủa nghiêm trọng)?, Trọng đáp lại bằng câu không mấy hợp tác: "Tôi không biết. Gia đình tôi có nhiều việc, trí nhớ của tôi ngày càng giảm sút". Toà truy vấn: "Bị cáo có suy nghĩ gì về hành vi phạm tội của mình?". Bị cáo Trọng thản nhiên đáp: "Không".
Trước thái độ "rắn" của bị cáo Trọng, vị chủ toạ phân tích: "Bị cáo là cán bộ cao cấp trong ngành công an, sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành công an. Trong quá trình công tác, bị cáo lập được nhiều thành tích. Những lời nói của bị cáo trước toà là nói thế thôi. Toà biết bị cáo có trí nhớ rất tốt!". Nghe vị thẩm phán phân tích, bị cáo Trọng không có phản ứng gì.
Vốn đã nghe dư luận đồn thổi Trọng là con người cứng rắn, khiến nhiều giang hồ đất Cảng phải nể phục. Nay đứng trước công đường, trong vai kẻ phạm tội (trái ngược hẳn với nghề nghiệp công an trước đây), Dương Tự Trọng vẫn chứng tỏ mình là người mạnh mẽ, khôn ngoan trong từng lời nói, trong thái độ ứng xử trước công đường.
Thế nhưng, sự cứng rắn nào cũng có giới hạn của nó. Dương Tự Trọng đã phải lấy tay quệt nhanh giọt nước mắt khi nghe anh trai Dương Chí Dũng nói rằng rất thương em trai. Vì Dũng mà Trọng phải rơi vào vòng tù tội, tương lai mù mịt. Dũng rất hối hận.
Khi được nói lời sau cùng, cựu đại tá Dương Tự Trọng cũng tỏ ra xúc động. Bị cáo nói: "Thời gian qua, tôi luôn sống với kỷ niệm của hai anh em. Qua phiên tòa này, tôi càng thấy thương anh hơn. Tôi luôn cầu mong cho anh tôi được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, được hưởng công bằng, được lòng từ bi, khoan dung, vị tha của người đời dành cho anh tôi. Còn đối với các bị cáo khác, mong HĐXX xét xử khách quan, đúng người đúng tội. Cá nhân tôi, tôi sẵn sàng chấp hành bản án HĐXX dành cho tôi".
Chí Công - Thiên Long