Trò chuyện với Đại Đoàn Kết về cơ duyên khi chọn con dúi để phát triển kinh tế, anh Lê Hữu Như Ý (SN 1991, ở xã Sơn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết: "Tôi vốn quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, học xong cấp 3, tôi rời quê lên Tp.Đà Nẵng để phục vụ du khách theo các tour du lịch.
Ở Tp.Đà Nẵng, tôi gặp và đem lòng yêu một cô gái người Quảng Bình rồi nên duyên chồng vợ. Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi đều thất nghiệp. Sau đó, vợ chồng dắt díu nhau về Quảng Bình sinh sống. Về quê, sống ở huyện miền núi, cả hai chưa biết làm nghề gì nên đã lên các trang mạng tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi và đặc biệt là dúi.
“Trước đây, nuôi dúi để phát triển kinh tế tôi chưa từng nghĩ tới. Nhưng khi bén duyên và bắt tay vào nuôi dúi, tôi đã thay đổi suy nghĩ và đang từng bước làm giàu từ loài gặm nhấm này. Để quyết định nuôi dúi, tôi trằn trọc nhiều đêm, lo sợ dúi không hợp với môi trường sống. Nhưng được sự động viên từ gia đình vợ, tôi làm liều, mua ít con dúi người dân địa bàn săn bắt được để nuôi thử.
Sau một thời gian, tôi nhận thấy dúi tự nhiên vốn khó thích nghi với môi trường nuôi nhốt, chậm lớn và hao hụt dần nên bắt xe khách ra tỉnh Thanh Hóa mua 8 cặp dúi mốc, giống dúi thương phẩm về nuôi", anh Ý nhớ lại.
Thời điểm đó, nhiều người trong gia đình biết Ý sẽ khởi nghiệp bằng nghề nuôi dúi thương phẩm thì cho rằng không có tương lai nhưng Ý vẫn tin mình làm được. Suốt gần 1 năm ăn cùng dúi, ngủ cùng dúi, vừa tự tìm kiếm, học tập kỹ thuật nuôi trên mạng vừa tích lũy kinh nghiệm qua từng lứa nuôi, đàn dúi đầu của Ý đã xuất chuồng.
Thấy hiệu quả trong lần nuôi dúi thương phẩm thử nghiệm, Ý bàn với gia đình vay vốn, mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng để tăng đàn dúi, mở rộng quy mô chuồng trại. Đến nay, diện tích chuồng trại nuôi dúi của Ý đã lên đến 200 m2, với 2 trại nuôi. Có thời điểm số lượng đàn dúi trong chuồng trại của Ý lên đến 800 con.
Theo Người Lao Động, trang trại dúi thương phẩm của anh Ý hiện nuôi 2 loại dúi - dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác.
Bên cạnh nuôi dúi thịt thương phẩm, gần 3 năm nay, anh Ý đã nắm chắc kỹ thuật chọn dúi ghép đôi sinh sản để bán dúi giống.
"Trung bình mỗi năm, dúi sinh 3 lứa, mỗi lứa 2 - 4 con. Các loại dúi thịt và dúi giống của tôi hiện được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành phía Nam. Mỗi năm, tôi thu lãi trên 400 triệu đồng", Lê Hữu Như Ý phấn khởi nói.
Theo anh Ý, dúi là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, lại mang đến giá trị kinh tế cao nhưng nuôi dúi không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Thức ăn của dúi phải khô ráo, không ẩm ướt, không bị ôi, thiu. Con dúi ăn rất ít, mỗi ngày chỉ cần một thanh tre nhỏ bằng hai ngón tay hoặc một củ khoai, nửa củ mì, thêm vài hạt bắp là đủ.
Khẩu phần nước uống mỗi ngày của một con dúi là một đoạn mía dài không quá 5 cm. Vậy nên, hàng ngày không cần cho dúi uống nước nữa. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản, không chiếm nhiều diện tích và không gây ô nhiễm môi trường, nhưng phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ. Mỗi ô chuồng nuôi dúi dùng gạch lát nền gắn lại với nhau (kích thước chiều rộng và cao: 60 x 60cm).
Nuôi trong vòng 3 tháng, mỗi con dúi trưởng thành có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng 3 - 4 kg. Trung bình mỗi kg dúi thịt có giá khoảng 550.000 đồng. Còn dúi giống phải đến 8 tháng tuổi mới bắt đầu sinh sản, khi chọn dúi giống thì phải lựa con cái đẹp rồi theo kỹ thuật để giao phối, tách đàn…
"Căn bệnh thường gặp ở dúi là tiêu chảy, nếu điều trị không đúng thuốc hoặc không kịp thời dúi sẽ chết. Do đó, để ngăn ngừa bệnh này, người nuôi dúi phải vệ sinh chuồng mỗi tuần một lần bằng thuốc sát khuẩn, xịt xung quanh thành của ô nuôi", anh Ý đúc kết.
Từ thành công này, Lê Hữu Như Ý cho biết thời gian tới, gia đình anh có kế hoạch mở rộng quy mô trại nuôi để tăng số lượng đàn, lên 1.200 - 1.500 con, đồng thời hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được cấp giấy chứng nhận trang trại và đăng ký nhãn hiệu cho riêng mình.
Ông Nguyễn Quyết Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hóa, cho biết trang trại nuôi dúi thương phẩm của anh Như Ý là mô hình chăn nuôi tiên phong tại địa phương, đã cho hiệu quả kinh tế trước mắt và khả năng làm giàu trong tương lai gần. Nhận thấy đây là một hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho trang trại của anh Ý và nhiều người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập.
"Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Lê Hữu Như Ý là một trong những gương sáng trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn luôn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhiều gia đình khác. Thành công từ mô hình nuôi dúi của anh Ý đã phá thế chăn nuôi truyền thống là gia súc, gia cầm trên địa bàn, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân", ông Tiến kỳ vọng.
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, cho hay địa phương là huyện miền núi có khí hậu và địa hình thích hợp để loài dúi sinh trưởng, phát triển tốt, không chỉ trong môi trường nuôi nhốt mà ngoài tự nhiên cũng rất nhiều. Bởi vậy, đơn vị đang tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ thuật chăm sóc dúi cho nông dân để hướng đến chuyển đổi sang mô hình nuôi dúi thương phẩm nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.
Minh Hoa (t/h)