Trung Quốc sẽ phản đối?
Ngoại trưởng Anh Jeffrey Hunt và Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson đã nhắc đến ý định thành lập một căn cứ hải quân dài hạn ở Đông Nam Á - có thể là ở Singapore hoặc Brunei. Đây sẽ là căn cứ quân sự mới đầu tiên của Anh ở khu vực này trong hơn nửa thế kỷ qua.
Theo Mark J. Valencia, một học giả cao cấp tại viện nghiên cứu Biển Đông (Trung Quốc) đánh giá, ý tưởng này đã được kích thích một phần bởi Brexit – tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) gây tranh cãi.
Ít nhất ở thời điểm ban đầu, Vương quốc Anh hiểu rằng họ sẽ bị suy yếu khi rút khỏi châu Âu. Một số thành viên thuộc chính quyền Thủ tướng Theresa May cho rằng, để phát triển mạnh mẽ sau khi chia tách, quốc gia này phải thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Á.
Nhưng để đảm bảo điều đó, họ phải bảo vệ các tuyến đường biển và đầu tư ở khu vực. Do Anh không thể đạt được mục đích một mình, quốc gia này phải tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ - thế lực cũng đang cần sự giúp đỡ để hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Valencia nhận định, Trung Quốc dường như không dễ tin vào lý do đơn giản như vậy của Anh mà coi động thái này chỉ là một “chiêu trò” để London sớm gia nhập một phần nhóm chiến lược của Mỹ trong việc đối đầu với nước này.
Trung Quốc tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Mỹ công bố gần đây và sự hồi sinh của Nhóm Bộ tứ - một cơ chế phối hợp an ninh giữa Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ - là bằng chứng cho mục tiêu nói trên.
Bắc Kinh cũng có khả năng xem động thái này là một mối đe dọa hiện sinh chiến lược. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm mới tại Ngọc Lâm, trên đảo Hải Nam để làm nơi neo đậu các tàu ngầm vũ trang hạt nhân.
Đây được coi là những quân bài hiệu quả để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân tiềm năng của kẻ thù. Do đó, chúng cần phải được náu mình ở Biển Đông để phát huy hiệu quả.
Sự hiện diện của một căn cứ lớn của Anh sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều tàu thăm dò tình báo hơn, có thể làm lộ diện tàu ngầm của Trung Quốc, do đó loại bỏ khả năng răn đe và khiến Bắc Kinh thất bại trong một cuộc đối đầu hạt nhân. Ngoài ra, sự hiện diện của tàu chiến Anh ở Biển Đông thực hiện các nhiệm vụ tự do hàng hải cũng khiến Trung Quốc không thể vui vẻ.
Bắc Kinh có thể coi đây là bằng chứng cho thấy một liên minh phương Tây đang được hình thành để âm mưu chống lại nước này và sẽ phản đối một cách quyết liệt. Học giả Valencia tin rằng, đây là bối cảnh chiến lược mà Anh cần xem xét trong việc xây dựng một căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á.
Làm rối thêm tình hình
Mối quan tâm ban đầu mà Anh nên cân nhắc đó là, liệu một căn cứ tại đây có giá trị hay không, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn hiện tại, câu trả lời có thể là không. Nhưng nếu Mỹ coi cam kết này là một phần trong chiến lược lớn hơn liên quan đến Trung Quốc, thì nước này có thể sẽ hỗ trợ cho căn cứ của Anh cả về kinh tế và chính trị.
Nhưng một động thái như vậy sẽ được đón nhận như thế nào đối với các quốc gia trước đây từng là thuộc địa của Vương quốc Anh?
Singapore đã có sẵn cơ sở sửa chữa cho hải quân Anh và Brunei vẫn còn một số đơn vị lính Anh trong nước. Bên cạnh đó, Anh còn là thành viên của Thỏa thuận phòng thủ năm cường quốc, bao gồm Malaysia, Singapore, Australia và New Zealand, thường xuyên có các cuộc tập trận quân sự trong khu vực. Dường như mọi điều kiện rất sẵn sàng. Tuy nhiên, việc xây dựng một căn cứ quân sự lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Giải thích về điều này, học giả Mark J. Valencia cho rằng động thái của Anh sẽ khiến cho Trung Quốc suy diễn rằng đây là sự hồi sinh của chủ nghĩa thực dân. Ngoài ra, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia mà Anh muốn xây dựng căn cứ và cả các nước trong khu vực chắc chắn sẽ phản đối mạnh mẽ, với những nghi ngờ về mục đích lâu dài mà London muốn làm với cả họ và Trung Quốc.
Không những vậy, căn cứ này sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu của Trung Quốc trong bất kỳ cuộc xung đột nào và quốc gia có cơ sở quân sự của Anh sẽ phải đối mặt với các mối quan hệ chính trị và kinh tế khó khăn với Trung Quốc trong tương lai gần.
Tất nhiên, Singapore có thể coi việc tổ chức một căn cứ của Anh là một hình thức bảo trợ chống lại ảnh hưởng của Malaysia, Indonesia và là một hàng rào bảo đảm trong trường hợp Mỹ rút lui khỏi khu vực.
Nhưng Singapore sau đó sẽ phải sống với những hậu quả lâu dài khi sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên. Đối với Brunei, thật khó để tưởng tượng một xã hội Hồi giáo quy củ lại dễ dàng chào đón một đội ngũ lớn quân đội nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự tham gia của Anh vào khu vực sẽ càng khiến cho quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc trở nên chồng chéo, rắc rối hơn. Các nước ASEAN từ lâu vẫn muốn giải quyết các vấn đề mang tính nội bộ, thay vì cuốn vào sự lựa chọn phe phái giữa các cường quốc lớn bên ngoài.
Một căn cứ mới trong khu vực dành cho một đồng minh của Mỹ có thể phá vỡ sự đoàn kết của các nước ASEAN. Nó cũng sẽ đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực khi Trung Quốc bành trướng và Mỹ vội vã nâng cấp năng lực quân sự của đồng minh.