Con người ngày càng sống thực dụng hơn. Những phẩm chất đạo đức quý báu thi thoảng cũng phải nhường lại “một phút tỏa sáng” cho cái bụng rỗng đang réo ầm ĩ. Bởi chỉ những người ăn cây táo rào cây sung mới biết quả táo căng bóng trên cành chua hay ngọt.
Cuộc sống không giống bất kỳ bài học giáo dục công dân nào, khi con người ta đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu thì liệu lòng trung thành, trung thực, tự trọng... còn giá trị gì nữa? Nhưng tất nhiên, không phải nhân viên nào khi cảm thấy mình bị đối xử bất công cũng nói xấu cơ quan, bôi nhọ lãnh đạo, đồng nghiệp.
Sáng nay, đọc bài: “Kỹ sư tố sếp cũ ‘trả thù’ vì không được… chung chi” trên báo điện tử Người đưa tin, bỏ qua những điểm khác thường về tuyển dụng nhân sự, tôi thấy rất buồn và tiếc. Tiếc vì cú hạ cánh thiếu an toàn của vị Hiệu trưởng, và buồn vì lời lẽ không hay mà những người đồng sự cũ dành cho nhau.
Tuy không thấy anh nhắc đến khuyết điểm của mình trong bài báo trên, nhưng nhận xét một cách khách quan, tôi thấy anh quá… ngây thơ so với số năm công tác. Anh cứ thử một lần nghe các em nhỏ nói chuyện với nhau, xem giữa chúng có “nguyên tắc ngầm” nào không, xem đứa trẻ bị hít-le đã mắc lỗi gì.
“Một tờ giấy
Xé làm đôi
Không ai chơi
Bỏ suốt đời”
Thật tiếc, thứ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ của anh và thầy Bê không phải bài đồng dao trên mà là tờ quyết định cho thôi việc.
Ở đời, nhiều chuyện chỉ cần thay đổi góc nhìn là đảo lộn tốt – xấu, đúng – sai, chẳng dễ dàng như khi tập đếm “một với một là hai”. Đừng bao giờ trói buộc mình với định kiến rồi tự chuốc lấy khổ đau, bất hạnh. Quan điểm “khi tôi nghỉ thì tôi sẽ cho người tôi tuyển nghỉ” của ông Bê tuy có phần cứng nhắc, nhưng cũng phần nào thể hiện tinh thần trách nhiệm của ông với ngôi trường và hiệu trưởng mới. Nếu không nghĩ cho anh T., với những vi phạm được liệt kê trong bài báo, ông Bê phải ra quyết định cho anh T. thôi việc từ lâu mới phải.
Thôi việc ở Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, anh kỹ sư có thể đi tìm việc khác. Nếu thực tế đúng như những gì mà anh đã mô tả (“luôn hoàn thành công việc được giao”, nhận được “sự tín nhiệm, yêu mến của nhiều cán bộ nhân viên”) thì sợ gì bị nơi khác “hắt hủi”. Tôi chỉ sợ anh “thường xuyên vi phạm nội quy, làm ở trường thì ít mà bỏ đi làm tư thì nhiều”, thậm chí nhắn tin mạt sát sếp cũ đúng như lời ông Bê đã nói thì… vô phương cứu chữa!
Cuối cùng, tôi muốn gửi một lời khuyên chân thành cho anh T.: Đừng bao giờ kể tội thầy Hiệu trưởng trong những cuộc phóng vấn việc làm sau này. Các nhà tuyển dụng ít khi dành thời gian tìm hiểu lý do thực sự khiến ứng viên bị đẩy ra khỏi chỗ làm trước đây nhưng họ luôn chú ý tới thái độ của anh với “sếp cũ”, công việc cũ.
Ai mà biết được lần tới khi anh đổi việc, anh sẽ “tố cáo” họ thế nào!
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng! |