Anh nông dân 9X thu lãi trăm triệu đồng nhờ nuôi con "bò nhung nhúc"

Anh nông dân 9X thu lãi trăm triệu đồng nhờ nuôi con "bò nhung nhúc"

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 13/05/2024 07:30

Nuôi loài đặc sản quen thuộc trong bể xi măng, sau khi trừ chi phí, anh nông dân Hoàng Xuân Trúc (ở TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) lãi trên 120 triệu đồng.

Anh Hoàng Xuân Trúc (SN 1990) ở khu phố Thiện Đức, phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) là một trong những nông dân thành công với mô hình nuôi lươn không bùn tại địa phương.

Chia sẻ với báo Dân Việt, anh Trúc cho biết, sau khi đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản về, anh tiếp tục tha hương làm nhiều việc khác nhau tại các tỉnh, thành ở miền Nam nhưng chẳng có công việc nào cho anh nguồn thu nhập ổn định.

Đầu năm 2021, anh Trúc về quê, quyết định lập nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn. Để chuẩn bị cho việc này, trước đó, anh đã cất công đi tham quan nhiều mô hình nuôi lươn không bùn, tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để nắm vững kỹ thuật nuôi.

Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn chọn hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn quy mô 30m2 với 5 bể xi măng, mỗi bể rộng khoảng 6m2, anh Trúc đặt mua 9.000 con lươn giống tại các trại nuôi lươn ở miền Nam về thả nuôi. Nhờ cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên anh gặp thuận lợi ngay từ bước đầu thả nuôi con giống.

Đời sống - Anh nông dân 9X thu lãi trăm triệu đồng nhờ nuôi con 'bò nhung nhúc'

Lươn là loài khá mẫn cảm với môi trường nước, vì vậy nguồn nước nuôi lươn phải được thay 2 ngày/lần. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam,

Theo anh Trúc, để lươn sinh trưởng tốt, ít bệnh, trại nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát vào mùa hè, mùa đông phải che chắn thật kín gió để trại nuôi được ấm áp. “Lươn là loài khá mẫn cảm với môi trường nước, vì vậy nguồn nước nuôi lươn phải được thay 2 ngày/lần. Nước phải được lọc kỹ, loại bỏ tạp chất, sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho lươn”, anh Trúc chia sẻ với báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Bước đầu khởi nghiệp thuận lợi, giữa năm 2021, anh Trúc phát triển mô hình nuôi lươn lên 10 bể nuôi, mỗi bể anh thả nuôi 2.000 con giống. Nhờ chọn được nguồn giống đồng đều, chất lượng, sau 11 tháng thả nuôi, lươn đạt trọng lượng bình quân 250 - 300g/con, tỉ lệ sống đạt 85%, sản lượng đạt 1,5 tấn. Với giá bán sỉ dao động từ 120.000 - 130.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, anh Trúc lãi trên 120 triệu đồng.

Anh Trúc cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi lươn, kết hợp trồng cỏ, nuôi bò để tạo ra mô hình nuôi khép kín nhằm giảm chi phí và tăng giá trị đầu ra.

Theo ông Sử Văn Hưng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn, năm 2023 mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của anh Hoàng Xuân Trúc tiếp tục đạt thành công ngoài mong đợi. Lươn sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt 90%, trọng lượng trung bình đạt 9 - 10 con/kg, sản lượng đạt khoảng 900kg/vụ nuôi (6 tháng).

Cũng theo ông Sử Văn Hưng, từ thực tiễn và hiệu quả kinh tế của các mô hình khuyến nông thí điểm trên địa bàn trong năm 2023, đến nay, đã có 10 hộ nông dân ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã tiếp cận, học hỏi và đầu tư nhân rộng các mô hình như nuôi ốc bươu đen, cá thát lát cườm và đặc biệt là mô hình nuôi lươn không bùn ngày càng được nhân rộng.

Hộ tham gia các mô hình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn, quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng.

Từ nguồn kinh phí cấp cho hoạt động khuyến nông của tỉnh và thị xã, trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn đã triển khai xây dựng nhiều mô hình khuyến nông, phù hợp với nhu cầu sản xuất tại các địa phương, góp phần chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn Ngô Đình Tuy, trong năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng 19 mô hình khuyến nông. Trong đó, có 3 mô hình khuyến nông cấp tỉnh, gồm: Mô hình thâm canh lúa cải tiến theo hướng chất lượng, hữu cơ với quy mô 5ha tại thôn Xuân Vinh (xã Hoài Mỹ); mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây bắp (ngô) đối với sâu keo mùa thu, diện tích 1ha tại khu phố Trung Hóa (phường Tam Quan Nam); mô hình thâm canh cây mè (vừng) với quy mô 2ha trên đất lúa chuyển đổi tại khu phố Thái Lai (phường Hoài Xuân) và 16 mô hình chăn nuôi, trồng trọt của khuyến nông địa phương.

"Đáng phấn khởi, trong 5 mô hình khuyến nông chăn nuôi, trồng trọt của thị xã được triển khai vào đầu năm 2023 đều cho kết quả ngoài mong đợi. Nổi bật như: mô hình sản xuất giống rau mới súp lơ vàng, chăn nuôi gà thả đồi, nuôi ốc bươu đen trong ao đất... Thành công mỹ mãn nhất là mô hình nuôi cá thát lát cườm và nuôi lươn trong bể xi măng", ông Ngô Đình Tuy nói.

Vẫn theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn, trong suốt quá trình thực hiện mô hình, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn thường xuyên chuyển giao kỹ thuật đến với nông dân tham gia, hướng dẫn quy trình nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh bằng nhiều hình thức trực tiếp hay trao đổi qua điện thoại, Zalo giúp các hộ yên tâm sản xuất.

Minh Hoa (t/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.