Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 8/3 cho biết, Anh sẽ hỗ trợ Ba Lan nếu nước này quyết định cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Đồng thời, ông Wallace cũng cảnh báo, điều này có thể gây ra hậu quả trực tiếp cho Ba Lan.
"Tôi sẽ ủng hộ người Ba Lan và bất cứ lựa chọn nào họ đưa ra", Bộ trưởng Wallace nói với hãng tin Sky News, đồng thời cho biết thêm rằng Vương quốc Anh không thể cung cấp máy bay mà người Ukraine có thể sử dụng.
"Chúng tôi sẽ bảo vệ Ba Lan, chúng tôi sẽ giúp họ bất cứ thứ gì họ cần", Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố.
Theo ông Wallace, những lựa chọn mà Ba Lan đưa ra sẽ không chỉ giúp ích trực tiếp cho Ukraine, mà còn có thể đưa họ vào tầm ngắm trực tiếp của các nước như Nga hoặc Belarus.
Anh đã cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng thủ cũng như các khoản viện trợ quân sự và nhân đạo khác.
Ông Wallace cho biết, ông sẽ trình bày trước Quốc hội vào ngày 9/3 về việc Anh sẽ cung cấp thêm viện trợ gây sát thương và phi sát thương, cũng như những biện pháp mà Chính phủ Anh sẽ thúc giục các nước khác thực hiện.
Malaysia không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Nga
Malaysia không có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết.
Theo Bloomberg, tuyên bố của Malaysia được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nước láng giềng Singapore có động thái “chưa từng có tiền lệ” nhắm vào Nga khi Moscow tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine.
“Chúng tôi không có niềm tin vào các lệnh trừng phạt đơn phương”, ông Saifuddin nói với các nhà lập pháp tại Quốc hội hôm 8/3.
“Các biện pháp trừng phạt phải thông qua LHQ. Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, chúng tôi đã khuyến nghị ngừng bắn và để các cuộc đàm phán tiếp tục".
Singapore hôm 5/3 đã công bố các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Với động thái này, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á cho đến nay làm như vậy mà không cần thông qua LHQ.
Các biện pháp trừng phạt của Singapore bao gồm việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có thể được sử dụng làm vũ khí, các biện pháp tài chính có mục tiêu đối với các ngân hàng được chỉ định của Nga và các hạn chế đối với giao dịch tiền điện tử có thể được sử dụng để tránh các lệnh trừng phạt tài chính.
“Chúng ta phải cẩn thận về các lệnh trừng phạt mặc dù chúng là một trong những vũ khí mạnh nhất có thể được sử dụng”, ông Saifuddin cảnh báo. “Những người vô tội sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất” nếu các biện pháp không được nhắm mục tiêu.
Thành phố Lviv của Ukraine kêu gọi giúp đỡ đón người tị nạn
Đây được coi là cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Thị trưởng thành phố Lviv đã kêu gọi sự hỗ trợ khi thành phố nằm ở miền Tây Ukraine đang phải vật lộn để thu xếp nơi ăn chốn ở cho hàng chục nghìn người đã đổ về đây từ các khu vực đang bị quân đội Nga tấn công, DW đưa tin.
“Chúng tôi thực sự cần hỗ trợ”, Thị trưởng Andriy Sadovyi nhấn mạnh. Ông Sadovyi cho biết, chính quyền địa phương đang rất cần những chiếc lều lớn được trang bị bếp để chuẩn bị thức ăn cho hơn 200.000 người tị nạn đã đến thành phố.
Hàng trăm nghìn người nữa có thể đến nếu các hành lang nhân đạo được mở ra để cho phép di tản dân thường khỏi các thành phố bị bao vây.
Lviv - thành phố của nhưng địa danh lịch sử - là điểm trung chuyển chính cho những người muốn qua biên giới đến Ba Lan. Với dân số 700.000 người, trước chiến tranh, Lviv là một điểm đến du lịch nổi tiếng.
Theo ước tính của LHQ, khoảng 1,7 triệu người Ukraine hiện đã rời khỏi đất nước của họ, và nhiều người đã đi qua Lviv. LHQ mô tả đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Bàn về tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với an ninh lương thực
Đức sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến quy tụ Bộ trưởng Nông nghiệp từ nhóm các quốc gia dân chủ giàu có G7 để thảo luận về tác động mà cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine có thể gây ra đối với an ninh lương thực thế giới, DW đưa tin.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức, Cem Özdemir, cho biết cuộc họp vào ngày 11/3 cũng sẽ tập trung vào việc làm thế nào để ổn định thị trường lương thực.
“Nguồn cung lương thực ở Đức và EU là an toàn, nhưng có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn hơn ở một số nước bên ngoài EU, đặc biệt là những nước vốn đang phải đối mặt với các vấn đề như hạn hán”, ông Özdemir cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng giá nông sản cao hơn cũng không thể bị loại trừ ở các nước công nghiệp phát triển.
Ông Özdemir cho biết, ông cũng đã mời Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine tham gia hội nghị cùng với đại diện của Ủy ban châu Âu và các tổ chức quốc tế.
Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ năm. Cả 2 nước chiếm khoảng 30% lượng lúa mì giao dịch trên toàn cầu.
Minh Đức (Theo DW, Reuters, Bloomberg)