Người dân ở thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã quá quen với cái tên "kỹ sư nông dân" Nguyễn Hồng chương.
Dù mới chỉ học hết lớp 8 trường làng, anh Chương đã sáng chế, sản xuất rất nhiều loại máy móc hữu ích phục vụ nông nghiệp khiến nhiều người thán phục.
Không chỉ tự sản xuất máy nông nghiệp phục vụ gia đình và người thân, đến nay anh đã nghiên cứu, chế tạo được 15 loại sản phẩm, đưa ra thị trường nhiều nước trên thế giới.
Mới đây, ngày 11/12, anh được vinh danh trong Lễ tôn vinh 53 “Nhà khoa học của nhà nông" lần đầu tiên được tổ chức bởi Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Lễ tôn vinh nhằm ghi nhận, đánh giá và biểu dương những trí thức, nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Gia tài những sáng chế của anh Dương có thể kể đến như: Máy đóng đất vô chậu, máy đóng đất vô vỉ, máy xay đất mùn, máy gieo hạt chân không, máy ươm cây giống 6 trong 1, máy rửa và đánh bóng cà chua, máy dồn đất vào vỉ xốp, máy đào khoai tây đa năng…
Các sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn xuất đi nước ngoài. Những sáng chế của anh giúp người nông dân giảm thiểu ngày công lao động và tăng thu nhập, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ SX truyền thống sang SX nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Năm 2010, những sáng chế của anh Chương được người Malaysia quan tâm và đặt hàng. Cũng tại thị trường Malaysia, anh Chương đã xuất khẩu trực tiếp 15 máy nông nghiệp tự chế gồm máy gieo hạt, máy đóng đất vô vỉ xốp, máy đóng đất vô chậu.
Năm 2012, nhà nông sáng chế Nguyễn Hồng Chương với trình độ văn hóa mới học hết lớp 8 đã trở thành "kỹ sư" chân đất làm chuyến xuất ngoại ký kết sản xuất máy nông nghiệp với đối tác ở các nước Đông Á.
Trong số những sáng chế cuả anh, chiếc máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trái cà chua được đánh giá là đặc biệt hữu ích. Chiếc máy hoạt động mỗi ngày 8 tiếng, đạt năng suất 20 tấn, bằng khoảng 20 người dùng phương pháp thủ công để làm việc. Trong vòng 8 giờ mỗi máy có thể xử lý 20 tấn cà chua.
Để phục vụ tốt hơn, anh Chương khánh thành xưởng cơ khí rộng hơn 1.000 m2, tọa lạc giữa cánh đồng rau thôn Lạc Thạnh với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng. Đây là khoản tiền dành dụm sau hơn 4 năm bán hàng loạt chiếc máy tự chế ra thị trường trong và ngoài nước.
Không dừng lại ở đó, năm 2017, chỉ trong vòng 2 tuần, Nguyễn Hồng Chương đã cải tiến và thiết kế ra mẫu máy gieo hạt chân không tự động mới có công xuất lớn hơn, với hệ thống 6 trong 1 tự động.
Sản phẩm của anh đã được bán rộng rãi trong toàn quốc và xuất đi Trung Quốc, Lào, Campuchia, đặc biệt tiêu thụ nhiều ở Malaysia. Loại máy này đạt được tỷ lệ chính xác cao, không rơi vãi hạt, bình quân mỗi giờ gieo được gần 27.000 hạt giống, được người sử dụng đánh giá rất cao. Mỗi chiếc máy gieo hạt này có thể thay thế cho từ 10-12 lao động nhưng lượng điện chỉ tiêu tốn 0,5kw/h, lợi ích đem lại cho người nông dân rất lớn.
Đặc biệt, chiếc máy gieo hạt 6 trong 1 tự động model HC 020 ra đời sau đó còn có thể thay thế 18-20 nhân công và cơ sở của anh đang sản xuất đại trà loại máy này.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Tường Vi đánh giá: “Máy móc của anh Nguyễn Hồng Chương rất phù hợp với người nông dân. Tuy nhiên, với trình độ đến lớp 8, việc đăng ký bản quyền, bản vẽ... còn gặp nhiều khó khăn. Tương lai, anh Chương nên tham gia các lớp học để nâng cao kinh nghiệm và phát huy tính sáng tạo tốt hơn."
Với những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp, anh Nguyễn Hồng Chương đã được nhiều cơ quan, tổ chức trao tặng bằng khen, trong đó có bằng khen của Thử tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng…
Năm 2017, chủ cơ sở sản xuất nông cụ Hồng Chương đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế tạo máy phục vụ sản xuất máy nông nghiệp công nghệ cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đình Văn (Tổng hợp)