Người Anh hùng góp phần giữ “mắt thần trên biển”
Chúng tôi đến thăm nhà ông Lê Hữu Trạc, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, sau khi ông đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND; niềm vui và sự xúc động vẫn còn vẹn nguyên trên khuôn mặt người thương binh nguyện giành cả một đời vì đất nước.
Bên chén trà đặc, Anh hùng Lê Hữu Trạc kể cho chúng tôi nghe khoảng ký ức về cuộc chiến tranh khốc liệt bên giới tuyến lửa Quảng Trị. Nơi ấy, ông cùng đồng đội đã chiến đấu hết mình để giữ gìn từng tấc đất, ngọn cỏ quê hương.
Lê Hữu Trạc, sinh năm 1941, trong một gia đình nghèo tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Lớn lên trong cảnh làng quê bị quân giặc chiếm đóng, thân phụ bị giặc Pháp giết hại, ngọn lửa căm phẫn kẻ thù luôn bừng cháy trong lồng ngực.
Vào tháng 4/1962, khi vừa bước qua tuổi 20, Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gia nhập vào Đại đội 1 (Đại đội Lê Hồng Phong), Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh).
Đại đội Lê Hồng Phong là đơn vị bảo vệ giới tuyến 17, vì vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn được xem như những hạt giống đỏ của sư đoàn. Năm 1965, Mỹ đánh phá ra miền Bắc, và đảo Cồn Cỏ luôn nằm trong tầm ngắm xâm chiếm của địch. Bởi, lúc bấy giờ địch xem đảo Cồn Cỏ như “mắt thần trên biển”.
Tháng 7/1965, Lê Hữu Trạc cùng các đồng chí trong Trung đội của mình được cấp trên lựa chọn ra đảo Cồn Cỏ, lúc này Lê Hữu Trạc là Trung Đội phó.
Để được chọn ra đảo, Lê Hữu Trạc và những người lính trong Trung đội của mình thống nhất cạo trọc đầu. “Biết ra đảo sẽ vất vả, hiểm nguy nhưng anh em ai cũng hừng hực khí thế, viết tâm thư để được lên đường. Trước lúc đi, cả Trung đội phải cạo đầu vì ra đảo không có nước ngọt để tắm gội”, Anh hùng Lê Hữu Trạc nhớ lại.
Ban đầu Trung đội của Lê Hữu Trạc được phân công ra giữ đảo 2 tháng, nhưng sau đó, lãnh đạo đơn vị quyết định để toàn Trung đội ở lại tiếp tục giữ đảo bởi như lời lãnh đạo của sư đoàn 341: “Nếu đơn vị nào cũng như Đại đội Lê Hồng Phong thì không cần Chính trị viên làm công tác tư tưởng”.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965 - 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch. Nhiều đồng đội của Lê Hữu Trạc đã được phong thành Anh hùng, chính họ đã góp chiến công làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng bất diệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Năm 1966, Lê Hữu Trạc và đồng đội trên đảo Cồn Cỏ vui mừng nhận thư khen ngợi, động viên của Bác Hồ và Cồn Cỏ được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đầu năm 1968, Lê Hữu Trạc được đơn vị phân công về đất liền làm Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Cùng với đồng đội của mình, anh lại tiếp tục xây dựng đơn vị Lê Hồng Phong trở thành đơn vị được phong tặng Danh hiệu Anh hùng vào năm 1968.
Người Anh hùng của nhân dân
Sau những chiến công cùng Đại đội Lê Hồng Phong, đến tháng 5/1968, ông Trạc được giao giữ chức Tham Mưu trưởng Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Đặc khu Vĩnh Linh.
Vào những tháng cuối năm 1968, địch lên kế hoạch âm mưu đổ bộ ra miền Bắc, trách nhiệm của đơn vị Lê Hữu Trạc càng nặng nề hơn. Nắm được thông tin địch muốn đánh phá khu phòng thủ tên lửa Vĩnh Linh, ông Trạc cùng đồng đội đã trực tiếp đi khảo sát trận địa. Tại đây, ông cùng một chiến sỹ liên lạc bị trúng bom từ trường, chiến sỹ liên lạc hi sinh, riêng ông Trạc bị đánh bay gần 50m và bị mất đi 2 đôi mắt.
Thời kỳ đầu phải xa đồng đội lui về hậu phương, Lê Hữu Trạc mang trong mình nhiều cảm xúc. Giữa lúc bản thân phải đối diện với bóng tối, xa đồng đội, Lê Hữu Trạc đã tự làm thơ động viên mình:
“Ai đo được cây cao nhất trên rừng cao bao nhiêu mét?/ Ai cân được con cá lớn nhất dưới biển nặng mấy ngàn cân?/ Ai biết được lòng tôi thường suy nghĩ phân vân? Nhưng tôi rất đỗi tự hào và vững một niềm tin tất thắng”.
Mặc dù bom đạn đã lấy đi đôi mắt của Lê Hữu Trạc, nhưng niềm tin tất thắng, ngọn lửa yêu nước vẫn mãi cháy đỏ trong tim ông. “Giặc Mỹ có thể cướp đi ánh sáng thiên nhiên, nhưng ánh sáng chân lý sẽ mãi không bao giờ tắt”, Lê Hữu Trạc nói.
Sau khi bị thương, ông Lê Hữu Trạc được đưa ra Bắc điều trị, sau đó an dưỡng tại Ba Vì (Hà Tây cũ). Tại đây, ông đã gặp bà Kim Thị Mão và họ nên duyên vợ chồng.
Năm 1972, bà Mão quyết định về quê chồng ở Quảng Bình an cư và lập nghiệp. Năm 1973, niềm vui vỡ òa trong căn nhà nhỏ của họ ở thôn Xuân Ninh khi chị Mão sinh con trai đầu lòng. Với ý chí và nghị lực của người lính, Lê Hữu Trạc luôn là người trụ cột chèo lái gia đình vượt qua nhiều khó khăn thử thách của cuộc sống. Họ tiếp tục nhận tin vui khi 2 người con 1 gái, 1 trai lần lượt ra đời.
Trong quá trình chiến đấu và công tác của mình, Trung úy, Đại đội trưởng Lê Hữu Trạc được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì,1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Trở về từ chiến trường, đến nay với gần 55 tuổi Đảng, 77 tuổi đời, hàng ngày Anh hùng Lê Hữu Trạc vẫn kể chuyện về đảo Cồn Cỏ, về Quảng Trị, về những người đồng đội yêu nước cho con cháu và thế hệ trẻ noi gương, học tập.
Mới đây, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 621/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Lê Hữu Trạc, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.